Đề án 1816 của Bộ Y tế: KHÔI PHỤC VÀ NÂNG TẦM MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG

Ngày đăng: 24/8/2011 21:39

Ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (sau đây viết tắt là Đề án 1816). Đây là một Đề án có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, nên đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế hưởng ứng và thi đua thực hiện. Đề án 1816 của Bộ Y tế còn có ý nghĩa lớn là đón đầu thực hiện 3 nghị quyết quan trọng của Ban chấp hành Trung ương khoá X (kỳ họp thứ 7) về đội ngũ trí thức; về công tác thanh niên; và về nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

        Trong gian khó ló ý tưởng

        Ở nước ta, các tỉnh, thành phố miền Trung thường chịu nhiều khó khăn, gian khổ hơn các tỉnh, thành phố ở hai đầu đất nước, mùa hè thì nắng nóng kéo dài, tiếp đến là mùa mưa thì chịu bão lụt lớn. Đầu tháng 11/1999 và đầu tháng 12/1999, hai trận lụt lịch sử kéo dài liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhà nước và của nhân dân. Đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đi thăm bà con vùng lũ và kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Khi gặp gỡ, trao đổi với các Đội thanh niên tình nguyện của các địa phương, bộ, ngành (trong đó có thanh niên trường Đại học Y Hà Nội) vào giúp đỡ bà con tại thành phố Huế, đồng chí Tổng bí thư đã đánh giá cao vai trò của các lực lượng này và đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương triển khai các biện pháp cụ thể giúp đỡ các nạn nhân, người nghèo và các đối tượng khó khăn…

        Từ Cuộc vận động:

       Ngày 3/1/2000, đồng chí Lê Khả Phiêu (khi đó là Tổng Bí thư của Đảng) gửi thư cho cán, bộ nhân viên ngành y tế (qua báo Sức khoẻ & Đời sống) biểu dương những đóng góp to lớn của toàn ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về công tác y tế năm 2000, đồng chí Lê Khả Phiêu chỉ rõ:"... Ngành y tế phải cùng với các ngành, các cấp giúp đỡ trên 1000 xã nghèo đặc biệt khó khăn, có mặt ở bất cứ nơi nào xa nhất, hẻo lánh nhất, đường đi vất vả nhất, mà ở đó có những con người Việt Nam hàng ngày còn bị bệnh tật và nghèo đói dày vò, thiếu kiến thức về sức khoẻ và đời sống". Quán triệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, tại lễ Kỷ niệm 45 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2000, Bộ Y tế đã phát động Cuộc vận động ”Tăng cường cán bộ y tế về cơ sở công tác" (sau đây viết tắt là Cuộc vận động) trong thời gian 6 năm (2000-2005), nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong đó có người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội ở nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

        Ban chỉ đạo Cuộc vận động của Bộ Y tế đã phân công các bệnh viện trung ương, các bệnh viện hạng I cử cán bộ tăng cường cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, thời gian mỗi đợt từ 3-6 tháng; Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Y tế triển khai thực hiện cuộc vận động; Tổ chức lễ ra quân: Bệnh viện Bạch Mai tăng cường cho y tế tỉnh Tuyên Quang; Bệnh viện Việt Đức tăng cường cho y tế tỉnh Cao Bằng; Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường cho y tế tỉnh Kiên Giang; Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tăng cường cho y tế tỉnh Bình Phước… Sơ kết 2 năm (2000-2002) thực hiện Cuộc vận động, Bộ Y tế đã đánh giá cao hiệu quả của Cuộc vận động, đã lựa chọn và tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 3 cá nhân điển hình tiến tiến.

        Đến Đề án 1816:

        Do tác động của cơ chế thị trường và biến động về mặt tổ chức của y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến huyện trong thời gian vừa qua, cùng với chất lượng hoạt động của y tế cơ sở sa sút, tình trạng bệnh nhân bỏ qua tuyến dưới dồn về tuyến trên gây nên quá tải đối với các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh là khá phổ biến. Vấn đề 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường diễn ra ở nhiều bệnh viện. Để giải quyết vấn đề trên và từ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, Bộ trưởng đã chỉ đạo xây dựng Đề án“Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.

        Mục tiêu của Đề án 1816:

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

- Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.

- Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

        Nguyên tắc và thời gian cử đi luân phiên:

        - Cử cán bộ chuyên môn hoặc kíp cán bộ chuyên môn (gọi tắt là cán bộ đi luân phiên) từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trên có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật về luân phiên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Thời gian công tác do đơn vị cử cán bộ đi luân phiên quyết định, nhưng tối thiểu 03 tháng đối với 01 lần luân phiên của 01 cán bộ.

        - Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều bệnh viện tuyến dưới. Ngược lại, một bệnh viện tuyến dưới có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên.

        Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên:

        - Cán bộ đi luân phiên được giữ nguyên biên chế và được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị cử đi luân phiên.

        - Cán bộ đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nơi luân phiên (có quyết định khen thưởng của cơ sở, nơi cán bộ đến luân phiên) thì được đơn vị ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch khi đủ điều kiện và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.

        Triển khai thực hiện Đề án 1816, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo của Bộ do Bộ trưởng làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo của Bộ Y tế đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị y tế trong ngành tổ chức lễ triển khai thực hiện Đề án ở cả 3 miền:

        - Ngày 14/8/2008, tại thành phố Huế, đã tổ chức lễ triển khai thực hiện Đề án 1816 khu vực miền Trung, ký cam kết giữa Bệnh viện Trung ương Huế với Sở Y tế 5 tỉnh miền Trung được hỗ trợ đợt đầu là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên. Có 49 cán bộ của Bệnh viện Trung ương Huế được cử đi luân phiên đợt đầu hỗ trợ cho y tế 5 tỉnh trên.

        - Ngày 19/8/2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức lễ triển khai thực hiện Đề án 1816 khu vực miền Nam và tiễn 166 cán bộ của 2 bệnh viện trung ương (đóng tại thành phố) và 21 bệnh viện của thành phố được cử đi luân phiên đợt đầu hỗ trợ cho y tế 24 tỉnh miền Nam .

        - Ngày 30/8/2008, tại Hà Nội, tổ chức lễ triển khai thực hiện Đề án 1816 tại khu vực miền Bắc, ký cam kết và tiễn 223 cán bộ (trong đó có 197 cán bộ của 20 bệnh viện trung ương và 26 cán bộ của 5 bệnh viện Hà Nội) đựơc cử đi luân phiên đợt đầu hỗ trợ cho các tỉnh miền Bắc.

        Như vậy, khởi động thực hiện Đề án 1816, đã có 438 cán bộ từ 23 bệnh viện tuyến trung ương và 26 bệnh viện hạng I của hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được cử đi luân phiên đợt đầu hỗ trợ cho y tế nhiều địa phương trong cả nước.

        Những điểm mới của Đề án 1816 so với Cuộc vận động là:

        - Đề án được Bộ Y tế ra quyết định phê duyệt, so với Kế hoạch của Ban chỉ đạo Cuộc vận động;

        - Cử cán bộ của bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện hạng I tăng cường cho tuyến dưới (có khu trú căn cứ vào chất lượng), so với cử cán bộ tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới của Cuộc vận động (về tới tuyến xã) khá dàn trải.

        - Phương án hỗ trợ của Đề án 1816 linh hoạt hơn (một bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ nhiều bệnh viện tuyến dưới, và ngược lại, một bệnh viện tuyến dưới có thể tiếp nhận sự hỗ trợ của nhiều bệnh viện tuyến trên), so với sự phân công (mỗi bệnh viện tăng cường cho một địa phương, ngược lại, mỗi địa phương được tăng cường từ một bệnh viện) của Cuộc vận động.

        - Đề án 1816 xác định rõ nguồn ngân sách đảm bảo, so với việc giao cho các bệnh viện tự cân đối kinh phí thực hiện của Cuộc vận động…

        Những điểm mới nêu trên có vai trò rất quan trọng đảm bảo thực hiện thành công Đề án và đó cũng chính là tính khả thi và là tính bền vững của Đề án 1816.

        Bộ Y tế ban hành Đề án 1816 là khôi phục và nâng tầm một chủ trương đúng. Đó là chủ trương tiếp tục hướng về cơ sở, đầu tư cho y tế phổ cập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đại đa số nhân dân, trong đó có người nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện định hướng công bằng trong chăm sóc sức khoẻ.

        Giáo sư về với cộng đồng:

        Đó là tiêu đề do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu gợi ý cho các phóng viên trong phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho các cán bộ của Bệnh viện Trung ương Huế được cử đi hỗ trợ đợt đầu, trong đó có PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện. Trong danh sách cán bộ luân phiên ở khu vực phía Bắc và phía Nam cũng có một số cán bộ là giáo sư, phó giáo sư, lãnh đạo bệnh viện. Vấn đề đặt ra là, cử giáo sư, lãnh đạo bệnh viện đi luân phiên hiệu quả hơn hay là để các cán bộ này thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát thì hiệu quả hơn? Lý giải vấn đề này, PGS.TS. Phạm Như Hiệp nói: Đề án 1816 là hỗ trợ toàn diện, thường xuyên và lâu dài. Như vậy, phạm vi hỗ trợ không bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn y dược mà mở rộng ra cả các lĩnh vực khác như quản lý, điều dưỡng, trang thiết bị, kinh tế y tế… Vì vậy, trong thành phần của đoàn cán bộ của Bệnh viện Trung ương Huế cử đi luân phiên có cả cử nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên…

        Ông Bộ trưởng của dân:

        Khi đồng chí Nguyễn Quốc Triệu về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, có nhiều ý kiến của cán bộ y tế và của người dân nhận định rằng, Bộ trưởng sẽ quan tâm đến công tác y tế cơ sở nhiều hơn, chăm lo đến công tác chăm sóc sức khoẻ người nghèo và đối tượng chính sách nhiều hơn. Cơ sở của nhận định trên là, ngoài chuyên môn chính của Bộ trưởng là bác sỹ, đồng chí bảo vệ luận án Phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) chuyên ngành xã hội học, đã kinh qua công tác dân số và lãnh đạo chính quyền thành phố, nên cách tiếp cận vấn đề sẽ khoa học hơn, xã hội học hơn và thực tiễn hơn.

        Sau một số lần đi thăm bệnh viện, thấu hiểu và cảm thông trước tình cảnh người bệnh đã mệt mỏi do ốm đau lại mệt mỏi thêm do phải nằm chung giường trong điều kiện nóng nực, cảm thông với những người bệnh nghèo, sau ốm đau sẽ nghèo hơn… Bộ trưởng đã đặt câu hỏi, phải làm gì để không còn tình trạng bệnh nhân nằm chung giường, và làm thế nào để rút ngắn ngày điều trị giúp người dân đỡ khổ hơn… Bộ trưởng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ xây dựng, đề xuất và ban hành nhiều văn bản quan trọng đối với định hướng công tác của ngành y tế, trong đó có 2 văn bản thể hiện rõ nét nhất, đó là:

        Một là, ngày 7/12/2007, Bộ trưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, tập trung giải quyết 5 vấn đề sau: Hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; Nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám bệnh, chữa bệnh; Nâng cao y đức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Sửa đổi, bổ sung một số văn bản quản lý về công tác khám, chữa bệnh.

        Hai là, ngày 26/5/2008, Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.

        Đây mới là những hoạt động đầu tiên triển khai thực hiện một Đề án có tính toàn diện, thường xuyên và lâu dài, vì vậy, sẽ là quá sớm nếu đề cập đến tính hiệu quả của Đề án vào lúc này. Nhưng với tính khả thi của Đề án 1816, với cách điều hành kiên quyết của Bộ Y tế, với sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn ngành y tế, với sự vào cuộc của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương… chúng tôi tin chắc rằng, Bộ Y tế sẽ thực hiện thành công Đề án 1816, nâng cao được chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn./.

                                                                                                                                                                 Hoàng Trúc

Các tin khác