- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
- HỘI THẢO KHOA HỌC BỆNH VIỆN BẠCH MAI LẦN THỨ 32
Nâng cao năng lực chuyên môn điều dưỡng thông qua hoạt động Đào tạo – Hội chẩn trực tuyến
Vân Anh và cộng sự
Hoạt động đào tạo - hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Bạch Mai đã được triển khai gần 10 năm, với hàng nghìn ca bệnh được hội chẩn; không chỉ chú trọng tới đội ngũ bác sĩ, Ban tổ chức của Bệnh viện Bạch Mai cũng luôn chú trọng tới việc nâng cao trình độ chuyên môn của các điều dưỡng thông qua việc chia sẻ kiến thức, các ca bệnh liên quan tới chăm sóc bệnh nhân thuộc nhiều chuyên ngành. Mỗi tháng/lần, điều dưỡng của các Bệnh viện Vệ tinh đều được cùng nhau ngồi bàn luận việc chăm sóc bệnh nhân theo từng chủ đề thông qua hệ thống kết nối trực tuyến với chủ trì là Lãnh đạo phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai. Không chỉ gói gọn kiến thức về chăm sóc bệnh nhân của điều dưỡng chuyên ngành đó mà các biện pháp dinh dưỡng, phục hồi chức năng của bệnh nhân hoặc kết hợp với điều trị bệnh nhân cũng luôn được phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tổ chức linh hoạt và đồng bộ.
Trong buổi đào tạo - hội chẩn trực tuyến tháng 12, ngày 02/12/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi chia sẻ chủ đề “Chăm sóc bệnh nhân suy tim” với ca lâm sàng của Bệnh viện đa khoa Hà Đông, cùng với bài đào tạo “Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim” của Ths. Phạm Thị Hồng Ngọc - Viện Tim mạch, BV Bạch Mai; “Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim” của CN. Nguyễn Thị Thu Huyền - Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai.
Thông qua bài đào tạo “Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim”, người nghe đã được làm rõ định nghĩa, nguyên nhân, phân loại, triệu chứng của suy tim; Phát hiện sớm các biến chứng, tác dụng, tác dụng phụ của một số loại thuốc cơ bản trong điều trị suy tim; Xác định được các vấn đề chăm sóc, lập được kế hoạch chăm sóc người bệnh suy tim; Tư vấn, hướng dẫn chăm sóc các vấn đề sức khoẻ cho người bệnh suy tim.
Phân loại mức độ suy tim theo NYHA
Độ I |
Không hạn chế. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp. |
Độ II |
Hạn chế nhẹ vận động thể lực. BN khỏe khi nghỉ ngơi; vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực. |
Độ III |
Hạn chế nhiều vận động thể lực. BN khỏe khi nghỉ ngơi; vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng. |
Độ IV |
Mọi vận động thể lực đều gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực dù nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng. |
Các điều dưỡng cũng đã xác lập được chẩn đoán điều dưỡng(xác định vấn đề cần chăm sóc): Tuỳ thuộc vào tình trạng người bệnh xác định vấn đề cần chăm sóc theo thứ tự ưu tiên từ nặng đến nhẹ:
- Vấn đề liên quan đến tính mạng người bệnh (tiên lượng nặng, biến chứng ..)
- Vấn đề liên quan đến tuần hoàn, hô hấp? (nhịp tim, M, HA, nhịp thở, SPO2..)
- Vấn đề liên quan đến tình trạng nhiễm trùng? (ho, sốt, rale phổi?..)
- Vấn đề liên quan đến tình trạng phù, ứ trệ tuần hoàn ngoại biên, loét ép…
- Vấn đề liên quan đến tâm sinh lý, phục hồi chức năng, tư vấn giáo dục sức khoẻ…
Qua đó nhiều vấn đề liên quan tới lập kế hoạch chăm sóc, thiết lập lịch chăm sóc đã được xây dựng và thực hiện phù hợp với bệnh nhân suy tim.
Bên cạnh việc chăm sóc cho bệnh nhân suy tim, vấn đề dinh dưỡng và phục hồi chức năng cũng được quan tâm không kém cho các bệnh nhân này. Các thực đơn mẫu và chế độ phục hồi chức năng cho bệnh nhân đã được áp dụng cụ thể vào ca bệnh của Bệnh viện đa khoa Hà Đông qua buổi hội chẩn này.
Việc tiếp cận toàn diện trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân của điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực chuyên môn điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện tuyến dưới; khẳng định vị thế cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho bác sĩ trong việc điều trị bệnh nhân.
Hình ảnh đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai
Hình ảnh đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai
Đầu cầu BVĐK tỉnh Lào Cai
Đầu cầu BVĐK tỉnh Bắc Ninh
Đầu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình
Đầu cầu BVĐK tỉnh Tuyên Quang