Như vậy việc chăm sóc sức khoẻ cần tiến hành trong ba giai đoạn: từ khi những cặp bố mẹ tương lai chuẩn bị đăng ký kết hôn, kế đến là sàng lọc một số bệnh từ thời kỳ bào thai và giai đoạn sơ sinh. Trong khuân khổ bài này chúng tôi muốn đề cập đến việc hỗ trợ cho việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh trong giai đoạn sơ sinh trên phương diện Hóa sinh lâm sàng.
Việc sàng lọc bệnh trong giai đoạn sơ sinh cần có sự kết hợp giữa việc thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm nhằm mục đích sàng lọc một số dấu hiệu tiến triến trong giai đoạn sơ sinh hoặc những rối loạn về di truyền, từ đó có thể xác định bệnh trong giai đoạn sớm có thể trước khi có những biểu hiện lâm sàng.
Ở trẻ mới sinh ra khi một quá trình chuyển hoá bị rối loạn hoặc không được xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tâm thần hoặc vận động hoặc nặng hơn có thể bị tử vong. Qua việc thăm khám và xét nghiệm một số bệnh có thể được phát hiện và có hướng điều trị cụ thể làm giảm hoặc loại trừ những hiệu ứng không mong muốn mà bệnh gây ra cho những sinh linh nhỏ bé. Trên cơ sở đó y học có thể có những hướng điều trị sớm những rối loạn này và hiệu quả điều trị thường tốt hơn khi bệnh đã phát triển ở giai đoạn bùng phát hoặc giai đoạn cuối.
Có nhiều bệnh mà trẻ sơ sinh có thể mắc phải, dưới đây là một số bệnh tiêu biểu được xếp thành 6 nhóm chính sau:
a. Một số bệnh rối loạn hồng cầu bẩm sinh:
- Bệnh thiếu hụt Glucose-6-phosphate dehydrogenase
- Bệnh hồng cầu liềm (Sickle-cell disease)
- Bệnh b-Thalassemia, ...
b.Một số bệnh về rối lọan chuyển hóa amino acid
- Bệnh tyrosin máu I và II(Tyrosinemia I, II)
- Bệnh Phenylceton niệu (Phenylketonuria)
- Bệnh xi rô niệu (Maple syrup urine disease)
- Bệnh Homocystin niệu (Homocystinuria), ...
c.Một số bệnh về rối lọan chuyển hóa acid hữu cơ
- Bệnh Glutaric acid máu typ I, II (Glutaric acidemia type I, II )
- Bệnh thiếu hụt 3-Methylcrotonyl-CoA carboxylase
- Bệnh thiếu hụt Methylmalonyl-CoA mutase, ...
d.Một số bệnh về rối lọan chuyển hóa acid béo
- Bệnh thiếu hụt Carnitine palmityl transferase
- Bệnh thiếu hụt chuỗi dài acyl-CoA dehydrogenase
- Bệnh thiếu hụt chuỗi ngắn acyl-CoA dehydrogenase, ...
e. Một số bệnh đa hệ thống hỗn hợp
- Bệnh xơ hóa nang (Cystic fibrosis)
- Bệnh suy giáp bẩm sinh (Congenital hypothyroidism)
- Bệnh thiếu hụt Biotinidase
- Bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia)
- Bệnh galactose máu (galactosemia), ...
g .Một số bệnh nhiễm trùng bẩm sinh
- Bệnh nhiễm toxoplasma bẩm sinh (Congenital toxoplasmosis)
- Bệnh nhiễm HIV bẩm sinh, ...
Cùng với các phương pháp cận lâm sàng khác, xét nghiệm hoá sinh lâm sàng có thể giúp sàng lọc một số bệnh ở trẻ sơ sinh, nhưng để chẩn đoán xác định bệnh cần có sự thăm khám lâm sàng và các phương tiện từ nhiều chuyên khoa khác.
1.Bệnh thiểu năng giáp bẩm sinh (Congenital hypothyroidism)
Trên lâm sàng trẻ bị suy giáp bẩm sinh có thể không cho thấy những triệu chứng, hoặc có thể có những triệu chứng như: ngủ quá mức, bắp thịt nhẽo, tiếng khóc nhỏ hay khàn tiếng, phản ứng chậm chạp, thân nhiệt thấp, thóp trước và sau rộng, thoát vị rốn, lưỡi to dày, bệnh hay ở bé gái nhiều hơn. Định lượng TSH và T4 trong huyết thanh (hoặc huyết tương) vào ngày thứ ba hoặc thứ năm sau sinh có thể giúp cho chẩn đoán bệnh (biểu hiện nồng độ TSH tăng cao; T4 thấp). Điều trị bằng việc bổ sung thyroxine và kiểm tra nồng độ TSH và T4 sau 2 tuần điều trị và định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị cũng như chỉnh liều thuốc cho phù hợp là việc làm cần thiết
2. Bệnh thiếu hụt enzym G6PD (Glucose-6-phosphate dehydrogenase deficiency)
Bệnh di truyền do thiếu enzym G6PD (Glucose-6-phosphate dehydrogenase). Lâm sàng bệnh thường xảy ra ở nam giới, biểu hiện thiếu máu, vàng da từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 sau khi sinh, nếu nặng sẽ kéo dài hơn và gây biến chứng vàng da, dẫn đến bệnh lý về não có thể gây tử vong, hay biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động... Bệnh nhẹ có thể sẽ không biểu hiện gì ra bên ngoài mà trẻ vẫn sống bình thường như những trẻ khác, nhưng khi uống một số loại thuốc có tính oxy hóa như: Aspirin, thuốc giảm đau (Acetaminophene), thuốc kháng sốt rét (Primaquine) và kháng viêm (loại Nonsteroide) làm cho hồng cầu bị vỡ, dẫn đến tình trạng tán huyết gây thiếu máu. Chẩn đoán bệnh dựa trên lâm sàng, tiền sử gia đình (đã có người mắc bệnh) và đặc biệt là xét nghiệm hóa sinh cho thấy hoạt độ enzym G6PD thấp .
3. Tăng sản thượng thận bẩm sinh (Congenital Adrenal Hyperplasia CAH)
Do rối loạn chức năng sản xuất các hormone của tuyến thượng thận. Biểu hiện cơ quan sinh dục kém phát triển hoặc thậm trí có sự "mơ hồ" về giới tính do bộ phận sinh dục ngoài có thể nửa giống nam, nửa giống nữ. Bệnh có thể biểu hiện bằng nôn ói và tiêu chảy kéo dài sau sinh... Bệnh di truyền gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể thường do cả bố và mẹ đều mang gen bệnh truyền cho con. Tỷ lệ mắc bệnh là 1/14000.
Trên phương diện hóa sinh lâm sàng để hỗ trợ cho chẩn đoán có thể cần phải định lượng nồng độ một số hormon của tuyến vỏ thượng thận như: Testosterone, estradiol. Horm mon của thùy trước tuyến yên: ACTH (adrenocorticotropic hormone). Ngoài ra còn một enzym rất quan trọng giúp cho chẩn đoán là: 21-hydroxylase (trong bệnh này hoạt độ enzym này thường bị thiếu hụt) và một số enzym khác như: 17α-hydroxylase; 3β-hydroxysteroid dehydrogenase; 11β-hydroxylase,...(xem thêm sơ đồ dưới đây). Liệu pháp điều trị thường là cung cấp các hormone.
![]() |
Sơ đồ tổng quát những giai đoạn chủ yếu của sự tổng hợp ba nhóm steroid chính của vỏ thượng thận |
4. Bệnh Phenylceton niệu (Phenylketonuria):
Là một khuyết tật bẩm sinh về chuyển hoá amino acid, hậu quả gây nồng độ acid amin phenylalanin tăng cao trong máu, bệnh gây tác động tới thần kinh làm trẻ chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng. Để xác định bệnh này cần tiến hành định lượng phenylalanin trong máu (thử nghiệm Guthrie) có thể giúp phát hiện bệnh sớm. Để có thể phòng ngừa những tổn hại đến thần kinh chế độ ăn của trẻ bị mắc căn bệnh này cần dùng các protein đã loại bỏ phenylalanin. Bệnh xảy ra khi cả bố và mẹ đều mang gen khuyết tật này truyền cho con.
5. Bệnh thiếu hụt Biotindase (Biotinidase deficiency):
Nguyên nhân của căn bệnh này là thiếu enzym biotindase. Biotin là 1 vitamin của phức hợp B, thiết yếu cho việc chuyển hóa các chất béo, liên quan đến việc tổng hợp các acid béo và tân tạo glucose. Bệnh nhi có biểu hiện: vận động yếu, hệ thống miễn dịch có thể suy giảm, nghe kém, chậm phát triển tâm thần. Khi mang thai người mẹ bị thiếu hụt biotin có nguy cơ cao sinh con bị khuyết tật bẩm sinh như hở hàm ếch. Chẩn đoán bệnh có thể thông qua việc định lượng acid 3- Hydroxy isovaleic (3-HIA) trong nước tiểu là một chỉ điểm của thiếu hụt biotin ở trẻ khi bị nghi ngờ mắc căn bệnh này. Bệnh nhi thiếu biotin khi được cung cấp thêm có thể ngăn ngừa được bệnh này. Thức ăn có chứa nhiều Biotin là: lòng đỏ trứng và gan. Phòng ngừa hoặc giảm thiểu khả năng mắc bệnh bà mẹ thời kỳ mang thai nên có chế độ ăn đủ Biotin.
6. Homocystin niệu (Homocystinuria):
Bệnh do rối loạn chuyển hóa methionin nguyên nhân do thiếu enzym cystathionin b synthetase. Là bệnh di truyền lặn trên nhiễm săc thể thường. Biểu hiện lâm sàng: về nhãn khoa bệnh nhi biểu hiện như sa lệch thể thủy tinh, mạch máu có thể có huyết khối tĩnh mạch và toàn thân thường biểu hiện chậm phát triển tâm thần, thậm chí có thể tử vong nếu bị nghẽn mạch phổi. Cận lâm sàng: nồng độ homocystin trong máu và trong nước tiểu tăng cao. Để phát hiện bệnh có thể định lượng methionin, homocystin trong máu và có thể định lượng homocystin trong nước tiểu. Điều trị bệnh: bổ sung các vitamin B6, B12, acid folic và cần giảm tối đa hàm lượng methionin trong khẩu phần ăn.
7. Bệnh tyrosin máu (Tyrosinemia)
Bệnh do rối loạn chuyển hóa amino acid tyrosin. Bệnh có thể biểu hiện chậm phát triển về tâm thần, nói khó khăn và trong nước tiểu nồng độ acid parahydroxyphenylpyruvic tăng rất cao. Về điều trị thực hiện chế độ ăn nên loại trừ amino acid này trong thành phần thức ăn hoặc ghép gan
8. Bệnh Galactose máu (Galactomie):
Sự mất khả năng bẩm sinh về sự sử dụng đường galactose dẫn đến nồng độ đường này tăng lên trong máu rất cao, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời trẻ sẽ chậm lớn và không phát triển trí tuệ. Nhưng nếu phát hiện sớm và chỉnh chế độ ăn không có galactose trẻ sẽ tăng trưởng và phát triển trí tuệ bình thường.
9. Bệnh xơ hóa nang (Cystic fibrosis)
Còn gọi là bệnh xơ nang tụy hoặc bệnh nhày nhớt. Bệnh di truyền, biểu hiện chủ yếu ở các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như: tuyến mồ hôi, tuyến tiết chất nhầy và các tuyến khác. Do tăng sinh quá mức các chất nhầy đặc quánh có thể gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh, tắc tuyến tụy và ở phổi làm tắc các tiểu phế quản. Mồ hôi có nhiều Na và Cl, đây là một thông số cần xét nghiệm. Trên lâm sàng thể khó thở, chậm và khó khăn tiêu hóa và sự tăng trưởng chậm. Chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu, có thể là làm giảm thiểu các triệu chứng bằng cách cung cấp thêm một số enzym của tuyến tụy, liệu pháp sinh lý phế quản và phòng ngừa những bệnh nhiễm khuẩn cho bệnh nhi.
10. Bệnh xiro niệu (Maple syrup urine disease):
Một khuyết tật bẩm sinh về chuyển hóa các amino acid làm nước tiểu có quá nhiều valine, leucine và isolecine nên có mùi thơm như mùi cây thích (mùi xirô thích), nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và thậm chí tử vong trong thời thơ ấu. Điều trị có thể dùng chế độ ăn là những protein đã loại bỏ những amino acid trên.
Tài liệu tham khảo
- American College of Medical Genetics Newborn Screening Expert Group. Newborn screening: toward a uniform screening panel and system--executive summary. Pediatrics. 2006 May
- Newborn Screening Expands: Recommendations for Pediatricians and Medical Homes-Implications for the System. Pediatrics. January 2008
(