Cắt khối tá tụy nội soi là một trong những kỹ thuật cao nhất của phẫu thuật nội soi ổ bụng. Thay vì đường mổ truyền thống từ mũi ức kéo dài qua rốn 20-25cm thì phẫu thuật cắt toàn bộ khối tá tuỵ nội soi chỉ sử dụng 5-6 lỗ rạch từ 1-2 cm, 1 đường mở bụng khoảng 5cm để lấy bệnh phẩm. ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm, Phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến kỹ thuật này.

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ những thông tin cơ bản về kỹ thuật cắt khối tá tụy nội soi toàn bộ cho độc giả?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Kỹ thuật cắt khối tá tụy nội soi là phẫu thuật cắt khối tá tràng, đầu tuỵ, túi mật, ống mật chủ, một phần dạ dày, quai đầu hỗng tràng, nạo vét hạch, thực hiện các miệng nối tuỵ - ruột, mật - ruột, dạ dày - ruột qua nội soi hoàn toàn.

PV: Ưu điểm của kỹ thuật này so với các kỹ thuật khác? Có giảm đau hơn và thời gian phục hồi thế nào thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Đây là một trong những kỹ thuật cao nhất của phẫu thuật nội soi ổ bụng. Thay vì với đường mổ truyền thống rất rộng từ mũi ức kéo dài qua rốn (20-25cm), thậm chí có một số trung tâm thực hiện đường mổ kéo ra 2 bên sườn thì phẫu thuật cắt toàn bộ khối tá tuỵ nội soi chỉ sử dụng 5-6 lỗ rạch từ 1-2 cm, 1 dường mở bụng khoảng 5cm để lấy bệnh phẩm.

Do thực hiện qua nội soi nên các tổ chức, giải phẫu được nhìn rõ ràng hơn, tiếp cận được những vùng sâu một cách rõ ràng hơn. Tính chất phẫu thuật triệt căn tương đương với phẫu thuật mổ mở truyền thống, thậm chí đạt kết quả tốt hơn mổ mở. Thời gian phục hồi sớm hơn, thời gian nằm viện ít hơn, bệnh nhân ít đau hơn, vận động sớm hơn, dinh dưỡng đường miệng sớm hơn.

PV: Những bệnh nhân nào có chỉ định, chống chỉ định để được thực hiện kỹ thuật này, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Hiện nay không có những khuyến cáo nào về chỉ định, chống chỉ định tuyệt đối cho cắt khối tá tuỵ nội soi toàn bộ, nhưng các yếu tố cần được cân nhắc kỹ gồm: khả năng của phẫu thuật viên, khả năng thực hiện phẫu thuật triệt căn. Do vậy khuyến cáo những bệnh nhân như sau đều có thể thực hiện được phẫu thuật:

     - Thể trạng tốt, BMI trong giới hạn bình thường.

     - Không có tiền sử mổ cũ, viêm tuỵ mạn tính.

     - Khối u khu trú vùng đầu tuỵ tá tràng, chưa xâm lấn mạch máu.   

     - Các tổn thương tuỵ lành tính.

PV: Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước, trong và sau quá trình thực hiện kỹ thuật?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Trước mổ, bệnh nhân sẽ được đánh giá kỹ: giai đoạn bệnh, bệnh lý phối hợp, dinh dưỡng. Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ dinh dưỡng sẽ gặp trao đổi và tư vấn cho bệnh nhân.

-         Thời điểm trước mổ bệnh nhân phải ngừng hút thuốc, uống rượu (tốt nhất là trên 1 tháng), tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp cho khả năng hồi phục sau mổ tốt hơn.

-         Bổ sung dinh dưỡng trước mổ tốt, đặc biệt những bệnh nhân có sụt cân nhiều.

-         Không phải chuẩn bị ruột bằng các thuốc uống.

-         Bệnh nhân không phải nhịn ăn từ tối hôm trước. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng dùng cho bệnh nhân phẫu thuật. Chỉ nhịn ăn uống trước phẫu thuật khoảng 2h.

-         Sau mổ bệnh nhân vận động, dinh dưỡng đường miệng được khởi động sớm ngay ngày thứ 1 sau mổ.

ki thuatcat khoi ta tuy noi soi

Sau khi mổ xong

ki thuatcat khoi ta tuy noi soi1

Bệnh phẩm sau khi cắt bỏ

Một số hình ảnh bệnh nhân được phẫu thuật tại khoa

 PV: Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi sau khi cắt khối tá tụy nội soi như thế nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Phẫu thuật cắt khối tá tuỵ liên quan đến dạ dày, đường mật, tuỵ, tá tràng nên những bệnh nhân này sẽ có thay đổi về tiêu hoá thức ăn, có những bệnh nhân phải bổ sung men tuỵ tạm thời hay suốt đời. Tuỳ từng bệnh nhân bác sĩ sẽ khám và tư vấn chế độ ăn cụ thể sau mổ, nhưng nhìn chung có những khuyến cáo sau:

-         Ăn 5-6 bữa nhỏ, chia đều trong ngày để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

-         Chọn thức ăn nhiều protein, calo, duy trì cân nặng.

-         Tránh ăn lượng lớn đồ ăn lỏng có thể làm đầy dạ dày và ảnh hưởng lượng thức ăn đưa vào.

-         Nếu bệnh nhân thấy đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy có thể phải bổ sung men tuỵ giúp chuyển hoá thức ăn.

-         Có thể thử ăn tất cả các loại thực ăn và theo dõi sát xem khả năng dung nạp của cơ thể để đưa ra từng chế độ ăn cụ thể cho từng bệnh nhân.

PV: Những biến chứng nào có thể xảy ra? Dự phòng cho những biến chứng đó, bệnh nhân cần phải làm gì? Khi nào cần báo cho bác sĩ/nhân viên y tế, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Bất kỳ phẫu thuật nào đều có nguy cơ. Các biến chứng có thể gặp ngay sau phẫu thuật cắt tá tụy nội soi bao gồm: Nhiễm trùng vết mổ; Biến chứng rò tuỵ; Chảy máu sau mổ; Viêm phổi; Áp xe tồn dư...

Bệnh nhân sau mổ được theo dõi chặt chẽ tại khu hồi sức và tại bệnh phòng. Bất cứ khi nào bệnh nhân thấy các dấu hiệu bất thường như: sốt, khó thở, vết mổ sưng đỏ, chảy dịch, chảy mủ, bụng đau, chướng… đều phải báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

PV:Sau khi ra viện, bệnh nhân có cần lưu ý gì không, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Sau khi cắt khối tá tuỵ, có một số biến chứng lâu dài có thể gặp gồm: Thiếu Vitamin B12, sắt; Thiếu men tuỵ ngoại tiết dẫn đến tiêu hoá thức ăn kém; Tiêu chảy kéo dài; Đái tháo đường; Chậm lưu thông thức ăn, viêm loét miệng nối. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý về chế độ ăn cũng như luyện tập như sau.

Chế độ ăn:

-         Hạn chế đồ ăn chiên rán, dầu mỡ, tốt nhất sử dụng nguồn chất béo từ thực vật.

-         Ăn nhiều thực vật, trái cây hơn.

-         Theo dõi sát tiêu hoá, trao đổi với bác sĩ để bổ sung men tuỵ.

-         Có thể dùng thêm thuốc giảm tiết dạ dày.

Chế độ thể dục:

-         Chế độ thể dục không những tốt cho chuẩn bị trước mổ mà còn giúp phục hồi tốt sau mổ. Bệnh nhân nên bắt đầu liệu trình thể dục một cách từ từ, tuỳ thuộc tình trạng thực tế của mình. Quan trọng là phải thiết lập thành 1 thói quen. Có thể bắt đầu bằng cách đi bộ, hay 1 số động tác kéo giãn cơ.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng chậm tiêu, đau bụng thượng vị hay bất kỳ dấu hiệu bất thường khác hãy liên hệ với bác sĩ để được khám và tư vấn ngay.

PV: Kỹ thuật này có được BHYT chi trả không? Nếu không thì chi phí khoảng bao nhiêu?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Bảo hiểm được thanh toán hầu hết trong phẫu thuật cắt khối tá tuỵ nội soi, gồm cả các dụng cụ phẫu thuật kỹ thuật cao như: dao siêu âm, máy cắt nối nội soi…Nếu không có bảo hiểm thì chi phí toàn bộ cho cuộc phẫu thuật và chi phí thuốc điều trị khoảng 50-60 triệu (không tính đến các bệnh nhân nặng, có biến chứng sau phẫu thuật làm kéo dài thời gian điều trị, nằm tại khu điều trị tích cực.

PV: Nếu bệnh nhân có chỉ định phải cắt khối tá tụy và muốn được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai thì thủ tục, quy trình thế nào? Bệnh nhân cần bắt đầu khám từ đâu?

ThS.BS. Nguyễn Thành Khiêm: Những bệnh nhân nghi ngờ có khối u vùng đầu tuỵ có thể đến khám tại phòng khám 414, Khoa Khám bệnh hoặc phòng khám 522, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu. Hoặc có thể liên hệ theo số điện thoại: 086.958.7701.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Đỗ Hằng thực hiện