Co bao xơ là biến chứng lâu dài phổ biến liên quan đến việc nâng ngực. Trong quá trình lành thương bình thường, một lớp mô liên kết mỏng hình thành xung quanh túi ngực trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật. "Bao" này là một phản ứng sinh lý của cơ thể với tác nhân lạ. Trong hoàn cảnh lý tưởng, bao xơ mỏng, vẫn giữ được hình dạng ban đầu và không sờ thấy.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bao xơ có thể co lại và nén ép vào túi độn, làm cho vú bị cứng. Baker đã phân thành 4 mức độ cứng khác nhau về bao xơ quanh túi. Ở độ I, hình thể và kích thước tự nhiên, sờ mềm mại. Ở độ II, vú cứng nhẹ nhưng hình thể vẫn bình thường. Độ III bao xơ co thắt mức độ vừa, bệnh nhân có thể tự sờ và thấy cứng, chắc, hình thể vú bắt đầu thấy bị co bất thường. Độ IV là nhìn thấy túi bị bóp lại cứng ngác, co lại, biến dạng rõ ràng và có những cơn đau vùng ngực.
Co bao xơ có thể xảy ra ngay sau khi phẫu thuật hoặc sau vài năm. Một hoặc cả hai vú có thể bị ảnh hưởng sau khi nâng ngực. Các biểu hiện co thắt nhẹ có thể vẫn không được bệnh nhân chú ý (Baker độ II). Khi co thắt nặng hơn (Baker độ IV), bệnh nhân có thể cảm thấy có dị vật hoặc thỉnh thoảng bị đau mãn tính. Tỷ lệ co thắt bao xơ thay đổi giữa nâng ngực đơn thuần và kết hợp các thủ thuật tạo hình khác. Các nghiên cứu dài hạn đã phát hiện ra rằng co thắt bao xơ xảy ra ở 4-5% các trường hợp đặt túi độn ngực trong vòng 10 năm sau phẫu thuật, với tỷ lệ tăng lên 10-15% sau 20 năm và 20-25% sau 30 năm.
(Shiffman và Di Giuseppe. 2013 Cosmetic Surgery)
Cơ chế bệnh sinh chính xác của co thắt bao xơ vẫn chưa được giải thích đầy đủ, có thể do tình trạng viêm kéo dài và sự tăng sinh quá mức của các nguyên bào sợi, là một phản ứng tại chỗ của cơ thể với dị vật. Tuy nhiên, một số phẫu thuật viên cho rằng có những yếu tố được biết là góp phần vào tăng khả năng xảy ra co thắt bao xơ. Đầu tiên là hình thành khối máu tụ, tụ dịch sau phẫu thuật, không được dẫn lưu một cách thích hợp. Nhiễm trùng khoang đặt túi, thường là do vi khuẩn chẳng hạn như tụ cầu da, cũng có thể gây ra co thắt bao xơ. Do đó, cầm máu kỹ là bắt buộc trong phẫu thuật nâng ngực và đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn trong phẫu thuật đặt túi độn là rất quan trọng. Một số yếu tố ảnh hưởng khác cũng đang được nghiên cứu. Và cho đến nay, lựa chọn một loại túi nào để có thể chắc chắn không dây bao xơ là điều không thể.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rằng co thắt bao xơ không nguy hiểm đến sức khỏe, nó chỉ đơn thuần là một phản ứng quá mức của cơ thể khi cấy ghép một tổ chức lạ vào cơ thể. Giải pháp cho tình trạng co bao xơ là phẫu thuật để bóc bỏ bao xơ, cũng có thể liên quan cần thay mới hoặc thay đổi vị trí túi độn.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung; BSNT Nguyễn Mạnh Cường
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai