Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe toàn cầu (NCGM) Nhật Bản, sáng ngày 13/01/2021, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra hội thảo trực tuyến chủ đề: “Chăm sóc và Điều trị người bệnh đột quỵ cấp trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai và đầu cầu NCGM
Tham dự Hội thảo, về phía Bệnh viện Bạch Mai có lãnh đạo Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến, Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Phục hồi chức năng, Trung tâm Thần kinh và 50 bác sĩ/điều dưỡng đến từ các chuyên khoa Đột quỵ, Thần kinh, Phục hồi chức năng, Dinh dưỡng,… Về phía NCGM, Nhật Bản có sự tham gia của TS. Hara Tetsuo - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung tâm, đại diện Cục Hợp tác quốc tế, lãnh đạo khoa Phục hồi chức năng, khoa Thần kinh, khoa Phẫu thuật thần kinh,... Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 300 đồng nghiệp tại các đầu cầu từ 15 bệnh viện trong mạng lưới điều trị Đột quỵ trên cả nước.
.
Bài giảng được truyền trực tuyến giữa điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai, 15 Bệnh viện tuyến dưới và NCGM (Nhật Bản)
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia của NCGM đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai xây dựng các mô hình làm việc nhóm, đặc biệt là mô hình nhóm chăm sóc đa ngành trong lĩnh vực đột quỵ, ngoại khoa, hồi sức tích cực... Bên cạnh hoạt động đào tạo và trao đổi thường quy, NCGM và BV Bạch Mai phối hợp tổ chức Hội thảo thường niên nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm không chỉ giữa hai bên mà còn cho các đồng nghiệp của bệnh viện khác tại Việt Nam.
Tại hội thảo “Chăm sóc và Điều trị người bệnh đột quỵ cấp trong bối cảnh đại dịch COVID-19“ năm nay, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh đột quỵ trên phương diện ngoại khoa, điều trị nội khoa trong bối cảnh COVID-19 và kỹ thuật thuật quay video nuốt VFF trong chẩn đoán rối loạn nuốt, hít sặc.
Với kinh nghiệm chăm sóc người bệnh qua 05 làn sóng dịch, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu quy trình chụp mạch và phẫu thuật, đảm bảo về kiểm soát nhiễm khuẩn đối với bệnh nhân COVID-19, các trường hợp ca bệnh khó chẩn đoán như giả đột quỵ, đột quỵ tắc kè hoa... Bên cạnh đó, đồng nghiệp Nhật Bản còn chia sẻ về sự hiệu quả của việc triển khai nhóm điều trị đa chuyên ngành; mô hình và kinh nghiệm đào tạo liên tục dành cho điều dưỡng tại Nhật Bản.
Các chuyên gia Việt Nam đã trình bày về điều trị tái tưới máu nhồi máu não cấp, chẩn đoán, điều trị huyết khối tĩnh mạch não, triển khai kỹ thuật VFF đánh giá rối loạn nuốt và thực trạng chăm sóc người bệnh đột quỵ tại Việt Nam từ khi đại dịch xuất hiện. PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc trung tâm Đột quỵ cũng giới thiệu về các thành tựu xuất sắc của trung tâm sau 1 năm thành lập: tiếp nhận gần 8.000 bệnh nhân trong năm 2021, đặc biệt thời gian từ lúc bệnh nhân vào viện đến khi được điều trị tiêu huyết khối duy trì ở mức 25.5 phút, trong khi thời gian trung bình tại Việt Nam là 40 phút. Việc rút ngắn thời gian này đã tăng cơ hội được điều trị sớm và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được trung tâm chú trọng, thực hiện 3 nghiên cứu quốc tế trong năm 2021, công bố gần 10 bài báo quốc tế. Đây là những thành tựu rất ấn tượng không chỉ với các đồng nghiệp trong nước, mà còn được phía Nhật Bản đánh giá cao.
Hội thảo đã trở thành diễn đàn khoa học hữu ích để các thành viên tham gia trao đổi, cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh đột quỵ, đồng thời học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. BV Bạch Mai và NCGM mong muốn sẽ tiếp tục có những buổi hội thảo chuyên sâu hơn nữa về lĩnh vực này, hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc cho người bệnh, tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Tin: VPBV/Ảnh:T.Dương