Làm từ thiện không có nghĩa là đến tận nơi, gặp đúng người, sau đó nở một nụ cười, trao quà, chụp ảnh “làm tin”, bất chấp gương mặt đau đớn, tư thế thê thảm của người bệnh. Làm từ thiện không cứ phải tương lên các mặt báo gương mặt mệt mỏi, buồn khổ với vành tang trắng, cũng không phải cận cảnh từng thi thể vì tai nạn giao thông hay bị khủng bố để kêu gọi giúp đỡ cho hiệu quả. Làm từ thiện còn có nghĩa là cách hành xử văn hóa, không được “PR trên nỗi đau” - như một nhà báo nổi tiếng từng viết.
“Bão mạng” cuốn phăng cả lòng
tốt
Mấy ngày qua, cộng
đồng mạng “dậy sóng” trước bức ảnh chụp một nhóm từ thiện đến tặng quà cho
người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con. Người mẹ can đảm tuyệt vời đó đã
qua đời, và dân mạng lục lại hồ sơ câu chuyện, mới đem bức hình ra “mổ xẻ”.
Trên diễn đàn Facebook, nhiều người chỉ ước đó là… ảnh ghép, vì mức độ “tàn
nhẫn” và vô cảm mà sự tương phản trong bức ảnh gây ra: Một bên là người bệnh
kiệt sức, phải gắng gượng thở ôxy; một bên là người đến trao quà tươi cười,
giương tấm bảng ghi rõ quà từ thiện.
Nhân vật bị chỉ trích -
người phụ trách một nhóm từ thiện chuyên nghiệp - bị sốc vì không tự tay tung
lên bức ảnh đó. Và dĩ nhiên, người trong cuộc không đời nào muốn mình làm việc
nghĩa mà lại bị “ném đá” bầm giập như vậy. Bản thân chị cũng chỉ ra rằng nụ
cười không đúng chỗ ấy xuất hiện trong ngữ cảnh sau khi nghe tin sức khỏe cháu
bé có tiến triển tốt, nhóm liền khích lệ tinh thần cho người nhà bệnh nhân,
cũng như gửi lời chúc mong điều kỳ diệu đến với hai mẹ con.
Phần lớn các bình luận đều cho rằng nhóm
tình nguyện trong ảnh muốn đánh bóng tên tuổi dựa trên sự việc không may của
người mẹ. Mặc dù nhân vật bị “ném đá” khẳng định đây hoàn toàn là sự hiểu lầm,
không có nhu cầu làm PR, không đáng bị đàm tiếu như vậy, bản thân chị đã làm từ
thiện rất nhiều lần không cần ai biết, song “cơn giận”của cộng đồng mạng đã
“gạt phăng” tất cả.
Ống kính thiếu tầm nhân văn
“Tội đồ” gây bão mạng phải nói chính là
người chụp ảnh, khi khoảnh khắc họ ghi lại khiến người xem không chịu nổi. Cũng
có thể đó không phải là chủ ý, nhưng là bởi người chụp nhìn qua ống kính ở một
góc độ thiếu tính nhân văn. Còn nhớ, dân mạng cũng từng sôi sục tranh cãi vì
tấm biển quà tặng 2 năm sử dụng truyền hình cáp miễn phí cho người vợ của phi
công Trần Quang Khải. Nhiều người cho rằng, món quà dành cho gia đình phi công
đã khuất trong hoàn cảnh trên là thiếu tính thiết thực. Bên cạnh đó, cộng đồng
mạng cũng không tiếc tay “ném đá” khi cho rằng ai đó đang lợi dụng nỗi đau, sự
mất mát của gia đình chị Trần Thị Hà là cơ hội để quảng cáo, đánh bóng thương
hiệu. Bỗng dưng, tinh thần tương thân tương ái chia sẻ với người khó khăn trở
thành “biểu tượng” của sự phản cảm.
Còn rất nhiều vụ “ném đá” tập thể khi
chính “thông điệp” từ những bức ảnh trở nên phản tác dụng. Đó là khi tầm nhân
văn của người đứng sau bức ảnh là con số không. Người ta có thể âm thầm làm từ
thiện, cũng có thể công khai số tiền mình ủng hộ người cần giúp đỡ, mà không
cần những bức hình như vậy.
Một đề tài khác không liên quan, nhưng
cũng bị “ném đá” rầm rộ, là phóng sự về Syria của nhà báo Lê Bình. Những hình
ảnh về chiến sự khốc liệt và sự dấn thân của cả đoàn làm phim đáng được ghi
nhận bỗng chốc bị cư dân mạng chỉ trích. Là bởi, như nhà báo Lưu Trọng Văn nhận
xét, “diễn là cách tốt nhất để giết chết một tác phẩm mang tính phóng sự tài
liệu. Nhà báo khi chỉ muốn khoe tấm lòng, chỉ muốn tấm lòng mình không bị gió
cuốn đi như lẽ đời của tấm lòng chân thực, thì sự dối trá và tự đề cao mình, tự
chứng minh mình lên ngôi”.
Ở đây cũng vậy. Nếu những bức ảnh ấy không có sự đề cao bản thân người làm từ thiện, không muốn khoe việc tử tế họ làm theo kiểu cứ đứng xếp hàng, cười và chụp ảnh, thì có lẽ, những người ấy không đáng bị biến thành “tội đồ” như vậy.
Nguồn Nguoilaodong.com.vn