Phẫu thuật cắt khối u phổi là một trong số các phương pháp điều trị ung thư phổi. Tùy vào kích thước và vị trí khối u, phẫu thuật viên sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật bằng mổ mở hoặc nội soi. Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước và sau mổ? Chế độ ăn uống, tập luyện ra sao? Bệnh nhân ra viện cần lưu ý điều gì? Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những tư vấn cụ thể.
Bệnh ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Sự tiến bộ của y học trong phẫu thuật, hóa - xạ trị sẽ giúp người bệnh cải thiện thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra ung thư phổi như hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với hóa chất độc hại, amiang, yếu tố di truyền…trong đó thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu.
Ung thư phổi thường tiến triển qua nhiều năm. Ở giai đoạn tiền ung thư không thể nhìn thấy khối u trên phim chụp và chưa có triệu chứng nào. Sau khoảng 7-15 năm khối u đủ lớn để có thể phát hiện được trên Xquang.
Hình ảnh tổn thương phổi
Bác sỹ sẽ dựa vào giai đoạn của bệnh cũng như tình trạng người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các phương pháp điều trị ung thư phổi có thể là phẫu thuật cắt khối u bằng mổ mở hoặc nội soi, điều trị hóa chất và/hoặc xạ trị.
Ca mổ cắt khối u phổi sẽ diễn ra như thế nào?
- Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường khoảng 10cm (đối với mổ mở) và khoảng 5 cm (đối với phẫu thuật nội soi có hỗ trợ) vào khoang liên sườn. Ngoài ra đối với phẫu thuật nội soi, phẫu thuật viên sẽ rạch thêm 02 vết rạch khoảng 1cm ngay cạnh đường rạch trước để đưa dụng cụ vào hỗ trợ.
- Thông thường cuộc mổ kéo dài 2-3 giờ. Kết thúc cuộc mổ một hoặc hai ống dẫn lưu được đặt vào khoang lồng ngực. Ống này được rút sau mổ 2-4 ngày nếu đủ điều kiện: không rò khí, dịch ra dưới 100ml/ngày và Xquang phổi nở tốt.
Quá trình hồi phục và chăm sóc sau mổ ra sao?
- Người bệnh sau khi ổn định sẽ được chuyển từ phòng hồi tỉnh trở về Khoa Phẫu thuật lồng ngực (6-12h sau mổ).
- Người bệnh sau mổ ngày đầu, ngày thứ hai sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách tập ngồi dậy, tập thở, tập ho, tập với bình tập thở, tập vận động, đi lại. Từ những ngày sau người bệnh có thể tự mình tập luyện, tuy nhiên khi đi lại vẫn cần có người đi bên cạnh xách bình dẫn lưu và đề phòng ngã.
- Khi nằm, ngồi dậy, đi lại cần chú ý không đè lên dây dẫn lưu màng phổi hoặc tránh để dây bị căng.
- Bệnh nhân thông thường phải nằm viện khoảng 5-7 ngày khi đã ổn định.
- Dựa vào kết quả giải phẫu bệnh mà người bệnh sau mổ sẽ có phương pháp điều trị tiếp theo phù hợp như truyền hóa chất hoặc xạ trị. Một vài trường hợp đặc biệt thì người bệnh sẽ được hóa trị trước khi phẫu thuật.
Sau phẫu thuật có đau không? Có liệu pháp gì để giảm đau?
Đau sau mổ là một vấn đề mà người bệnh nào cũng sẽ trải qua. Tùy từng loại bệnh, cách thức phẫu thuật cũng như khả năng chịu đau của mỗi người khác nhau mà người bệnh sẽ có mức độ đau khác nhau. Tình trạng đau sẽ giảm dần từng ngày.
Người bệnh được giảm đau bằng các phương pháp khác nhau như giảm đau bằng thuốc qua tiêm bắp, truyền tĩnh mạch hoặc thuốc viên.
Vệ sinh sau mổ như thế nào?
Hầu hết người bệnh được đặt nội khí quản (một ống thông được đặt vào đường thở trong khi mổ) nên sau mổ thường hay bị đau họng vì vậy người bệnh cần xúc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng sạch sẽ sau mỗi lần ăn và đánh răng ngày hai lần.
Giữ vệ sinh thân thể bằng cách lau người bằng nước ấm hàng ngày hoặc có thể sử dụng dung dịch tắm khô, gội đầu khô trong những ngày đầu sau mổ.
Khi ăn uống hoặc lau rửa, chú ý tránh để rây vào vết mổ gây nhiễm trùng.
Chế độ ăn uống sau phẫu thuật thế nào?
- Đa số các phẫu thuật thuộc khoa Phẫu thuật lồng ngực không liên quan đến đường tiêu hóa nên người bệnh sau mổ có thể ĂN SAU 6 TIẾNG, UỐNG SAU 3 TIẾNG. Tuy nhiên, nếu vừa mổ về quá khát thì có thể uống nhấp môi một vài thìa nước nhỏ.
- Đối với các loại phẫu thuật như mổ phình động mạch chủ, tắc ngã ba chủ chậu…thì người bệnh sẽ ăn sau khi trung tiện được. Khi chưa trung tiện được thì sẽ được nuôi dưỡng bẳng đường truyền tĩnh mạch. Nên bắt đầu bằng thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, sữa. Tuy nhiên, nếu trước mổ không quen uống sữa thì không nên uống sữa ngay sau mổ vì dễ gây đau bụng đi ngoài.
- Nên ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn từ lỏng tới đặc, chia nhỏ làm nhiều bữa, chú ý bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là các loại hoa quả giúp nhuận tràng như bưởi, chuối, thanh long, đu đủ…
- Đối với người bệnh mắc các bệnh khác kèm theo như suy thận, đái tháo đường, cao huyết áp… cần hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi ăn.
- Người bệnh nên đăng ký xuất ăn của viện với nhân viên y tế để đảm bảo vừa an toàn vệ sinh và cân bằng đầy đủ dinh dưỡng.
Chế độ vận động sau mổ cần lưu ý điều gì?
Thông thường 6h đầu sau mổ, người bệnh nên nằm đầu cao 300, sau đó tập ngồi dậy dần dần bằng cách quay đầu giường từ thấp đến cao. Người bệnh có thể bị chóng mặt trong lúc thay đổi tư thế nên cần làm một cách từ từ và có người hỗ trợ hoặc kéo thanh giường lên đề phòng nguy cơ ngã.
Trong thời gian nằm tại giường, người bệnh có thể tự vận động chân tay giúp tránh mệt mỏi, phòng ngừa biến chứng tắc mạch, teo cơ cứng khớp.
Sau 24h, người bệnh có thể tập đứng dậy và đi lại khi không còn hoa mắt chóng mặt hoặc buồn nôn. Tuy nhiên vẫn nên có người đi cạnh để phòng ngừa ngã.
Ngoài ra, tùy loại bệnh và phẫu thuật khác nhau mà người bệnh sẽ có những bài tập chuyên biệt khác nhau. Ví dụ người bệnh mổ phổi cần chú trọng tập ho, tập hít thở sâu; mổ mạch chi dưới thì cần tập co duỗi chân…
Biến chứng có thể xảy ra là gì?
- Ho ra máu: Sau mổ có thể ho ra một ít máu đen cũ điều này là bình thường. Nó sẽ ít dần và hết hẳn sau một vài ngày.
- Chảy máu: thường xảy ra ngày đầu sau mổ. Biểu hiện: băng vết mổ thấm nhiều máu, dịch dẫn lưu ra máu đỏ tươi 100- 200ml/h trong 3-4h liên tiếp. Xử trí bằng cách băng ép hoặc khâu lại chân dân lưu hoặc có trường hợp phải mổ lại.
- Nhiễm trùng khoang màng phổi: Gặp khoảng 5% các trường hợp sau mổ. Tập lý liệu pháp hô hấp, vận động sớm sẽ giúp tránh được nguy cơ này. Những trường hợp này cần để dẫn lưu lâu hơn. Một số ít trường hợp tiến triển thành mủ màng phổi có thể phải phẫu thuật lại để làm sạch.
- Tràn khí dưới da: do chân dẫn lưu bị lỏng làm khí từ bên ngoài đi vào gây ra tình trạng căng tức hoặc ấn lép bép vùng da xung quanh chân dẫn lưu. Để xử trí tình trạng này bác sỹ sẽ khâu lại chân dẫn lưu.
- Rò khí kéo dài: Do rò khí từ diện cắt phổi, điều này là bình thường sau mổ. Nó có thể kéo dài 3-5 ngày. Dẫn lưu màng phổi phải để đến lúc hết hẳn khí. Một vài trường hợp rò khí kéo dài có thể phải mổ lại để xử lý hoặc bơm bột tal gây dính.
- Tràn khí màng phổi: Sau mổ phổi không nở hoàn toàn vẫn còn khí trong khoang màng phổi phải đặt dẫn lưu dài ngày. Đôi khi tình trạng này xảy ra khi đã rút ống dẫn lưu ngực do đó có thể phải đặt lại dẫn lưu hoặc nếu tràn khí ít thì phải tập tốt thở tôt để phổi nở hoàn toàn.
- Các biến chứng khác: đau họng, đau vai, tổn thương răng, nhiễm khuẩn vết mổ, khàn tiếng.
Những điều cần chú ý khi ra viện
- Uống thuốc theo đơn của bác sỹ và tái khám theo lịch hẹn. Khi tái khám, tùy loại bệnh mà bác sỹ sẽ cho làm xét nghiệm máu, siêu âm hoặc chụp chiếu.
- Khi có bất kỳ triệu chứng gì bất thường sau phải khám lại ngay:
+ Vết thương lâu liền, chảy dịch
+ Sốt liên tục kéo dài
+ Đau tức ngực, khó thở (đối với các phẫu thuật về lồng ngực)
+ Chân sưng nề, lạnh, hoại tử…(đối với phẫu thuật mạch máu)
- Thay băng vết thương và cắt chỉ sau mổ 7- 10 ngày tại cơ sở y tế gần nhất.
- Tiếp tục các bài tập cho từng bệnh cụ thể như: tập hít thở sâu (phẫu thuật lồng ngực), các bài tập với người bệnh lõm ngực, tập cổ (phẫu thuật tuyến giáp)…
- Tránh hoạt động mạnh như chạy nhảy, đá bóng, mang vác vật nặng ít nhất 01 tháng đầu sau mổ.
Khoa Phẫu thuật lồng ngực
Bệnh viện Bạch Mai