Nhiễm khuẩn là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho các bệnh nhân nội trú. Thời điểm sử dụng kháng sinh hợp lý là một trong số những can thiệp hiệu quả trong quản lý kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nặng thường có thay đổi sinh lý bệnh ảnh hưởng đến thanh thải và phân bố thuốc trong cơ thể. Trong khi đó vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn ở bệnh nhân nặng thường là các vi khuẩn giảm nhạy cảm với kháng sinh. Vì vậy cần sử dụng kháng sinh phù hợp với đường dùng và cách dùng đảm bảo đạt đích dược động học/dược lực học, nhằm tối ưu hiệu quả điều trị. Một trong số đó là truyền kháng sinh kéo dài trong 3 – 4 giờ hoặc truyền liên tục trong 24 giờ, thường áp dụng cho các kháng sinh nhóm beta-lactam, vancomycin hay fosfomycin.

Bệnh nhân điều trị nội trú thường được kê nhiều thuốc và phần lớn các thuốc sẽ được truyền theo từng đường riêng biệt. Tuy nhiên ở những bệnh nhân khó đặt được đường truyền hoặc cần truyền nhiều loại thuốc trong một thời điểm, điều dưỡng sẽ sử dụng đường truyền chữ Y. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, chỉ truyền các thuốc qua đường truyền chữ Y khi các thuốc không có tương kị với nhau vì tương kị có thể dẫn tới giảm tác dụng của thuốc và/hoặc gây tắc đường truyền, tắc mạch máu.

Tương kị của một số kháng sinh với thuốc khác qua đường truyền chữ Y

 

Tương kị được định nghĩa khi có sự thay đổi về màu sắc hoặc có tiểu phân hoặc dung dịch trở nên vẩn đục, tủa, có khí …

Bảng tổng hợp về tương kị của một số kháng sinh và các thuốc hay được kê đơn sử dụng tại các đơn vị hồi sức khi truyền qua đường truyền chữ Y dưới đây nhằm cung cấp thông tin cho các nhân viên y tế tham khảo trước khi quyết định truyền chung các thuốc qua đường truyền chữ Y.

Một số thông tin chính                             

Vancomycin: thường được truyền kéo dài trong 1 – 3 giờ hoặc truyền liên tục để tránh hội chứng người đỏ (Redman)

Meropenem: kháng sinh phổ rộng được lựa chọn điều trị các nhiễm khuẩn nặng, thường được chỉ định truyền kéo dài trong 3 – 4 giờ. Một số nghiên cứu đã công bố meropenem không tương hợp với dobutamin và vancomycin.

Fosfomycin: kháng sinh được sử dụng trong điều trị các vi khuẩn đa kháng, không tương hợp với các thuốc khác như ciprofloxacin, daptomycin và ceftarolin

Các dung dịch dinh dưỡng truyền tĩnh mạch không ảnh hưởng đến hầu hết các kháng sinh khi truyền qua đường truyền chữ Y. Đa số các kháng sinh đều có thể được truyền chung qua đường truyền chữ Y

Thông tin không thống nhất khi truyền chung các cặp kháng sinh như: ceftazidim và azithromycin, vancomycin và ceftazidim, cloxacillin và erythromycin. Do đó để tránh tương kị tốt nhất không nên truyền chung các cặp thuốc này với nhau.

Bảng tương kỵ của một số kháng sinh với các thuốc khác qua đường truyền chữ Y web 1

Bảng tương kỵ của một số kháng sinh với các thuốc khác qua đường truyền chữ Y web 2

Bảng tương kỵ của một số kháng sinh với các thuốc khác qua đường truyền chữ Y web 3

file đính kèm: https://drive.google.com/file/d/1yZ2WxcIwd6llegK5ZA6zcM7OrZIlTiek/view?usp=sharing

Nguồn:

Nunez-Nunez M et al (2022). Compatibility of prolonged infusion antibiotics during Y-site administration. Nurs Crit Care. 2022;1–10

Velia Marta Antonini – I Intensive care Unit Parma University Hospitsl italy/Physical & Chemical Compatibility of IV Drugs, april 2013

Điểm tin: Ths. Đỗ Thị Hồng Gấm,

Đơn vị Dược lâm sàng - Thông tin thuốc, Khoa Dược