Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Một người có thể mắc sốt xuất huyết mấy lần?

Virus sốt xuất huyết Dengue có 4 tuýp lưu hành, bất kể mùa mưa hay mùa khô. Vì vậy, bất kể người lớn hay trẻ con đều có thể mắc sốt xuất huyết và có thể mắc đến 4 lần.

"Khác thường so với mọi năm". Đó là nhận xét của các chuyên gia về hiện  tượng bệnh sốt xuất huyết tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" mặc dù đã vào dịp cuối năm. Thông thường hàng năm, đến tháng 11 là số ca mắc sốt xuất huyết lên đến đỉnh và giảm dần.

mot-nguoi-co-the-mac-sot-xuat-huyet-may-lan.jpg

Bố mẹ bé Thanh Trúc, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tại phòng cấp cứu Khoa Sốt xuất huyết hôm 24/12, đang rất lo lắng cho con 

Mắc sốt lần sau nguy hiểm hơn lần trước

Trưa 24/12, tại Phòng Cấp cứu Khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi Đồng 1), chị Nguyễn Hà Xuyên đang nhẹ nhàng bón từng muỗng cháo cho bé Nguyễn Thị Hải Anh - con gái 6 tuổi của mình. Chồng chị Xuyên ngồi bên cạnh, khẽ vỗ về con ăn ngoan đừng khóc, vì bé Hải Anh cứ thấy bác sĩ đến là khóc thét “đừng chích con, đừng chích con…”.

Chị Xuyên phát hiện con gái có dấu hiệu sốt cao, uống thuốc lại không giảm nên đưa con từ huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đến  Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào trưa 23/12. Các bác sĩ xác định bé Hải Anh bị sốt xuất huyết, sốc đường tiêu hóa. “Dưới chỗ tôi ở, cây cối um tùm nên nhiều muỗi, tụi nhỏ bị sốt xuất huyết cũng là chuyện thường lắm!  Năm ngoái, bé Hải Anh cũng bị sốt xuất huyết nhưng điều trị tại bệnh viện huyện chỉ 2 - 3 ngày là khỏi. Không hiểu sao, đợt này bệnh lại nặng dữ như vậy?”, chị Xuyên băn khoăn.

Nằm cạnh giường Hải Anh là bé Phạm Hòa Thanh Trúc, chỉ mới 1 tháng 7 ngày tuổi. Bé Thanh Trúc không may cũng nhiễm sốt xuất huyết và đang được truyền dịch. Bố của bé Thanh Trúc chia sẻ, gia đình anh sống ở khu dân cư Thuận Giao (tỉnh Bình Dương), nơi có rất nhiều phòng trọ.

Cạnh bé Thanh Trúc và cũng đang truyền dịch là bé Nguyễn Trần Duy Khang không ngồi dậy nổi để ăn cháo, phải nhờ mẹ đỡ đầu, còn bà nội bón từng muỗng cháo. Bé Khang trú tại huyện Hóc Môn (TPHCM) cũng phải nhập viện cấp cứu vì sốt xuất huyết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại Phòng Cấp cứu (Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1) có hơn 10 giường, nhưng không còn giường trống. Các phòng điều trị nội trú cũng đông kín bệnh nhân. ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho hay: Virus sốt xuất huyết Dengue có 4 tuýp lưu hành, bất kể mùa mưa hay mùa khô (nhưng mùa mưa muỗi nhiều hơn nên số ca mắc sốt xuất huyết cao hơn mùa khô). Vì vậy, bất kể người lớn hay trẻ con đều có thể mắc sốt xuất huyết và có thể mắc đến 4 lần.

“Trường hợp của bé Hải Anh là mắc sốt xuất huyết lần thứ hai. Tức là tuýp virus Dengue đang lưu hành tại nơi bệnh nhi này sinh sống đã khác so với năm trước. Một điều đáng lưu ý là khi mắc sốt xuất huyết lần thứ 2, 3, 4 thì luôn nặng, nguy hiểm hơn so với lần mắc trước đó”, BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Cũng theo BS Nguyễn Minh Tuấn: “Chúng tôi từng tiếp nhận một số bệnh nhi mới chỉ 4 ngày tuổi, khiến công tác điều trị cũng khó khăn phức tạp hơn. Vì vậy, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ lẫn em bé sơ sinh, bệnh sốt xuất huyết đều không chừa ai. Do đó, phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, diệt loăng quăng là việc phải làm nếu không muốn gặp nguy hiểm vì mắc sốt xuất huyết”.

Dịch khác thường

Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, có tình trạng khác thường ở dịch bệnh sốt xuất năm nay so với mọi năm. Hàng năm, đến tháng 11 là số ca mắc sốt xuất huyết lên đến đỉnh và giảm dần, nhưng năm nay bệnh truyền nhiễm do muỗi này đang còn “cù nhầy” đến thời điểm này với số mắc khá cao so với cùng kỳ. Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM công bố cho thấy, trong tuần 49, toàn địa bàn có 970 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tương đương so với số ca trung bình của 4 tuần trước đó (972 ca). Từ đầu năm đến hết tuần 49, toàn TPHCM có 18.743 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2014 (8.882 ca), trong đó có 7 trường hợp tử vong, cao hơn số ca tử vong năm 2014 (5 ca).

Một trong những lý do chính tạo ra sự khác thường của dịch bệnh sốt xuất huyết so với mọi năm chính là sự lưu hành đồng thời của nhiều tuýp virus Dengue khác nhau, hoán đổi trên nhiều địa bàn khác nhau. Sự hoán đổi tuýp virus Dengue khiến số người tái mắc sốt xuất huyếtcũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, hàng loạt nguyên nhân khác cũng góp phần gây nên tình trạng khác thường này. BS Nguyễn Trí Dũng chia sẻ thêm: “Mặc dù ngành Y tế đã rất nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động  phòng, chống sốt xuất huyết, nhưng để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh, cần có sự tham gia của mỗi người dân, của từng gia đình trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại mỗi gia đình”.

Thống kê mới nhất từ ngành Y tế TPHCM, trong hai tuần gần đây cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu chững lại. BS Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Ở tuần 50 và 51, số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị mỗi tuần trên toàn địa bàn đã có dấu hiệu giảm. Mỗi tuần giảm 70 - 80 ca so với tuần 49. Tuy số ca mắc sốt xuất huyết giảm chưa nhiều, song đây là dấu hiệu đáng mừng để tin rằng tình trạng khác thường ở dịch bệnh truyền nhiễm này trong năm nay sẽ tiếp tục giảm ở những ngày tới”.

Nguồn Báo Gia đình & Xã hội 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image