Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Thận trọng với món ăn từ côn trùng

Mới đây, thông tin về trường hợp anh N.Q ở quận Hoàng Mai, Hà Nội suýt mất mạng vì bị dị ứng với món ăn sâu măng xào lá chanh mà anh đã dùng trong đợt đi du lịch vùng Tây Bắc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Anh N.Q là trường hợp khá điển hình của tình trạng ngộ độc do sử dụng côn trùng làm thức ăn và may là còn giữ được tính mạng.

Theo TS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm - ATTP (Bộ Y tế), những năm gần đây, khi thông tin về các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, hoa quả không an toàn tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, nhiều người đã tìm tới "mốt" ăn côn trùng. Ba năm gần đây, theo Phòng Giám sát ngộ độc (Cục ATTP), số vụ ngộ độc trên địa bàn toàn quốc do ăn ấu trùng lạ, côn trùng… tăng lên nhanh chóng, điển hình là các vụ ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm tại hai huyện của tỉnh Bình Thuận, Bình Phước khiến gần 20 người ngộ độc, phải nhập viện, trong đó có một người tử vong.

con-trung.jpg
Ảnh minh họa 
Đặc biệt, năm 2014, vụ ngộ độc do ăn bọ xít đen chiên mỡ đã xảy ra ở huyện Than Uyên (Lai Châu) khiến 38 người phải nhập viện, trong đó có một người tử vong. Gần đây nhất là vụ 5 người dân xã Lộc Điền (Lộc Ninh - Bình Phước) ngộ độc nặng do uống rượu với món "khoái khẩu" là nhộng ve sầu… Tuy trong thực tế chưa có một công trình nghiên cứu đúng nghĩa nào chứng tỏ côn trùng, bọ xít là thực phẩm bổ dưỡng nhưng ngay tại Hà Nội, người dân ở một thôn thuộc xã Vân Hòa (Ba Vì) vẫn bắt bọ xít để ăn và bán cho một số quán ăn tại khu du lịch lân cận để chế biến thành các món "đặc sản", đáp ứng nhu cầu "mốt" ăn côn trùng của khách du lịch. Không ai biết rằng đa phần bọ xít rất hôi và có nhiều ký sinh trùng gây độc bám trên cơ thể.

Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì những trường hợp ăn côn trùng bị ngộ độc thường do một số nguyên nhân: Côn trùng chết tiết ra độc tố, côn trùng nhiễm nấm độc hoặc côn trùng chứa nhựa cây độc không bị tiêu hủy ở nhiệt độ chế biến, côn trùng chứa protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm… Hơn nữa, các nghiên cứu với số liệu thống kê chưa đầy đủ của các nhà khoa học cho thấy, hiện có hơn một triệu loài côn trùng nên việc nhận biết những loài có thể gây độc là không dễ dàng. Việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, chế biến côn trùng làm thức ăn hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, gây ngộ độc, thậm chí khiến người ăn tử vong. Chính vì vậy, người dân chớ "đùa" với tử thần mà thưởng thức các món ăn chế biến từ côn trùng khi không biết rõ giá trị dinh dưỡng cùng các nguy cơ gây độc của chúng. 

Để tránh bị ngộ độc khi ăn côn trùng, cần nắm rõ những khuyến cáo của Cục ATTP: Tuyệt đối không sử dụng, không "thử nghiệm" các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, loại đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ để chế biến thành thức ăn. Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, côn trùng phổ biến còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng trước khi ăn côn trùng, bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối, nước vôi… để côn trùng thải hết chất độc; đun chín kỹ, tuyệt đối không ăn tái, ăn sống hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế, vệ sinh… Trường hợp sau khi ăn côn trùng mà có biểu hiện khác thường như mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 Nguồn hanoimoi.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image