Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

THÊM 01 BỆNH VIỆN TRONG HỆ THỐNG BỆNH VIỆN VỆ TINH TRIỂN KHAI KỸ THUẬT ĐIỆN QUANG CAN THIỆP

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới là một trong 25 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ sau 2 năm triển khai, đã có 96 lượt bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật y của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới được Bệnh viện Bạch Mai đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật thuộc 05 chuyên ngành: Nội tiết, Huyết học truyền máu, Thần kinh, Hồi sức cấp cứu và chống độc.

Với mục tiêu nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh ngay tại cơ sở, rút ngắn khoảng cách chất lượng chăm sóc về y tế giữa trung ương với địa phương góp phần giảm tải cho Bệnh viện trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều Dự án, Đề án (Dự án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Chỉ đạo tuyến thường quy…) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới, đặc biệt chú trọng chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu và thiết yếu trong đó có các kỹ thuật can thiệp của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh hay còn gọi là điện quang can thiệp.

Điện quang gồm 02 phần: phần chẩn đoán (hay còn gọi là chẩn đoán hình ảnh gồm Xquang, siêu âm, CT-scanner, MRI) và phần can thiệp điều trị. Điện quang can thiệp gồm 02 phần: can thiệp nội mạch (thần kinh, mạch tạng, ngoại biên) và can thiệp không mạch máu (gan và đường mật, hệ tiết niệu, xương, sinh thiết, dẫn lưu). Điện quang can thiệp điều trị là phần hết sức quan trọng và rất phổ biến trên thế giới. Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai các kỹ thuật điện quang can thiệp, với ca can thiệp mạch thần kinh đầu tiên được tiến hành từ năm 1998. Đến nay, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai giữ vững vị trí hàng đầu trên cả nước trong lĩnh vực điện quang can thiệp, khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đã nâng lên thành Trung tâm Điện quang chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật điện quang cho các bệnh viện trên phạm vi cả nước, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới là một trong các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai nên được quan tâm, ưu tiên phát triển.

anh 1

Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới

Chương trình chuyển giao kỹ thuật điện quang can thiệp của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới được chia nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu, Bệnh viện ưu tiên chuyển giao các kỹ thuật điện quang can thiệp điều trị ung thư gan nguyên phát trong đó có kỹ thuật nút mạch u gan. Nút mạch u gan là một kỹ thuật đầu tay trên thế giới, là kỹ thuật bơm hoá chất cộng dầu lipiodol vào động mạch gan nhằm cô lập khối u gan. Nút mạch trong điều trị ung thư gan được áp dụng trong trường hợp khối u to quá không phẫu thuật được thì người ta nút mạch để khối u nhỏ lại để có thể cắt được. Hoặc trước mổ người ta sử dụng nút mạch để khối u không phát triển, kiểm soát được u gan. Ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh U gan cao, do đó kỹ thuật nút mạch u gan tiền phẫu hoặc nút mạch điều trị đều rất phổ biến. Kỹ thuật không khó, dễ làm, hiệu quả. Bên cạnh kỹ thuật nút mạch u gan, còn đồng thời chuyển giao các kỹ thuật khác trong điều trị ung thư gan như: đốt nhiệt, điều trị bằng sóng cao tần RFA. Giai đoạn tiếp theo, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới các kỹ thuật điện quang can thiệp mạch thần kinh trong điều trị đột quỵ não. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập đội điều trị đột quỵ não gồm 8-10 bác sỹ gồm các bác sỹ thần kinh, cấp cứu và chẩn đoán hình ảnh. Hàng năm có khoảng 150-170 bệnh nhân được điều trị lấy huyết khối tại Bệnh viện Bạch Mai, có ngày 2 -3 bệnh nhân. Bệnh nhân đột quỵ não nếu điều trị sớm, kịp thời có thể khỏi hoàn toàn, giảm gánh nặng tàn tật và tử vong. Việt Nam là đơn vị triển khai can thiệp thần kinh nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều kỹ thuật can thiệp thần kinh đã ngang với các nước phát triển như Pháp, Mỹ giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài để điều trị (chi phí cho 01 bệnh nhân điều trị can thiệp tại Singapore vài trăm triệu).

anh 2

Hệ thống điện quang can thiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới

Để có thể tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao về điện quang can thiệp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Năm 2017 đã có 03 bác sỹ, kỹ thuật y được đào tạo và cấp chứng chỉ về điện quang can thiệp 06 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai; thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục cử thêm 01 kíp bác sĩ, kỹ thuật y đào tạo tại Bệnh viện Bạch Mai; Khoa Chẩn đoán hình ảnh được xây mới, trang bị hệ thống DSA có trị giá hơn 20 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận đề xuất hỗ trợ của Bệnh viện, GS.TS Phạm Minh Thông đã chỉ đạo các cán bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và ngày 21/5/2018, Giáo sư đã dẫn đầu đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đến làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới, triển khai nút mạch điều trị u gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới.

anh 3

Hội chẩn bệnh nhân trước khi tiến hành can thiệp nút mạch u gan

GS.TS Phạm Minh Thông và BSCKII. Dương Thanh Bình – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã chủ trì buổi hội chẩn, quyết định nâng số bệnh nhân can thiệp từ 03 bệnh nhân lên 05 bệnh nhân. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Phạm Minh Thông, các y bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới đã thực hiện nút mạch thành công cả 05 bệnh nhân. Các bệnh nhân và gia đình vô cùng phấn khởi và háo hức khi được thực hiện một kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại ngay tại quê nhà, không phải chuyển về Hà Nội. Chia sẻ với đoàn công tác, người nhà của bệnh nhân cho biết “Nghe tin các thầy Bạch Mai về chúng tôi vô cùng vui mừng, tốt vô cùng. Trước đây, gia đình đã từng đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, đông lắm, khổ lắm, bỏ công bỏ việc, xếp hàng từ 04h sáng, khám mất 3 – 4 ngày mới xong. Nhưng phải ra đấy mới phát hiện ra bệnh nên cũng phải chịu, chứ ở trong này không làm được. Bây giờ các Thầy về đây thì tốt quá rồi.”

anh 4

anh 5

GS.TS Phạm Minh Thông chỉ đạo thực hiện 05 ca nút mạch

Phát biểu với báo chí, truyền thông về chương trình làm việc của đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Phạm Minh Thông cho biết: “Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện trung ương khác rất quá tải, cần giảm tải. Chúng tôi sẵn sàng phổ biến kiến thức, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu và thiết yếu mà bệnh viện có nhu cầu. Sau đợt này, hàng tháng, thậm chí hàng tuần chúng tôi sẽ cử bác sỹ vào làm cùng với các bác sỹ của bệnh viện Đồng Hới, cho đến khi nào bệnh viện Đồng Hới có thể độc lập triển khai kỹ thuật. Bệnh viện Đồng Hới hoàn toàn có thể hội chẩn với các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai thông qua hệ thống trực tuyến. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là địa phương có thể triển khai các kỹ thuật như trung ương, bệnh nhân không phải chuyển về Hà Nội mà hoàn toàn có thể điều trị tại quê nhà, nâng cao năng lực chuyên môn cho địa phương, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa trung ương và địa phương.”

Tin bài và hình ảnh: Phương Oanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image