Trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật khiến nhiều bậc phụ huynh hoảng sợ cho tay vào miệng trẻ vì sợ trẻ cắn vào lưỡi. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng co giật để lại biến chứng, bại não, động kinh nên cho con uống thuốc chống động kinh…Tuy nhiên đây có phải là cách xử lý hiệu quả? Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích nhất xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa PGS trẻ bị sốt cao co giật có gây ra những biến chứng bại não không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Cách đây khoảng 20 năm bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng sợ rằng sốt co giật gây hại não. Tuy nhiên giờ đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới, Việt Nam đều khẳng định sốt cao co giật thông thường không gây bại não. Trừ những trẻ sốt cao co giật do các bệnh lý khác gây nên như: Viêm não, viêm màng não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán.
Tuy nhiên, khi theo dõi một em bé sốt cao co giật đơn thuần, không phải do các bệnh khác, thì các chuyên gia y tế gọi là lành tính, không gây ảnh hưởng hay biến chứng về sau này (động kinh, bại não…). Những cơn co giật này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn từ 5 – 10 giây, có cháu vài chục giây tự dưng sẽ khỏi, hết co giật trẻ lại trở lại trạng thái bình thường, không để lại di chứng cho não.
Khi trẻ bị sốt cao co giật thì cần đặt trẻ nằm nghiêng, để tạo đường thở cho trẻ
Sốt cao là nguyên nhân gây co giật, trong khi sốt là triệu chứng chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Chúng tôi phải nhấn mạnh sốt là triệu chứng chứ không phải bệnh. Triệu chứng sốt đơn thuần thì không gây hại gì cho cơ thể trẻ. Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng, cơ thể tập trung mọi lực lượng miễn dịch để mà tiêu diệt mọi con vi khuẩn, vi rút…xâm nhập vào cơ thể trẻ. Như vậy, cơ bản sốt là một biểu hiện có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên, sốt đến mức độ nào thì các bậc phụ huynh cần chú ý. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì hầu như không gây hại gì cho em bé. Cụ thể, nếu bình thường triệu chứng sốt của trẻ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của cơ thể trẻ như: Sốt không làm em bé mệt, không khiến em bé bị bứt rứt khó chịu, không làm em bé chán ăn… thì chúng tôi khuyên các bậc phụ huynh không cần chữa sốt đó mà cứ để tự nhiên. Ở những em bé sốt nhẹ như thế không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì phần lớn bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi. Nhưng nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên thì có thể gây co giật cho trẻ phải sử dụng thuốc hạ sốt.
PV: Đối với những trẻ bị sốt co giật thì các bậc phụ huynh nên xử trí như thế nào thưa bác sĩ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Khi trẻ bị co giật, thì việc đầu tiên là các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh. Thông thường triệu chứng co giật ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không ai có thể đoán trước được. Ngay khi thấy trẻ co giật cần đặt trẻ nằm nghiêng, các dịch ở mũi, ở họng chảy theo đường miệng ra ngoài để thông đường thở cho trẻ. Tránh để các dịch chảy ngược vào phổi, gây tắc thở rất nguy hiểm.
Thường trẻ chỉ co giật vài chục giây là có thể trở lại trạng thái bình thường và tự hết và khóc. Tuyệt đối, khi trẻ co giật, các bậc phụ huynh không cho ngón tay hay thìa,…vào miệng của trẻ. Đợi trẻ hết cơn co giật, thì các bậc phụ huynh có thể lấy khăn mềm để vào miệng trẻ, tránh không để trẻ cắn vào lưỡi. Tuyệt đối không đút ngón tay vào vì trẻ có thể cắn tay. Và trong nhiều trường hợp trẻ bị co giật, những người xung quanh vội vàng quây kín lại càng khiến cháu bé thiếu oxy để thở. Trong trường hợp này, mọi người không nên tò mò tập trung quá đông mà để cháu bé được thoáng. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng có thể nới rộng quần áo, tã nót,…cho trẻ dễ thở hơn.
Một lúc sau nếu trẻ khóc, đo nhiệt độ trên 38,5 độ C, trẻ tỉnh thì cho trẻ uống hạ sốt. Nếu trẻ không tỉnh, hay việc uống thuốc gặp khó khăn, thì dùng viên hạ sốt đặt vào hậu môn trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện. Việc đưa đến bệnh viện, chủ yếu là để bác sĩ khám và tầm soát xem trẻ có mắc các bệnh khác hay không.
PV: Hiện nay khi bị sốt cao trên 38,5 độ C thì các bậc phụ huynh có thể sử dụng loại thuốc nào để hạ sốt cho con thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Các thầy thuốc đều ra một khuyến cáo, đó là khi đo ở nách trẻ 38,5 độ C trở lên thì nên sử dụng thuốc hạ sốt. Trong đó có 2 loại thuốc đã sử dụng là Paracetamol và Inbuprofen. Hai loại thuốc này đều lành đối với cơ thể trẻ. Tuy nhiên việc dùng thuốc này phải tùy thuộc vào từng trường hợp trẻ cụ thể. Nếu đối với những trẻ từ bé chưa trùng bị bệnh gì thì chúng ta có thể sử dụng 1 trong 2 loại thuốc trên để hạ sốt. Tuy nhiên, đối với thuốc Inbuprofen không được dùng đối với trường hợp nghi bị sốt xuất huyết, vì nó có thể làm giảm tiểu cầu và tăng xuất huyết của trẻ nhỏ lên.
Trước đây, các bậc phụ huynh hay sử dụng phương pháp chườm lạnh, chườm nóng, bôi dầu vào nách, bẹn,…cho em bé để hạ sốt là không cần thiết. Vì những phương pháp dân gian này không giúp ích cho trẻ trong việc hạ sốt mà còn khiến cho trẻ càng cảm thấy khó chịu thêm.
Đối với những trẻ sau 3 ngày, nếu uống thuốc hạ sốt không giảm thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín, để được các bác sĩ thăm khám cho trẻ. Đáng lưu ý, đối với những trẻ sốt lại có thêm những triệu chứng bệnh khác như: Tiêu chảy, ho, khó thở, mệt mỏi, lử đử… thì phải đưa trẻ đi khám ngay.
PV: Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lạm dụng kháng sinh, vậy PGS có lời khuyên nào để giảm tải tình trạng này?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh tự ý mua ngoài hiệu thuốc để hạ sốt cho trẻ. Bởi kháng sinh không giúp ích gì được trong việc hạ sốt, ngược lại vô tình còn khiến sức khỏe của trẻ càng thêm trầm trọng. Trong khi kháng sinh chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Bởi lẽ, trẻ nhỏ cần được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh, sau đó mới quyết định có nên dung thuốc kháng sinh hay không.
Nếu trẻ chỉ là bị sốt vi rút thông thường, thì không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh hiện nay. Nhất là tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ, khiến bệnh nặng, việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng!
Nguồn Laodongthudo.vn