KỸ THUẬT LỌC MÁU LIÊN TỤC – CHƯƠNG TRÌNH VÀ TÀI LIỆU ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC BỆNH VIỆN THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT

Ngày đăng: 28/12/2016 15:27

KỸ THUẬT LỌC MÁU LIÊN TỤC – CHƯƠNG TRÌNH VÀ TÀI LIỆU ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC BỆNH VIỆN THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT

 

Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng  (NORRED) là Dự án ODA tài trợ bởi World Bank được triển khai tại 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ, bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình và BVĐKTW Thái Nguyên với mục tiêu Hỗ trợ thực hiện các chiến lược y tế quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận của người dân tại các tỉnh thuộc dự án tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, phù hợp với các chiến lược và chính sách của quốc gia về phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là việc chống quá tải và chính sách bảo hiểm y tế toàn dân thông qua nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến tỉnh và tuyến huyện và tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ này của người dân.

Để nâng cao chất lượng điều trị, cứu sống các bệnh nhân nặng, ngày càng nhiều các bệnh viện thuộc Dự án cũng như các cơ sở Y tế trên cả nước đều được trang bị máy Lọc máu liên tục, đây là phương tiện điều trị hiệu quả cao và có giá trị lớn trong điều trị các bệnh lý nặng.

Lọc máu liên tục là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận được ứng dụng trong nhiều trường hợp. Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm vì tiến hành liên tục 24h trong ngày, các chất đào thải cũng như lượng nước thừa của cơ thể được đào thải từ từ và liên tục trong cả ngày, chính vì vậy ít ảnh hướng đến huyết động; do vậy kỹ thuật rất cần thiết đối với bệnh nhân ở khoa hồi sức là nơi điều trị những bệnh nhân có huyết động không ổn định. Ngoài ra phương pháp này có khả năng kiểm soát mức giảm ure, creatinin tốt hơn so với lọc máu ngắt quãng.

Do đó, kỹ thuật lọc máu liên tục là một trong những kỹ thuật cao và thiết yếu được nhiều bệnh viện đề xuất đào tạo, chuyển giao để có thể triển khai tại cơ sở. Nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện Bạch Mai đã được Dự án NORRED tín nhiệm ký kết hợp đồng xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo “Kỹ thuật Lọc máu liên tục”, từ đó ban hành chương trình, tài liệu áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Ngày 08/8/2016, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ra quyết định số 1143/QĐ-BM thành lập Hội đồng khoa học của bệnh viện thẩm định  chương trình và tài liệu Kỹ thuật lọc máu liên tục.

Ngày 18/8/2016, Hội đồng khoa học đã tiến hành thẩm định và phê duyệt khung chương trình Kỹ thuật lọc máu liên tục.



Hội đồng thẩm định khung chương trình “Kỹ thuật Lọc máu liên tục”

Thời gian của chương trình đào tạo là 03 tháng với đối tượng học viên là các bác sĩ của các đơn vị hồi sức, cấp cứu, chống độc được trang bị máy lọc máu liên tục. Chương trình được biên soạn trên cơ sở các bệnh lý thường gặp và với tình hình trang thiết bị phổ biến hiện nay tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Chương trình gồm 150 tiết lý thuyết, 510 tiết thực hành. Để có được hiệu quả cao, chương trình này cần được tổ chức tại nơi có cơ sở thực hành lâm sàng có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc và có số giường đủ cho thực tập, có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.

Ngày 19/12/2016, Hội đồng khoa học đã tiến hành thẩm định và phê duyệt tài liệu Kỹ thuật Lọc máu liên tục được xây dựng dựa trên khung chương trình đã được phê duyệt.

Phản biện chính:  GS. Vũ Văn Đính – Hội trưởng Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, nguyên trưởng khoa Hồi sức cấp cứu



Phản biện chính: TS.BSCC Nguyễn Cao Luận – nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo

Tài liệu được sử dụng cho chương trình gồm  28 bài, bao gồm những nội dung cơ bản nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành thành thạo kỹ thuật lọc máu liên tục, hướng dẫn việc chỉ định và tiến hành kỹ thuật để điều trị một số bệnh lý đặc thù cũng như xử trí các biến chứng thường gặp. Tài liệu được chia làm 03 phần chính: (1) Phần cơ sở: Tổng quan về lọc máu liên tục, Các trang thiết bị triển khai lọc máu liên tục, Màng lọc sử dụng trong lọc máu, Nước dùng cho lọc máu, Dịch lọc sử dụng trong lọc máu, Đường vào mạch máu, Sử dụng thuốc trong lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ, Kiểm soát nhiễm khuẩn trong lọc máu liên tục (2) Phần các quy trình kỹ thuật lọc máu liên tục: quy trình gan nhân tạo, Quy trình kỹ thuật lọc huyết tương với 2 quả lọc, Quy trình lọc huyết tương bằng máy ly tâm, Quy trình lọc máu liên tục trong điều trị bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, nhiễm khuẩn nặng/sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ  tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, Quy trình kỹ thuật lọc huyết tương trong điều trị hội chứng Guillain-Barré, suy gan cấp, điều trị cơn nhược cơ nặng, viêm tụy cấp do tăng triglycerid, điều trị các bệnh tự miễn; (3) Phần 3, một số bài ngoài lọc máu liên tục: Cấp cứu ngừng tuần hoàn, Chẩn đoán và xử trí tình trạng sốc phản vệ.

Như vậy, chuyên ngành Hồi sức cấp cứu có thêm 01 chương trình và tài liệu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật Lọc máu liên tục cho các bệnh viện thuộc Dự án NORRED nói riêng cũng như các bệnh viện toàn quốc nói chung.

Phương Oanh

Các tin khác