- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
- HỘI THẢO KHOA HỌC BỆNH VIỆN BẠCH MAI LẦN THỨ 32
SỰ NGUY HIỂM CỦA NHIỄM KHUẨN NƯỚC TRONG THẬN NHÂN TẠO
Bài và ảnh: Ngọc Lan
Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị sử dụng máy chạy thận để lọc máu bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Cụ thể, máu của người bệnh được rút ra từ mạch máu và đi qua một hệ thống lọc máu tổng hợp. Trong hệ thống lọc này, máu được “làm sạch” trước khi đưa trở lại cơ thể của người bệnh. Do đó, hệ thống lọc này được gọi là “thận nhân tạo”. Phương pháp chạy thận nhân tạo được áp dụng để điều trị bệnh suy thận, thông thường được thực hiện khoảng 3 lần/tuần, tối thiểu 4 giờ/lần và được tiến hành tại một trung tâm lọc máu với thận nhân tạo.
Điều trị suy thận bằng phương pháp chạy thận phải được thực hiện theo quy trình để đảm bảo sự an toàn đối với người bệnh. Trong đó chúng ta cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của nước đối với thận nhân tạo. Đối với người không suy thận, mỗi ngày máu chỉ tiếp xúc với 2 lít nước thông qua đường tiêu hóa tuy nhiên với thận nhân tạo trong 1 buổi lọc 4h máu bệnh nhân sẽ tiếp xúc với 120 lít dịch lọc. Chính vì vậy phòng ngừa biến chứng gây ra do nước trong thận nhân tạo là vấn đề được đưa lên hàng đầu. Tại bài chia sẻ trực tuyến TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hải, Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh các biến chứng gây ra do nước trong thận nhân tạo cho các bác sĩ tuyến tỉnh. Trong đó Tiến sĩ cũng nêu ra 06 nhóm hóa chất có thể gây nên sự ô nhiễm hóa chất của nước và dịch lọc máu bao gồm:
- Các hóa chất có độc tính đã được chứng minh với thận nhân tạo
- Các chất điện giải có trong thành phần dịch lọc máu
- Các nguyên tố vi lượng vô cơ
- Các hợp chất hữu cơ & các chất mới gây sự quan tâm đặc biệt (các chất gây rối loạn nội tiết, các dược phẩm)
- Các chất sát trùng, bảo quản
- Các chất phóng xạ
TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hải – Giảng viên Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai
Theo thống kê trung bình cứ 15-20 trên 100 mẫu nước và dịch lọc bị nhiễm khuẩn nặng với nguyên nhân do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận & hệ thống ống phân phối nước. Vi khuẩn phát triển trong dịch lọc máu chủ yếu thuộc nhóm Gram (-), họ Pseudomonas, đôi khi có thể tìm thấy nấm, rất ít khi gặp các vi khuẩn Gram (+). Pseudomonas phát triển rất nhanh trong dịch lọc bicarbonate, khá bền vững trước các chất sát khuẩn & tia cực tím. Khi nước và dịch lọc bị nhiễm khuẩn đầu tiên sẽ xuất hiện một số biểu hiện như sốt, rét run, buồn nôn, nôn, tụt HA, đau cơ, đau đầu. Nếu nhiễm khuẩn kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm miễn dịch, bệnh bột hóa do lắng đọng β2- microglobulin, giảm đáp ứng với liệu pháp erythropoietin, xơ vữa mạch máu hoặc tăng dị hóa.
Bởi vì khi nước và dịch lọc bị nhiễm khuẩn mang lại hệ quả rất xấu nên tại các đơn vị chạy thận phải có người chuyên trách, chịu trách nhiệm về hệ thống xử lý nước. Nước và dịch lọc phải được thử test định kỳ tại các vị trí quy định. Hơn nữa kỹ thuật viên phải định kỳ khử khuẩn bằng hóa chất, nhiệt hoặc ozon hệ thống ống dẫn nước và ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nước. Hiện nay, cùng với sự phát triển của kỹ thuật lọc máu, đòi hỏi về chất lượng nước & dịch lọc ngày càng khắt khe. Chính vì vậy khi xây dựng hệ thống xử lý nước cho nhận nhân tạo cần được thiết kế cẩn thận nhằm ngăn ngừa tối đa sự phát triển của vi khuẩn & sự tạo thành các biofilm. Hệ thống xử lý nước và hệ thống ống phân phối nước phải được thường xuyên kiểm tra về tính chất vật lý, hóa học, vi sinh & định kỳ khử khuẩn để đảm bảo cung cấp nguồn nước an toàn, hiệu quả cho quá trình lọc máu.