- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
- HỘI THẢO KHOA HỌC BỆNH VIỆN BẠCH MAI LẦN THỨ 32
Nhập viện vì ăn hải sản tái
Ăn thức ăn chưa chín, tái là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc của các bệnh nhân. Như trường hợp của anh Trần Thanh Minh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Anh Minh nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, mặt tái xanh, chân tay lạnh ngắt, đi ngoài liên tục. Mặc dù đã uống thuốc nhưng không thấy đỡ nên gia đình phải nhanh chóng đưa anh Minh vào nhập viện. Nguyên nhân gây ra việc anh ngộ độc chính là bởi những món ăn “tươi sống” là hải sản và tiết canh vịt.
Chẳng là, có người họ hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội chơi mua biếu anh mấy kilogam hàu và ngán. Biết những thứ này nướng tái lên ăn rất ngọt và bổ nên anh Minh chỉ cho vào lò nướng qua trong vòng 10 phút. Để đãi người thân, gia đình anh lại làm thêm cả món tiết canh vịt. Và thế là, sau khi ăn tối khoảng mấy tiếng, bụng anh bắt đầu lên cơn đau, người toát mồ hôi và đi ngoài liên tục. Nhập viện lúc 23h ngày 22-6, may mắn được các bác sỹ chữa trị, sáng 23-6, anh Minh đã dịu cơn đau bụng và trở lại bình thường.
Có mặt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi “choáng” với các ca ngộ độc thực phẩm nằm la liệt. Có bệnh nhân ôm bụng quằn quại kêu đau, có bệnh nhân thì nôn mửa đang được các bác sĩ tích cực cấp cứu. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở Hà Nội, đưa chồng vào cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm cho biết: “Chiều đi làm về thấy anh ấy kêu đau bụng và đi ngoài liên tục, sợ anh ấy mất nhiều nước kiệt sức nên gia đình đưa vào đây cấp cứu”. Chúng tôi hỏi lý do nghi ngờ anh nhà bị ngộ độc, chị Hoa cho biết: “Trưa anh ấy liên hoan tiệc buffet và ăn nhiều hải sản sống. Có lẽ ăn nhiều thực phẩm sống chín lẫn lộn nên bị ngộ độc”.
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày vừa qua, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí có những ngày cao điểm, bệnh nhân ngộ độc nhập viện liên tiếp. Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn thì ngộ độc có thể bắt nguồn từ các loại thực phẩm thông thường nhất hàng ngày từ thịt, rau, củ, quả… Tuy nhiên, với các loại hải sản sống, người tiêu dùng thường có thói quen ăn gỏi, ăn sống vắt chanh. Đây là thói quen hết sức tai hại và gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng tưởng vắt chanh vào sẽ làm hải sản tái nhưng vi khuẩn, vi trùng, đặc biệt là sán ký sinh trong hải sản không diệt được. Thậm chí, có phụ nữ mang thai bị ngộ độc cũng phải vào Trung tâm cấp cứu vì ăn hải sản chưa chín.
Thực phẩm nào cũng có thể gây ngộ độc
Mùa hè nắng nóng là nguy cơ cao cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào thực phẩm khiến nó dễ ôi thiu, đặc biệt đối với thức ăn đường phố. Theo TS Nguyễn Kim Sơn thì các bà nội trợ vẫn bị nhầm một cách tai hại, cứ nghĩ thực phẩm để trong tủ lạnh là tốt nhất. Nhưng tủ lạnh là ổ vi khuẩn, do vậy một tuần phải “xả” tủ lạnh một lần bằng cách tắt nguồn điện, vệ sinh tủ sạch sẽ. Với thức ăn chín chỉ có thể để tối đa 3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh, nếu để quá thì lượng vitamin trong thức ăn sẽ biến mất. Thức ăn để trong tủ lạnh nên cho vào hộp hoặc bọc nilong. Tuyệt đối không để chung thức ăn sống và thức ăn chín trong tủ lạnh.
Theo cảnh báo của TS Nguyễn Kim Sơn thì trong quá trình điều trị cho các ca ngộ độc thực phẩm ở Trung tâm thì bất cứ thức ăn nào cũng có thể gây nên ngộ độc. Từ bánh mì pate, thịt xiên nướng đến dưa muối, cà muối, nước đá… cũng khiến người dùng bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thực phẩm vào nhập viện, chiếm 1/3 số bệnh nhân vào viện. Do vậy, đối với các loại thực phẩm mùa hè cần đặc biệt chú ý ăn chín, uống sôi, tránh ăn các loại thực phẩm tái, gỏi, muối xổi (như cà, dưa…), các loại nem chua, nem chạo, nem tai… Để tránh tình trạng ngộ độc tập thể, các bếp ăn tập thể như công trường, bếp cơm bụi, thức ăn đường phố nguồn gốc thức ăn phải đảm bảo, nơi chế biến sạch sẽ, nguồn nước sạch, có thớt dành cho thịt sống, thịt chín riêng…
Đối với các bà nội trợ bếp ăn gia đình, theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn nên mua thức ăn tại các cửa hàng có uy tín, cửa hàng quen, tránh mua kiểu “tạt ngang đường” thức ăn bụi bặm mất vệ sinh… Đối với rau thì tốt nhất sau khi mua về nên rửa sạch. Đặc biệt, nhiều loại rau như xà lách, bắp cải thì cần rửa kỹ các lá cuốn lõi bên trong. Nắng mưa thất thường cũng thích hợp cho sâu bệnh phát triển, nên nhiều người trồng rau vì hám lợi đã dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn với mật độ dày hơn, mà không tuân thủ quy trình an toàn, khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trên rau quả rất lớn. Trong khi đó, việc rửa rau quả ở các cửa hàng ăn uống, đặc biệt là những nơi bán thức ăn đường phố, thường không sạch, đặc biệt là rau sống, cũng là nguyên nhân để người tiêu dùng ăn phải bị ngộ độc
Theo CAND Online