Theo các nhà khoa học, thận khỏe mạnh bình thường có thể bảo đảm chức năng duy trì được sự cân bằng nước và muối khoáng như natri, kali, phosphore ở trong máu; loại bỏ chất thải của cơ thể sau các hoạt động tiêu hóa, thể dục, thể thao, tiếp xúc với hóa chất và thuốc điều trị; sản xuất ra các chất men renin giúp điều chỉnh huyết áp; sản sinh ra erythropoetin kích thích tạo tế bào hồng cầu và chuyển hóa tiền vitamin D thành vitamin D để cung cấp cho xương. Khi chức năng thận không bảo đảm được hoạt động sinh lý bình thường thì chất thải và dịch cơ thể sẽ tích tụ lại gây nên tình trạng phù thũng được biểu hiện dấu hiệu mắt cá chân sưng lên, nôn mửa, suy nhược, mất ngủ, khó thở... Nếu không điều trị kịp thời thì thận sẽ bị tổn thương, không thực hiện được chức năng dẫn đến tình trạng suy thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng, vì vậy bắt buộc phải xử trí can thiệp bằng thận nhân tạo.
Trường hợp nào nên chạy thận nhân tạo?
Thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu ngoài thận để lấy đi khỏi cơ thể những sản phẩm cặn bã và lượng nước dư thừa. Đầu tiên các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc để tách chiết những chất tan từ dung dịch chứa nó, sau đó phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo mới được ứng dụng thực hiện trên lâm sàng. Chính nhờ phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo nên cuộc sống của hàng trăm ngàn người bị suy thận ở giai đoạn cuối được cải thiện và cứu sống, kéo dài thêm tuổi thọ. Tuy vậy, không phải tất cả các trường hợp suy thận đều sử dụng thận nhân tạo để lọc máu mà chỉ có một số trường hợp bệnh nhân được chỉ định theo quy định của bác sĩ điều trị.
Các trường hợp chỉ định lọc máu bằng cách chạy thận nhân tạo bao gồm những bệnh nhân có hội chứng suy thận đã có hiện tượng gây nên rối loạn chức năng của não, có sự gia tăng chất kali máu mà biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, toan hóa máu không thể điều trị được bằng nội khoa, hệ số thanh thải creatinin dưới 10ml/phút/1,73m2 cơ thể. Trên thực tế sở dĩ căn cứ vào chỉ số creatinin để đánh giá chức năng của thận mà không dựa vào chỉ số urê vì mức độ tăng urê máu không hoàn toàn tương ứng với mực độ suy thận vì có nhiều yếu tố ngoài thận có thể ảnh hưởng đến nồng độ urê như chế độ ăn nhiều chất đạm protid, sốt, chảy máu đường tiêu hóa...; còn chỉ số creatinin có nồng độ không phụ thuộc vào chế độ ăn và sự thay đổi các điều kiện sinh lý khác mà chỉ phụ thuộc vào khối lượng cơ thể. Khi bị suy thận thì chỉ số creatinin máu tăng, mức độ tăng tương ứng với mức độ suy thận, vì vậy nồng độ creatinin máu phản ảnh chức năng thận tốt hơn là urê.
Các bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối nên bắt đầu lọc máu sớm bằng thận nhân tạo mặc dù việc tiết thực chỉ định ăn hạn chế chất protid một cách nghiêm túc có thể duy trì được nồng độ chất urê trong máu ở mức chấp nhận được nhưng sẽ dẫn đến tình trạng bị suy dinh dưỡng nặng làm tăng nguy cơ bị tử vong và biến chứng xảy ra về sau khi lọc máu bằng thận nhân tạo. Lưu ý trong các trường hợp suy thận cấp tính, có thể chọn phương pháp chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc lọc màng bụng để lọc máu. Khi điều trị suy thận mạn tính, có thể chọn phương pháp chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc lọc màng bụng hoặc ghép thận. Thẩm phân phúc mạc lọc màng bụng thích hợp cho những bệnh nhân trẻ vì dễ thực hiện tại cơ sở y tế và không phụ thuộc vào máy. Đối với những bệnh nhân có thể lực lớn nặng trên 80kg bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối cần cho chạy thận nhân tạo vì cần đào thải một lượng lớn chất urê mà phương pháp thẩm phân phúc mạc lọc màng bụng không thể thực hiện được. Đối với những bệnh nhân không có khả năng làm thông động - tĩnh mạch cho kỹ thuật chạy thận nhân tạo nên chuyển sang phương pháp thẩm phân phúc mạc lọc màng bụng. Lưu ý bác sĩ lâm sàng sẽ xem xét để có quyết định đúng đắn thời điểm chạy thận nhân tạo, việc trì hoãn chạy thận nhân tạo sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do các biến chứng của suy thận mạn tính, nhất là những biến chứng về tim mạch.
Biến chứng có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo
Khi chạy thận nhân tạo, một số biến chứng có thể xảy ra đối với bệnh nhân như bị tụt huyết áp, chuột rút, nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau ngực và đau lưng, ngứa...
Tụt huyết áp: đây là một biến chứng thường gặp trong khi chạy thận nhân tạo vì có liên quan đến tình trạng thể tích máu giảm quá mức bình thường hoặc giảm quá nhanh với nguyên nhân chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch để siêu lọc mà sự đáp ứng của huyết động bù trừ không đủ. Việc duy trì thể tích máu trong khi chạy thận nhân tạo chủ yếu dựa vào sự tái làm đầy lòng mạch máu từ mô kẽ, một quá trình có tốc độ thay đổi tùy theo từng bệnh nhân. Tình trạng giảm thể tích máu sẽ làm giảm độ đầy của tim gây ra giảm cung lượng tim và cuối cùng dẫn đến tụt huyết áp.
Chuột rút: nguyên nhân này chưa được biết một cách rõ ràng trong khi chạy thận nhân tạo nhưng theo các nhà khoa học các yếu tố thuận lợi có thể ảnh hưởng gây nên như: tụt huyết áp, giảm thể tích, tốc độ siêu lọc cao và dùng dịch lọc có nồng độ natri thấp. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự co mạch, giảm cung cấp máu cho cơ làm rối loạn thư giãn cơ. Dấu hiệu chuột rút thường xảy ra khi bị tụt huyết áp, sau đó chuột rút thường kéo dài dai dẳng dù huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Tần suất chuột rút tăng theo với nhu cầu rút dịch. Chuột rút cũng thường gặp ở tháng đầu chạy thận nhân tạo hơn là vào những giai đoạn về sau. Ngoài ra, tình trạng hạ magiê máu, hạ calci máu, hạ kali máu trong quá trình chạy thận nhân tạo cũng có thể gây nên triệu chứng chuột rút.
Nôn và buồn nôn: biến chứng này có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 10% trường hợp chạy thận nhân tạo thường quy và có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến chứng này. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp; buồn nôn và nôn có thể là triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng. Bệnh nhân khi chạy thận nhân tạo thường bị buồn nôn và nôn dễ dàng hơn những bệnh nhân khác bị nhiễm trùng đường hô hấp, dùng thuốc gây nghiện, tăng calci máu và chạy thận nhân tạo có thể làm nặng thêm triệu chứng trong các bệnh lý này.
Nhức đầu: đây là một biến chứng cũng thường gặp trong lúc chạy thận nhân tạo, nguyên nhân chưa được biết rõ. Có thể lầ triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng. Đối với trường hợp nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng nên xem xét nguyên nhân về thần kinh, đặc biệt là tình trạng xuất huyết ảnh hưởng bởi thuốc chống đông máu. Phòng biến chứng này bằng cách giảm nồng độ natri dịch lọc có thể có ích cho bệnh nhân đang dùng dịch lọc có nồng độ natri cao.
Đau ngực và đau lưng: bệnh nhân có thể đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, thực tế thường ít nhiều có dấu hiệu đau lưng kèm theo. Nguyên nhân cũng chưa được biết rõ, không có cách xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu. Biến chứng đau ngực thường xảy ra trong các trường hợp chạy thận nhân tạo nhưng cần phải chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân gây đau ngực khác như tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim...
Ngứa: cũng là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đôi khi dấu hiệu này được tăng cường hoặc nặng lên do việc chạy thận nhân tạo, có thể kèm theo các triệu chứng dị ứng nhẹ khác. Có trường hợp bị ngứa mạn tính trong trường hợp bệnh nhân nằm lâu trên giường hoặc ngồi ghế khi chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra khi chạy thận nhân tạo người bệnh có thể có các biến chứng sốt và ớn lạnh. Các biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng cần cảnh giác là hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tác khí.
Để chạy thận nhân tạo bảo đảm an toàn
Trước lần chạy thận nhân tạo đầu tiên, bệnh nhân cần phải được chuẩn bị từ vài tuần tới vài tháng. Trước khi được chạy thận nhân tạo, bệnh nhân sẽ phải được tiếp cận mạch máu. Bác sĩ sẽ dùng kim dẫn một lượng nhỏ máu ra ngoài cơ thể, chạy tới máy chạy thận và từ máy chạy thận chạy lại vào trong cơ thể thông qua một cây kim khác. Vùng được đưa kim vào cần được hồi phục hoàn toàn trước khi việc chạy thận bắt đầu. Các chỉ số cần chuẩn bị trước khi chạy thận nhân tạo như: cân nặng, huyết áp, mạch và nhiệt độ cơ thể, vùng mạch máu được khử trùng.
Trong khi chạy thận nhân tạo, hai cây kim sẽ được đưa vào cánh tay thông qua vùng tiếp cận mạch máu, và được dùng băng dính dán cố định lại. Mỗi cây kim sẽ được nối với một ống đàn hồi và nối với máy chạy thận. Thông qua một ống, máy chạy thận sẽ lọc một vài ml máu một lần, cho phép chất thải và chất lỏng từ máu đi vào một chất lỏng làm sạch được gọi là chất thẩm tách. Máu được lọc sẽ trở lại cơ thể thông qua ống thứ hai. Với những bệnh nhân chạy thận dưới 3 lần/ tuần, khi máu chạy ra khỏi cơ thể có thể sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, việc này có thể được điều chỉnh bằng cách yêu cầu bác sĩ điều chỉnh tốc độ lọc máu, loại thuốc sử dụng hoặc loại chất thẩm tách sử dụng. Trong quá trình chạy thận, huyết áp và nhịp tim thay đổi rất nhiều và sẽ được theo dõi sát.
Sau khi chạy thận nhân tạo, hai cây kim sẽ được rút ra khỏi vùng tiếp cận mạch máu và sẽ được băng lại. Bệnh nhân có thể trở về nhà sinh hoạt bình thường, đợi đến lần chạy thận tiếp theo.
KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ CÁC QUY TRÌNH CHẠY THẬN
Theo BS.CKII. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nơi có Trung tâm thận nhân tạo lớn nhất khu vực phía Nam đang quản lý 88 máy, hơn 500 bệnh nhân với 4 ca lọc thận/ngày (trung bình 1 ca lọc 4 tiếng) cho biết: “Kể từ khi khoa thành lập đến nay chưa bao giờ xảy ra sự cố liên quan đến các biến chứng nguy hiểm đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo. BV đã lập quy trình chạy thận và thường xuyên kiểm soát rất chặt chẽ”.
Được biết, quy trình này được phối hợp đồng nhất giữa 4 khoa: Khoa Dược (pha chế dịch lọc; kiểm soát nước đầu vào - đầu ra; định kỳ kiểm tra tại BV và Viện Pasteur) - đây là một khâu vô cùng quan trọng; Phòng Thiết bị Y tế (quản lý máy); Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Khoa Lọc máu thận nhân tạo (quy trình từ khi nhận bệnh, thời gian lọc và xử lý với máy ra sao…). Bên cạnh đó, trong tất cả các khâu cần thiết, BV đều cho gắn camera để giám sát như: tại khâu pha chế dịch lọc, xử lý dụng cụ lọc, kể cả trong khu vực bệnh nhân lọc máu.
PV
Lời khuyên của thầy thuốc
Việc chạy thận nhân tạo đối với bệnh nhân bị suy thận là vấn đề hết sức cần thiết nhưng lưu ý chỉ định chạy thận nhân tạo cấp trong các trường hợp suy thận cấp tính, chức năng của thận bị suy giảm nhiều trong trường hợp suy thận mạn tính, đợt suy thận cấp tính trên nền của suy thận mạn tính. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến các trường hợp chống chỉ định như: bệnh nhân có bệnh tim mạch nặng có thể bị rối loạn huyết động khi tiến hành chạy thận nhân tạo; bệnh nhân đang trong tình trạng trụy tim mạch, sốc; nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim nặng; bệnh nhân có rối loạn đông máu không cho phép sử dụng heparin và các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối; các bệnh nhân không làm được cầu nối động - tĩnh mạch.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH/bachmai.gov.vn