Định mệnh cứu người nhờ chuyến bay delay
Khoảng 20h ngày 24/3, chị Đặng Thị Hạ, điều dưỡng của Trung tâm Cấp Cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đang ngồi ăn tối với 4 người bạn tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ngay bàn bên cạnh là người đàn ông ngoại quốc đang ăn tối cùng vợ thì đứng lên, di chuyển và bất ngờ choáng, đi lại loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ.
Vừa nhìn thấy người đàn ông loạng choạng, chị Hạ đã di chuyển nhanh ra cùng vợ người đàn ông này đỡ người bệnh. Khi thấy ông bất tỉnh, chị Hạ đã đỡ ông nằm xuống sàn cứng, kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng xung quanh gọi cấp cứu 115 hỗ trợ, đồng thời tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân.
Chị Hạ (áo trắng) ép tim cho người bệnh (Ảnh: Cắt từ clip).
Chị Hạ kể, theo lịch trình, 20h ngày 24/3, chị sẽ lên máy bay trở về Hà Nội để đi làm. Tuy nhiên, đến tối, chị nhận được tin nhắn hãng hàng không thông báo delay đến 0h đêm."Lúc đầu bị delay, tâm trạng giống tất cả mọi người, em thấy chán vì nghĩ về muộn quá, ngày mai phải đi làm sớm sẽ rất mệt. Nhưng giờ nghĩ lại, đó có thể là sự sắp đặt, là nhân duyên để mình gặp bệnh nhân và cứu người bệnh. Vì máy bay delay nên bọn em mới quyết định đi ăn ở nhà hàng đó và gặp chú", chị Hạ nói.
Chia sẻ với phóng viên về khoảnh khắc cứu người đàn ông ngoại quốc ngừng tim tại quán ăn ở Đà Nẵng, chị Hạ cho biết: "Đến giờ em vẫn không hiểu tại sao mình có sức mạnh đến thế, khi kéo được chú ra khỏi tay người vợ đang ôm chặt vì lo lắng, không hiểu chuyện gì và đỡ chú xuống sàn để ép tim".
Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe Cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.
Cần nhân rộng mô hình cấp cứu tại cộng đồng
Điều dưỡng Đặng Thị Hạ cho biết năm nay cô 29 tuổi, đã có 7 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến rất nhiều ca ngừng tim, ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ngay trong phòng bệnh, nhưng đây là lần đầu tiên cô gặp một tình huống cấp cứu ngoài cộng đồng.
Điều dưỡng Đặng Thị Hạ (bên trái) chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai
"Một người thường có thể không biết bệnh nhân ngừng tim. Nhưng em tự hào là một nhân viên của A9, lại là điều dưỡng, nên như một bản năng, thấy người ngừng tim là cấp cứu. Em cứ vậy làm, bình tĩnh, không hề run sợ, hồi hộp. Chỉ nghĩ làm sao ép tim tốt nhất cho bệnh nhân. Nhịp tim hồi phục càng sớm, tưới máu não càng nhanh, bệnh nhân không bị ảnh hưởng não bộ", Hạ kể.
Liên quan sự việc nữ điều dưỡng A9 cấp cứu nam bệnh nhân ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn, sáng 27/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông tin ông nhận được, bệnh nhân đã tỉnh táo, không để lại bất cứ di chứng nào về thần kinh, vận động, do được cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, ông rất vui, khi nhân viên y tế dù có mặt ở bất cứ đâu, bệnh viện hay cộng đồng đều có thể cứu người. Ông cũng đánh giá, trường hợp người đàn ông ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng sẽ khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng A9 có mặt tại đó cấp cứu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ đánh giá cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. Ông đề nghị Trung tâm cấp cứu A9 cùng Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, Bộ môn hồi sức phối hợp để đào tạo cấp cứu ngoại viện cho nhiều đối tượng trong cộng đồng, để thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cứu sống.
Theo PGS Cơ, tại Mỹ, Nhật và nhiều nước trên thế giới, không chỉ nhân viên y tế mới biết cấp cứu ngừng tuần hoàn, sơ cứu người bị nạn, mà sinh viên trong các trường đại học, người dân cũng được đào tạo sơ cứu. Khi càng có nhiều người có kiến thức sơ cứu, các ca tai nạn trong cộng đồng càng có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.
Bài, ảnh: Mai Thanh