Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ VỚI LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH

UNG THƯ PHỔI LÀ MỘT TRONG NHỮNG UNG THƯ PHỔ BIẾN NHẤT Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI. ĐỂ CẬP NHẬT NHỮNG HƯỚNG ĐIỀU TRỊ TIÊN TIẾN MANG LẠI LỢI ÍCH CHO NGƯỜI BỆNH, BỆNH VIỆN BẠCH MAI ĐÃ TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC VỚI CHỦ ĐỀ “NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC HÀNH ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ VỚI LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH”.

Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh: Ung thư phổi đang để lại gánh nặng bệnh tật cho người bệnh và ngành y vì đại đa số các trường hợp ung thư phổi được phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm thì tỷ lệ sống thêm từ 5 năm trở lên lên tới hơn 90%. Tuy nhiên việc sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán và điều trị còn không ít thách thức. Kỷ nguyên của các liệu pháp miễn dịch đang phát huy tác dụng trong điều trị các bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Hội thảo khoa học được tổ chức lần này tập trung vào hướng điều trị tiến bộ giúp các thầy thuốc lựa chọn những phác đồ tối ưu để đem lại tiên lượng tốt cho người bệnh.

PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc Hội thảo
 

TS.BS Lucksamon, Khoa Ung thư - Bệnh viện Siriraj, Đại học Mahidol, Bangkok, Thái Lan đã trình bày báo cáo “Điều trị ung thư không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa không có đột biến EGFR/ALK - Những khía cạnh lâm sàng cần lưu ý” với những kinh nghiệm quý báu về việc chẩn đoán với các xét nghiệm chuyên sâu đột biến gien, những lưu ý để các nhà giải phẫu bệnh bảo quản và lấy mẫu bệnh phẩm mang lại kết quả chính xác. Từ đó các bác sĩ lựa chọn các phác đồ điều trị tối ưu, đơn trị liệu pháp miễn dịch hay kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và hóa trị.

Tại Việt Nam, ung thư phổi phổ biến sau ung thư vú và ung thư gan, hàng năm phát hiện khoảng gần 25 ngàn ca mắc mới ung thư phổi, trong đó có khoảng hơn 22 ngàn ca tử vong mỗi năm. Ung thư phổi thường gặp ở người lớn tuổi từ 55 tuổi trở lên, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 70 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp mới, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư dạ dày...Liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch truy vết, tiêu diệt các tế bào ung thư.

Báo cáo khoa học với chủ đề “Xu hướng cá thể hóa trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ trong kỷ nguyên miễn dịch” của PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật đến liệu pháp miễn dịch là trụ cột mới trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng với xu hướng cá thể hóa. Báo cáo đi sâu phân tích về xét nghiệm PD-L1 vừa là dấu ấn sinh học tiên lượng vừa là tiên đoán về triển vọng điều trị. Xét nghiệm PD-L1 là một xét nghiệm hóa mô miễn dịch chuyên sâu nhằm phát hiện sự bộc lộ dấu ấn PD-L1 trên mỗi tế bào u ở các bệnh lý ung thư khác nhau để đánh giá mức độ phù hợp cho việc điều trị liệu pháp miễn dịch. Khi sự bộc lộ của PD-L1 của tế bào ung thư được đánh giá đủ cao, phác đồ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chúng nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương cũng đưa ra những phân tích về phương pháp điều trị liệu pháp miễn dịch kết hợp với hóa trị sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là hóa trị đơn thuần với những cân nhắc đáp ứng trên từng cá thể bệnh nhân.Với bệnh nhân cao tuổi có PD-L1 cao nên lưu ý phương pháp đơn trị miễn dịch. Tác giả đã đưa ra ca lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn màng tim, màng phổi đã được điều trị Pembrolizumab đơn trị liều 200 mg hoàn thành 35 chu kỳ. Kết quả sau điều trị: Bệnh nhân không xuất hiện tác dụng phụ nào, lâm sàng ổn định, các xét nghiệm chức năng gan, thận, tuyến giáp trong suốt quá trình điều trị bình thường. Chụp lại PET/CT đánh giá: Nốt đặc vôi hóa phổi trái kích thước không thay đổi so với các phim chụp cũ, không tăng chuyển hóa FDG. Với những phân tích sâu sắc, báo cáo khoa học đã có những nhận định: Cá thể hóa điều trị ung thư là xu hướng trong bối cảnh nhiều tiến bộ về sinh học phân tử, cá thể hóa điều trị miễn dịch có thể thực hiện được trong ung thư phổi không tế bào nhỏ với PD-L1, cần cân nhắc các yếu tố tác động bên ngoài PD-L1 để tối đa hóa lợi ích cho người bệnh, hội chẩn đa chuyên khoa trong điều trị ung thư là chìa khóa thành công.

BSCKII. Lê Viết Nam - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày báo cáo “Tiếp cận điều trị trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ-EGFR/ALK(-),ca lâm sàng PD-L1 thấp và âm tính”. Ca lâm sàng 1: Bệnh nhân nam 49 tuổi, hút thuốc lá 20 bao/1 năm với chẩn đoán ung thư phổi trái di căn hạch, màng phổi giai đoạn 4. Bệnh nhân được điều trị với Pembrolizumab cùng với hóa trị. Ca lâm sàng 2: Bệnh nhân nam 70 tuổi có tiền sử huyết áp cao, đái tháo đường với chẩn đoán: Ung thư phổi trái di căn hạch. Sau khi điều trị Pembrolizumab-Pemtrexed-Carboplatin mỗi 3 tuần, đánh giá qua 4 chu kỳ cho thấy bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn. Các báo cáo viên đã cùng tham gia thảo luận và phân tích trên những ca lâm sàng nêu trên và giải đáp nhiều câu hỏi của các hội thảo viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Những năm gần đây, liệu pháp miễn dịch đã mang lại nhiều ưu thế và hiệu quả vượt bậc trong điều trị ung thư phổi và một số ung thư khác. Cùng với các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch được coi là 4 trụ cột chính để điều trị ung thư. Các nhà khoa học, các thầy thuốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trên các ca lâm sàng để tối ưu hóa hiệu quả và mở rộng biên độ điều trị, đem lại những tiên lượng tốt hơn cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ đa chuyên khoa đã mang lại nhiều kết quả tốt cho bệnh nhân ung thư, trong đó có áp dụng liệu pháp miễn dịch.

                    Bài: Thùy Dương/Ảnh: Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image