Là chủ đề của Câu lạc bộ bệnh nhân Khoa Y học cổ truyền do Phòng Công tác xã hội phối hợp với Khoa Y học cổ truyền (YHCT) tổ chức vào chiều ngày 09/05/2023.
Chương trình có sự tham gia hơn 60 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa YHCT; BS. Nguyễn Mậu Thực - Chủ tịch công đoàn Khoa, BSCKII. Nguyễn Minh Trang, CNĐD Phạm Mạnh Hùng; ThS.BS Hoàng Thị Phú Bằng - Phó trưởng phòng CTXH, nhân viên phòng CTXH và Bà Trần Thị Lan Anh đại diện cho Công ty TNHH Yakult Việt Nam. Trong buổi sinh hoạt CLB, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa YHCT đã chia sẻ về cách chăm sóc người bệnh liệt để phòng ngừa biến chứng về hô hấp; nhân viên CTXH chia sẻ về các hoạt động của Phòng CTXH tại Khoa, Bệnh viện.
BSCKII. Nguyễn Minh Trang - Khoa Y học cổ truyền cho biết: Bệnh nhân liệt vận động có nhiều nguyên nhân khác nhau như tai biến mạch máu não, viêm tuỷ, chấn thương cột sống… nhưng điểm chung của các BN là không cử động được, không cầm nắm được đồ vật, không đi lại được bình thường và chỉ nằm yên một chỗ. Khi đó, những vấn đề như ăn uống, sinh hoạt hay vệ sinh của BN đều phải thực hiện nhờ người khác và trên giường bệnh. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, BN sẽ đối mặt với các nguy cơ, biến chứng về hô hấp, loét da, trầm cảm hay nhiễm khuẩn tiết niệu. Cũng theo BSCKII. Nguyễn Minh Trang thì biến chứng hô hấp (gồm các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp, viêm phổi hít sặc) là nguy hiểm và thường gặp nhất trên BN liệt vận động. Nguyên nhân là do việc nằm lâu, ít vận động có thể gây tình trạng ứ đọng đờm dãi từ đó khiến BN bị tắc nghẽn đường thở.
Điều dưỡng Phạm Mạnh Hùng - Khoa Y học cổ truyền đã hướng dẫn 05 nguyên tắc chăm sóc với bệnh nhân liệt vận động gồm:
- Vận động sớm, thay đổi tư thế cho NB (24 - 48h sau đột quỵ) chống chỉ định với những thủ thuật can thiệp động mạch, SPO2 thấp, chấn thương/ gãy chi.
- Tư thế nằm tốt: Tư thế Fowler (cao đầu với các điểm nâng đỡ hai bên bả vai). Tư thế nằm chi thể cao hơn thân.
- Cung cấp đủ nước: Dịch lỏng trên 2 lít/ngày làm loãng đờm, dễ đào thải qua đường ho, khạc hay nhân viên y tế hút đờm dãi.
- Vỗ rung lồng ngực (Mỗi lần từ 7 – 10 phút, 2 tiếng/ lần) mục đích làm rung cơ học và long đờm dãi ứ đọng trong phổi.
- Cho ăn ở BN ăn sonde do rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não. Những BN có rối loạn nuốt nếu vẫn cố tình cho ăn đường miệng sẽ gây các biến chứng: Hít sặc, suy dinh dưỡng, thiếu nước, viêm phổi làm tăng nguy cơ tử vong cho BN.
Tiếp theo chương trình, Ths. Nguyễn Hải Chiều - Phòng Công tác xã hội đã chia sẻ về CTXH trong Bệnh viện là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (NNBN) trong quá trình khám, chữa bệnh. Đối với BN ngoại trú: Phòng sắp xếp đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tiếp đón, hỗ trợ BN và NNBN ngay từ Cổng Bệnh viện và tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu với 03 quầy thông tin hỗ trợ chỉ dẫn, phục vụ xe lăn, ô cầm tay và sách báo phục vụ người dân đến thăm khám. Đối với BN nội trú, Phòng tham gia hội chẩn ca bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn với các chuyên khoa, hỗ trợ tâm lý, kinh phí điều trị cho BN tại các đơn vị, giải quyết các trường hợp BN không có người nhận/ bị bỏ rơi và BN tử vong không có người nhận. Ngoài ra, Phòng còn tổ chức đào tạo các học viên, sinh viên từ các Bệnh viện, Trường Đại học chuyên ngành CTXH. Với xã hội, Phòng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động CTXH cộng đồng tại các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa trên cả nước như tặng quà, thuốc, khám chữa bệnh, tư vấn cũng như tuyên truyền và đạo tạo tuyến dưới.
Cuối chương trình, Phòng Công tác xã hội và Công ty TNHH Yakult Việt Nam đã trao tặng những phần quà hết sức có ý nghĩa cho BN, NNBN. Chương trình đã được sự đón nhận và hưởng ứng rất nhiệt tình của những người tham gia đồng thời Ban tổ chức mong muốn trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết để người nhà có thể chủ động chăm sóc BN liệt vận động, giảm bớt khó khăn cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị.
Tin, ảnh: Lê Đạt