Chẩn đoán, điều trị Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và những điều cần lưu ý

Ngày đăng: 10/12/2020 18:09

Chẩn đoán, điều trị Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và những điều cần lưu ý

 Ngọc Lan và cộng sự

 

Bệnh trào ngược Dạ dày Thực quản (GERD) là bệnh thường gặp khá phổ biến ngày nay ở mọi lứa tuổi, tần suất gặp ở Châu Âu và Bắc Mỹ khoảng 20-30%, trong cộng đồng Châu Á vào khoảng 2,5 – 7,1% (Triệu chứng ≥ 1 lần/tuần) và 3,8 – 4,6% (Triệu chứng ≥ 2 lần/tuần ). Nguyên nhân là do cơ thắt tâm vị đóng không kín dẫn đến tình trạng các chất chứa trong Dạ dày trào ngược lên Thực quản gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng. Các triệu chứng có thể tại thực quản hoặc ngoài thực quản.

  • Triệu chứng tại thực quản: Triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là hội chứng đau nóng rát vùng thượng vị và tổn thương thực thể có thể xảy ra như viêm trợt, chít hẹp, Barrett’s thực quản và nặng hơn là ung thư thực quản
  • Triệu chứng ngoài thực quản: Các triệu chứng từ các cơ quan khác ngoài thực quản như ho kéo dài do trào ngược, viêm thanh quản, hen phế quản, ăn mòn răng do trào ngược. ngoài ra 1 số triệu chứng khác hiếm gặp hơn cũng có thể do trào ngược gây ra như viêm họng, viêm xoang, xơ hóa phổi vô căn và viêm tai giữa…

Nhận thấy chủ đề này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi đào tạo khoa học với chủ đề “Cập nhật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản” ngày 21/11/2020 nhằm cung cấp thêm thông tin hữu ích cho các bác sĩ tuyến dưới.

Tại buổi đào tạo PGS. TS. BS Chu Thị Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ với quý đồng nghiệp chủ đề “Trào ngược liên quan đến các bệnh lý Hô Hấp”. Phó giáo sư nhấn mạnh rằng trào ngược dạ dày thực quản (GER) có thể gây ra các triệu chứng hô hấp và có thể kích hoạt, thúc đẩy và / hoặc làm trầm trọng thêm các rối loạn đường thở, bệnh phổi kẽ và rối loạn chức năng toàn bộ phổi. Tuy nhiên, thay đổi lối sống và ức chế axit đơn thuần (PPI) có thể chống lại và ngăn ngừa các tác động xấu của GER trên đường hô hấp. Bệnh cạnh đó phẫu thuật chống GER có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa tiến triển bệnh phổi ở những bệnh nhân IPF hoặc những người ghép phổi có bằng chứng về rối loạn chức năng phổi liên quan đến sự hiện diện của GER quá mức. Cuối bài báo cáo PGS. TS. BS Chu Thị Hạnh chỉ ra nghiên cứu bổ sung là cần thiết để xác định vai trò của GER trong các rối loạn phổi khác nhau và xác định những biện pháp can thiệp nào hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa hậu quả hô hấp của GERD. Xét nghiệm xác định chất trào ngược dạ dày đã được hút vào đường hô hấp dưới (ví dụ, nồng độ pepsin và axit mật trong LBA) có thể hữu ích trong cả chẩn đoán và ra quyết định điều trị.

 PGS. TS. BS Chu Thị Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tiếp theo chủ đề “Cá thể hóa trong điều trị bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản” đã được TS. BS. Nguyễn Công Long Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

TS. BS. Nguyễn Công Long Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai

Tiến sĩ Nguyễn Công Long phân tích, do không có tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nên đôi khi bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn trong một số trường hợp. Việc chẩn đoán GERD có nhiều cách như hỏi bệnh dựa vào bảng điểm triệu chứng (GERD Q), Nội soi Tiêu hóa trên, điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) và đo pH thực quản 24 giờ.

Điều trị Trào ngược Dạ dày Thực quản có 3 mục tiêu chính: điều trị giảm triệu chứng, điều trị lành viêm và duy trì chống tái phát. Điều trị bằng thuốc là chính, điều chỉnh chế độ ăn và đôi khi có thể phẫu thuật khi thất bại với điều trị nội khoa.

Thuốc ức chế bài tiết acid nhóm ức chế bơm proton (PPI) là lựa chọn điều trị đầu tay với liều tiêu chuẩn hoặc tăng liều gấp đôi khi cần thiết, trong nhóm PPI này cần lựa chọn thuốc có hiệu quả kiểm soát acid tốt, nâng pH>4 trong ngày càng dài càng tốt. Để hỗ trợ tốt cho việc điều trị thì bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý như giảm cân, tránh ăn quá no trước khi đi ngủ, tránh sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Cuối buổi đào tạo các chuyên gia đã tổng kết bệnh Trào ngược Dạ dày Thực quản có thể điều trị và quản lý tốt nhưng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trong việc điều trị, tuân thủ thuốc và chế độ ăn uống phù hợp.

 

 

Các tin khác