- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
- HỘI THẢO KHOA HỌC BỆNH VIỆN BẠCH MAI LẦN THỨ 32
Chẩn đoán và điều trị viêm khớp cột sống thể trục những điều cần lưu ý
Nguyễn Nhâm và cộng sự
Viêm khớp cột sống thể trục (điển hình là viêm cột sống dính khớp và viêm khớp cột sống chưa có tổn thương trên X- quang) là bệnh lý không hiếm gặp (tương đương hoặc nhiều hơn viêm khớp dạng thấp) nhưng chưa được chú ý trên thực hành lâm sàng. Bệnh nhân viêm khớp cột sống thể trục phải chịu đựng đau đớn do tình trạng viêm mạn tính, qua thời gian có thể tiến triển gây tổn thương cấu trúc khớp, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, dẫn tới gù vẹo, mất chức năng và tàn phế. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ (từ thanh thiếu niên tới 45 tuổi), gây suy giảm khả năng làm việc và các hoạt động thường ngày.
Do tính chất của bệnh và nhận thức về bệnh chưa cao, nhiều bệnh nhân bị bỏ sót hoặc chẩn đoán chậm trễ. Thời gian trung bình bị trễ trong chẩn đoán là 8-11 năm, khi được chẩn đoán, đa số bệnh nhân đã có những tổn thương nặng nề về cấu trúc do quá trình viêm kéo dài. Việc điều trị cho những bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn, ít hiệu quả , tình trạng tàn phế ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do vậy, chẩn đoán sớm giúp bệnh nhân được điều trị đúng, tận dụng tối đa cửa sổ cơ hội điều trị và cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Trong những năm gần đây, hiểu biết sâu hơn về cơ chế bệnh sinh, diễn tiến bệnh và sự ra đời của các phương pháp điều trị mới đã làm thay đổi nhiều về cả khái niệm phổ bệnh, tiêu chuẩn chẩn đoán và quan điểm điều trị. Việc cập nhật cách tiếp cận chẩn đoán và điều trị tối ưu là nhu cầu cấp thiết để phục hồi chất lượng cuộc sống và bảo tồn khả năng vận động cho bệnh nhân.
Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình đào tạo y khoa liên tục với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm khớp cột sống thể trục” nhằm cung cấp kiến thức về bệnh lý VKCS thể trục để các bác sỹ có thể ứng dụng trong thực tế thực hành tại địa phương mình.
Bắt đầu buổi đào tạo PGS.TS. BS. Nguyễn Văn Hùng Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với quý đồng nghiệp chủ đề “Cập nhật mô hình chẩn đoán viêm khớp cột sống - ứng dụng trên lâm sàng”
PGS.TS. BS. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai
Tiếp theo đó chủ đề “Chẩn đoán hình ảnh trong viêm khớp cột sống thể trục: những điểm cần lưu tâm và phân biệt các trường hợp khó trên lâm sàng” do PGS. TS. BS Bùi Văn Giang - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện K chia sẻ.
Ngay sau bài báo cáo của PGS. TS. BS Bùi Văn Giang là sự chia sẻ của TS. BS. Nguyễn Thị Phương Thủy về “Cập nhật điều trị viêm khớp cột sống thể trục: lựa chọn điều trị và quản lý bệnh tối ưu”
Cuối cùng bài “Phân tích và thảo luận ca lâm sàng điều trị sinh học cho bệnh nhân viêm khớp cột sống thể trục” do TS. BS Bùi Hải Bình – Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai đã đem đến những trải nghiệm hữu ích cho các y bác sĩ tham dự buổi đào tạo có cái nhìn thực tế hơn khi áp dụng điều trị thực tế.
Viêm khớp cột sống thể trục là nhóm bệnh lý không hiếm gặp nhưng thường xuyên bị bỏ sót hoặc chẩn đoán trễ trên lâm sàng. Việc nhận diện được đau lưng kiểu viêm và các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của viêm khớp cột sống, kết hợp với ứng dụng mô hình tiếp cận chẩn đoán theo tiêu chuẩn ASAS giúp làm giảm thời gian chẩn đoán trễ và bỏ sót chẩn đoán. Sử dụng chẩn đoán hình ảnh: X-quang cho giai đoạn trễ và MRI cho giai đoạn sớm là phương pháp chẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Mục tiêu điều trị cho viêm khớp cột sống thể trục là tối ưu hóa chất lượng cuộc sống về lâu dài của bệnh nhân thông qua việc kiểm soát tình trạng đau và viêm tại khớp và cột sống, ngăn ngừa tiến triển tổn thương cấu trúc khớp và cột sống, duy trì chức năng vận động của các khớp và cột sống, hòa nhập xã hội.
Các thuốc kháng viêm non-steroid là một trị liệu kinh điển quan trọng, là lựa chọn đầu tiên cho nhóm bệnh lý này nhờ hiệu quả kiểm soát tình trạng viêm. Sự ra đời của các thuốc sinh học kháng TNF và kháng interleukin-17 (secukinumab) tạo tiến bộ vượt bậc trong điều trị. Mặc dù thuốc sinh học không phải là lựa chọn đầu tay, nhưng các thuốc này là lựa chọn hữu hiệu cho bệnh nhân thất bại với trị liệu truyền thống. Khi quyết định điều trị trên thực hành lâm sàng trong điều kiện Việt Nam, cần cân nhắc nhiều yếu tố: mức độ hoạt động bệnh, nguy cơ tiến triển tổn thương cấu trúc (dính khớp), điều kiện kinh tế của bệnh nhân... để đưa ra lựa chọn tối ưu.