- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
- HỘI THẢO KHOA HỌC BỆNH VIỆN BẠCH MAI LẦN THỨ 32
Bị ban đỏ tím ở quanh mắt, cổ, vai, khớp tay... cần cảnh giác với bệnh viêm da cơ
Ngọc Khanh và cộng sự
Viêm da cơ/viêm đa cơ (Dermatomyositis - DM ) được xếp vào nhóm bệnh tự miễn với tổn thương cơ bản là tình trạng viêm mạn tính của các bó cơ (viêm đa cơ) và có thể có tổn thương da kèm theo (viêm da-cơ).
Biểu hiện thường gặp ở người bệnh là có ban đỏ tím ở mi mắt, quanh mắt, có ban đỏ ở mặt, cổ, nửa trên thân mình, có sẩn dẹt màu tím ở khớp đốt ngón tay. Ngoài tổn thương ở cơ, bệnh nhân có thể có các triệu chứng ở khớp, phổi, tim mạch, tiêu hóa, và ung thư.
Viêm da cơ là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ chỉ 9,63 ca/1 triệu người, trong đó tỷ lệ Viêm da cơ không điển hình (CADM) chiếm tỷ lệ chỉ 2-18%, tỷ lệ Viêm da cơ không có bệnh cơ (ADM) trong DM không rõ ràng là 2,08 ca/1 triệu người. Bệnh thường gặp chủ yếu ở người lớn, trên 50 tuổi, với tỷ lệ nữ nhiều gấp đôi so với nam.
Viêm da cơ, đặc biệt Viêm da cơ không điển hình là bệnh lý hiếm gặp nên dễ bị bỏ sót chẩn đoán.
Hình ảnh Viêm da cơ địa
Nguyên nhân chính xác của DM hiện vẫn chưa rõ ràng. Các tác nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus), thuốc và một số yếu tố của môi trường có thể là nguyên nhân gây bệnh và yếu tố khởi phát bệnh viêm đa cơ; viêm da-cơ tự miễn. Bệnh được xếp vào nhóm tự miễn dịch với sự có mặt của một số tự kháng thể (kháng thể kháng Jo-1, kháng SRP...). Một số nghiên cứu cho thấy bệnh viêm cơ tự miễn thường tiến triển vào một số mùa trong năm. Theo Leff, các bệnh nhân có kháng thể kháng Jo-1 dương tính thường tiến triển vào mùa xuân, còn những bệnh nhân có kháng thể kháng SRP dương tính thường tiến triển vào mùa thu. Các yếu tố về di truyền (HLA-DR3, DRW52) cũng có một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh.
Hình ảnh tế bào viêm da cơ địa
Theo BS. Chu Chí Hiếu - Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều yếu tố liên quan đến Viêm da cơ được chia làm 5 nhóm: Di truyền, miễn dịch, nhiễm trùng, thuốc và ung thư, trong đó tỷ lệ mắc ung thư trong số những ca Viêm da cơ dao động từ 6-60%.
Việc chẩn đoán Viêm da cơ không phải dễ dàng bởi biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác.
Có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán Viêm da cơ. Trong đó các tiêu chuẩn hiện đang sử dụng là: Tiêu chuẩn chẩn đoán của Bohan và Peter năm 1975, có độ nhạy 94,3%, của Dalakas và Hohfeld năm 2003 với độ nhạy 77,1%, và của ENMC 2004 với độ nhạy 71,4%....
Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) là địa chỉ uy tín trong chẩn đoán và điều trị bệnh Viêm da cơm với đầy đủ năng lực tiến hành các xét nghiệm cũng như kinh nghiệm để chẩn đoán bệnh; đồng thời đã áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả đã được công nhận trên thế giới. Viêm da cơ là bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần đến khám và điều trị sớm ngay sau khi có những dấu hiệu ban đầu để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.