Chữa thoái hóa khớp gối bằng… mỡ bụng

Ngày đăng: 28/5/2012 08:57

Đây cũng là những bệnh nhân thoái hóa khớp đầu tiên ở VN được điều trị bằng tế bào gốc (TBG) mô mỡ tự thân.

Liệu pháp tiên tiến

Cụ Ngô Thị B (75 tuổi, ở Hà Nội) đã bị thoái hóa cả 2 khớp gối và 2 khớp háng từ nhiều năm qua. Uống thuốc tây rồi chuyển qua thuốc nam, tiêm thuốc nhưng bệnh vẫn không đỡ, cụ đi lại rất khó khăn, dù đã uống thuốc giảm đau nhưng vẫn đau nhức, cứng gối, mất ngủ. Khi đến BV Bạch Mai, cụ đã trở thành người đầu tiên được điều trị bằng phương pháp tiêm TBG mô mỡ tự thân của chính cụ. 

PGS-TS Mai Trọng Khoa – PGĐ BV Bạch Mai, Trưởng đơn vị gene trị liệu, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - cho biết: "Cụ đã được lấy ra một lượng nhỏ mô mỡ ở bụng. Mỡ được xử lý qua quá trình kỹ thuật để tách chiết ra tế bào gốc và sau đó tiêm truyền trở lại trực tiếp vào khớp gối đã thoái hóa. Cả 2 khớp gối và 2 khớp háng thoái hóa của cụ đều được tiêm tế bào gốc từ mô mỡ cùng thời điểm".

Thoái hóa khớp chính là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm kèm phản ứng viêm, giảm thiểu dịch nhầy bôi trơn điểm nối giữa hai đầu. Khi TBG được truyền vào khớp, sẽ biệt hóa thành các tế bào sụn, xương khớp mới, giúp cho khớp như được sống lại, nhờ đó khôi phục được cử động nhịp nhàng.

Được điều trị vào thời điểm cuối tháng 3, sau hơn 1 tháng, đến nay cụ B đã có thể đi lại được bình thường, đặc biệt cụ không cần phải dùng thuốc giảm đau hằng ngày như trước kia.




Tương lai chữa cho nhiều bệnh khác

Ca thoái hóa khớp thứ hai được điều trị bằng phương pháp này là cụ bà Hoàng Thị Ch (60 tuổi ở Hà Nội), cho kết quả tốt. Theo TS Mai Trọng Khoa: "TBG có khả năng ứng dụng chữa rất nhiều bệnh, trong đó có cả những bệnh nặng và khó. Tuy nhiên, từ trước tới nay, TBG thường được lấy từ tuỷ xương, máu cuống rốn hoặc máu ngoại vi. Nhưng, việc lấy được TBG từ những bộ phận này thường khó khăn, gây đau đớn (lấy từ tuỷ xương)... Trong khi đó, lượng TBG dự trữ trong mô mỡ lại cao gấp nhiều lần so với 3 bộ phận nói trên.

Mỡ là mô dự trữ tự nhiên trong cơ thể, việc lấy ra một lượng mỡ nhỏ ra khỏi cơ thể, nhất là mỡ bụng, là thủ thuật không khó, hầu như không để lại sẹo trên da bụng, vì chỉ cần một vết rách nhỏ dài 0,5cm, không gây đau nhiều cho bệnh nhân. Hơn nữa, việc sử dụng TBG tự thân sẽ an toàn, tránh được các phản ứng bất lợi cho cơ thể. 

Sau 2 ca đầu tiên thành công này, BV Bạch Mai sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trên các bệnh nhân thoái hóa khớp - căn bệnh có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng nhưng lại được coi là khó chữa khỏi. Trong tương lai, ghép TBG mô mỡ tự thân sẽ được ứng dụng điều trị các bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), và phẫu thuật thẩm mỹ...

PGS-TS Khoa cũng cho hay: Trên thế giới, phương pháp này cũng mới chỉ được một số quốc gia áp dụng từ vài năm nay. Tại VN, đây là 2 trường hợp đầu tiên. Được biết, chi phí mỗi ca ghép khoảng 70 triệu đồng. BV Bạch Mai cũng sẽ đề xuất phương án cơ quan bảo hiểm y tế chi trả một phần cho kỹ thuật này.

Tỉ lệ mắc thoái hóa khớp nhiều nhất là nhóm trên 50 tuổi. 90% người trên 40 tuổi bắt đầu có biến đổi của xương khớp, nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Để phòng tránh bệnh, cần ăn thực phẩm đa đạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm, hoặc màu vàng...).

Người trên tuổi 40 nên tập thể dục để tăng độ chắc khoẻ của cơ, giảm áp lực lên các khớp.

Đi bộ rất tốt với người lớn tuổi, nhưng đi không đúng phương pháp, đi quá nhiều có nguy cơ thoái hóa khớp.

Người 60 - 70 tuổi chỉ nên đi bộ 30 - 45 phút/ngày. Người trẻ hơn có thể đi bộ nhiều hơn, nhưng không nên lạm dụng.

GS-TS Trần Ngọc Ân - Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam

Quang Duy