Khoa dược
Docter
-
Giới thiệu Khoa Dược
Tên Đơn vị: Khoa Dược – Bệnh viện Bạch Mai (Department of Pharmacy, Bach Mai Hospital)
Địa chỉ: Tầng 1- Nhà Q- Bệnh viện Bạch Mai
Điện thoại: 0869587698
Email: khoaduocbvbachmai@gmail.com
Ban Lãnh Đạo
-
TS. Nguyễn Thu Minh
Phụ trách khoa
-
DSCKI. Nguyễn Viết Dũng
Phó trưởng khoa
-
ThS. Đàm Thị Thu Hằng
Phó trưởng khoa
-
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh
Phó trưởng khoa
-
DS. Dương Thị Hằng
Chủ tịch công đoàn
-
DS. Nguyễn Thị Huế
KTV Dược trưởng
-
Đc. Phạm Trường Minh
Bí thư Đoàn TN
1. Lịch sử:
1.1.Tóm tắt lịch sử phát triển:
Khoa Dược có từ ngày đầu khi Bệnh viện Bạch Mai thành lập năm 1911 nhưng chỉ là một Phòng phát thuốc. Sau khi tiếp quản năm 1954 được gọi là Nhà thuốc do Dược sỹ Lương Tấn Thành phụ trách. Sau này đổi tên thành Khoa Dược.
Lúc mới thành lập, Khoa Dược chịu trách nhiệm cung cấp cả thuốc Tây y và Đông y, bông băng, cồn, gạc, trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm và vật tư y tế.
- Năm 1975: Sau khi phòng Vật tư trang thiết bị y tế được thành lập, khoa Dược đã chuyển phần trang thiết bị y tế về Phòng Vật tư- TTBYT.
- Năm 1978: Khoa Dược chuyển thêm phần vật tư y tế tiêu hao về Phòng Vật tư- TTBYT quản lý.
- Năm 1986: chuyển bộ phận cung ứng thuốc đông dược về Khoa Y học cổ truyền.
- Năm 1991: tiếp nhận sự sát nhập của Khoa Dược Bệnh viện Quốc tế.
- Năm 1995: tiếp nhận sự sát nhập của Đơn vị nghiên cứu dược bệnh viện.
- Năm 1999: sau khi Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn được thành lập Khoa Dược chuyển việc cung ứng bông băng, cồn, gạc về Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn quản lý.
1.2. Các hoạt động tiêu biểu qua từng giai đoạn phát triển:
1.2.1. Giai đoạn mới hình thành:
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, các cán bộ của Khoa Dược đã luôn nâng cao tinh thần vừa học vừa làm để thiết lập các quy chế chuyên môn về Dược.
Hàng loạt quy chế chuyên môn ra đời trong giai đoạn này không chỉ được áp dụng tại khoa Dược mà còn tạo nền móng cho các văn bản pháp quy áp dụng toàn ngành Dược.
1.2.2. Giai đoạn chiến tranh chống Mỹ:
Trong chiến tranh chống Mỹ, Khoa Dược phải phân tán làm 3 nơi:
- Một bộ phận ở nơi sơ tán tại Vĩnh Phú (sau chuyển về Hà Tây).
- Một bộ phận phục vụ thương binh ở T-72 Sầm Sơn, Thanh Hóa.
- Một bộ phận ở lại Hà Nội tham gia trực chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Ở cả ba nơi, cán bộ viên chức trong khoa đều đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong thời chiến.
- Tại nơi sơ tán, dù điều kiện cơ sở vật chất để duy trì hoạt động vô vàn khó khăn, phương tiện vận chuyển thiếu thốn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ viên chức sẵn sàng vận chuyển và bảo vệ an toàn tài sản, góp phần đắc lực phục vụ bệnh nhân và nhân dân địa phương.
- Cán bộ viên chức ở lại Hà Nội không quản ngày đêm, bom đạn, luôn có sẵn sàng mặt trực chiến thường quy cũng như khi được bệnh viện điều động, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
- Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, nhiều cán bộ viên chức liên tục bám trụ tại bệnh viện, tham gia các đội xung kích.
- Bộ phận đi công tác ở T72 cũng khắc phục mọi khó khăn hết lòng phục vụ thương bệnh binh là những chiến sĩ bị tù đày trở về.
1.2.3. Giai đoạn đất nước thống nhất đến nay:
Khoa Dược luôn đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các sáng kiến, cải tiến trong quản lý để không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác. Hiện nay, khoa đã xây dựng được một hệ thống các qui chế, qui trình ISO theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho các nội dung công tác.
Áp dụng phần mềm quản lý dược đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong công tác dược.
Đặc biệt công tác Dược lâm sàng ngày càng được đẩy mạnh, thiết thực giúp cho việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn và hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị. Mô hình hoạt động Dược lâm sàng và Thông tin thuốc đã trở thành mô hình hoạt động tiêu biểu của toàn Ngành.
2. Cơ cấu tổ chức
Tổng số 190 cán bộ nhân viên, trong đó:
- Biên chế: 47
- Hợp đồng bệnh viện trong quỹ lương: 140
- Hợp đồng bệnh viện theo lương tối thiểu vùng: 03
Các tổ công tác:
- Tổ Dược lâm sàng – Pha chế
- Tổ Cấp phát – Thống kê
- Tổ Dược chính (Nghiệp vụ dược)
- Hệ thống nhà thuốc
Trình độ chuyên môn:
- PGS.TS: 02, Thạc sĩ và DSCKI: 14
- Dược sĩ đại học: 38, Dược sĩ cao đẳng: 130, Dược sĩ trung học: 05
- Y công và các đối tượng khác: 03
3. Chức năng, nhiệm vụ
3.1 Chức năng:
Khoa Dược là khoa chuyên môn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện. Khoa Dược có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
3.2 Nhiệm vụ:
1) Lập kế hoạch, cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cho nhu cầu điều trị và thử nghiệm lâm sàng nhằm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị và các yêu cầu chữa bệnh khác (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa).
2) Quản lý, theo dõi việc nhập thuốc, cấp phát thuốc cho nhu cầu điều trị và các nhu cầu đột xuất khác khi có yêu cầu.
3) Đầu mối tổ chức, triển khai hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị.
4) Bảo quản thuốc theo đúng nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”.
5) Tổ chức pha chế thuốc, hóa chất sát khuẩn.
6) Thực hiện công tác dược lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc.
7) Quản lý, theo dõi việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược tại các khoa trong bệnh viện.
8) Nghiên cứu khoa học và đào tạo; là cơ sở thực hành của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học về dược.
9) Phối hợp với khoa cận lâm sàng và lâm sàng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý đặc biệt là sử dụng kháng sinh và theo dõi tình hình kháng kháng sinh trong bệnh viện.
10) Tham gia chỉ đạo tuyến.
11) Tham gia hội chẩn khi được yêu cầu.
12) Tham gia theo dõi, quản lý kinh phí sử dụng thuốc.
13) Quản lý hoạt động của Nhà thuốc bệnh viện theo đúng quy định.
4. Hoạt động chuyên môn:
Trong những năm vừa qua dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc cùng với sự nỗ lục phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên Khoa Dược, khoa đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
4.1. Công tác đấu thầu thuốc cung ứng thuốc:
Thực hiện đấu thầu thuốc theo đúng qui định của Bộ Y tế. Đã từng bước áp dụng tin học trong đấu thầu thuốc, áp dụng phần mềm quản lý đấu thầu, xử lý số liệu trước, trong và sau khi có kết quả thầu, đảm bảo tính khoa học và chính xác. Khoa Dược liên tục triển khai các gói thầu nhằm đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện qua các năm ngày càng tăng, nhưng việc cung ứng thuốc đảm bảo đầy đủ và kịp thời đáp ứng nhu cầu của bệnh viện.
4.2. Công tác Dược chính:
- Cập nhật và triển khai các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế như thông tư số 30/2018/BYT ngày 30/10/2018 về ban hành danh mục và tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Triển khai mô hình kho GSP theo thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.....
- Đưa cảnh báo thuốc kê đơn có điều kiện và tỷ lệ được BHYT chi trả và cảnh báo thuốc điều kiện bảo quản thuốc đặc biệt vào phiếu lĩnh của các đơn vị.
- Mã hóa danh mục thuốc trúng thầu theo danh mục dùng chung của BYT và khai báo lên cổng giám định của BHYT làm căn cứ giám định tự dộng về thuốc.
- Kiểm tra quy chế dược nội bộ toàn viện. Hướng dẫn xử lý các vướng mắc của các đơn vị về chất lượng thuốc, các quy định quản lý thuốc tại khoa, thuốc tủ trực, thuốc dùng trong thủ thuật.
- Hàng quý tổ chức kiểm kê tủ thuốc trực cấp cứu , kiểm tra dược chính tại các đơn vị trong toàn bệnh viện theo kế hoạch đã được phê duyệt, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng các quy định dược chính về tủ trực.
- Phối hợp với phòng CNTT, phòng tài chính kế toán: thống nhất hệ thống mã thuốc trong toàn Bệnh viện nhằm nâng cao công tác quản lý thuốc và giá thuốc. Phối hợp với phòng CNTT, KHTH giải trình và sửa lỗi xuất toán tự động lên cổng BHYT hàng tháng.
4.3. Công tác Cấp phát thuốc:
- Tổ chức bảo quản thuốc đúng quy định theo tiêu chuẩn kho GSP, cấp phát thuốc đầy đủ, chính xác cho các khoa điều trị nội trú cũng như bệnh nhân ngoại trú, thuốc ARV, hóa chất, thuốc viện trợ. Hoàn thiện qui trình quản lý cấp phát thuốc nội và ngoại trú: cải tiến qui trình kiểm nhận thuốc nhằm phát hiện các thuốc có dạng bào chế, bảo quản và cách dùng đặc biệt, các thuốc có tên và mẫu mã giống nhau; xây dựng bổ sung qui trình duyệt cấp phát thuốc từ khoa Dược tới các khoa lâm sàng trong Bệnh viện; hoàn thiện quy trình trả lại thuốc tại các khoa lâm sàng, việc duyệt phiếu và nhận thuốc trả lại tại khoa Dược. Tại kho dược, dán cảnh báo thuốc có nhiều hàm lượng và thuốc hạn ngắn nhằm giúp hạn chế sai sót trong quá trình cấp phát. Hiện nay, khoa Dược cùng với đơn vị dịch vu đã vận chuyển và giao thuốc và dịch truyền đến tất cả các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
- Thực hiện tốt công tác quản lý thuốc thử nghiệm lâm sàng . Với số lượng lớn các đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Bệnh viện, khoa luôn thực hiện đúng các yêu cầu trong đề cương và xây dựng các qui định cụ thể cho công việc này đảm bảo thuốc luôn được bảo quản theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
4.4. Công tác Thống kê Dược:
- Theo dõi, thống kê chính xác số liệu thuốc cấp phát cho nội trú, ngoại trú và cho các nhu cầu đột xuất khác.
- Báo cáo số liệu thống kê hàng tháng cho phòng TCKT và khi nhận được yêu cầu của Giám đốc bệnh viện hoặc Trưởng khoa Dược.
- Thực hiện báo cáo công tác khoa Dược, tình hình sử dụng thuốc, hóa chất (pha chế, sát khuẩn), trong bệnh viện định kỳ hàng năm và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.
- Đối chiếu số liệu xuất với phòng TCKT, giải trình các vướng mắc với các đơn vị làm sàng.
- Quản lý và bảo quản các chứng từ lĩnh của các đơn vị trong Bệnh viện.
4.5. Hoạt động thông tin thuốc và Dược Lâm sàng:
- Công tác Dược lâm sàng ngày càng phát triển, vai trò của dược sĩ lâm sàng đã được nhìn nhận tại các khoa lâm sàng và trong toàn bệnh viện, dược sĩ lâm sàng tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho người bệnh. Trong những năm vừa qua, hoạt động dược lâm sàng của dược sĩ được duy trì thường xuyên ở một số đơn vị lâm sàng.
- Tham gia hội chẩn liên khoa và hội chẩn toàn viện. Số lượng các ca hội chẩn tăng lên theo từng năm.
- Khoa Dược đã xây dựng các Quy trình sử dụng kháng sinh dự phòng và Quy trình Giám sát sử dụng thuốc Vancomycin, Colistin, Amikacin và đã được Hội đồng Khoa học của Bệnh viện phê duyệt
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tương tác thuốc ngoại trú và nội trú, điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận, liều tối đa cho danh mục thuốc ngoại trú.
Về công tác ADR:
- Duy trì công tác thu thập báo cáo ADR, định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn ADR cho các đầu mối ADR của các đơn vị trong Bệnh viện. Khoa Dược đã nhận được giấy khen của Trung tâm Quốc Gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc vì đã có thành tích về công tác báo cáo ADR.
- Xây dựng và thiết kế tài liệu Hướng dẫn phát hiện, theo dõi, dự phòng và xử trí tác dụng không mong muốn của thuốc Iressa và Nexavar.
- Tham gia xây dựng chuyên luận về thuốc trong ” Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn” và ”Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi cộng đồng” của Hội HSCC - Chống độc và Hô hấp. Tham gia góp ý một số chuyên luận dược thư quốc gia mới, dự thảo thông tư thuốc hiếm tại BYT, dự thảo Nghị định Dược lâm sàng.
4.6. Công tác pha chế thuốc:
Công tác pha chế đã cung cấp kịp thời một số thuốc cho công tác điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 Khoa Dược đã phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội để xây dựng quy trình pha cồn sát khuẩn tay phục vụ cho công tác chống nhiễm khuẩn của bệnh viện.
4.7 Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác đào tạo:
- Khoa luôn tạo điều kiện cho cán bộ trong khoa tham gia các khóa đào tạo: đào tạo Tiến sỹ, đào tạo Thạc sỹ, đào tạo Dược sỹ đại học và các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước và nước ngoài..... Duy trì công tác đào tạo liên tục cho cán bộ nhân viên trong khoa theo kế hoạch.
- Liên tục xuất bản các bản tin Thông tin thuốc từ năm 2017 đến nay. Bản tin đã cung cấp các kiến thức chuyên môn, các thông tin về an toàn và sử dụng thuốc dành cho các bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện tham khảo. Viết một số chuyên luận trong sách sử dụng thuốc trong sách chuyên khoa của điều dưỡng. Hoàn thiện sách Dược lý đào tạo Cao đẳng, KTV của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai.
- Phối hợp với TT Đào tạo và CĐT tổ chức lớp đào tạo về Dược Lâm sàng.
- Tham gia báo cáo tại các Hội nghị về Dược lâm sàng toàn quốc như Hội nghị DLS BV TW 108 lần thứ nhất, Hội nghị Nội Tiết Hà Nội, Hội nghị cảnh giác Dược toàn quốc, hội nghị HSCC và Chống độc, Hội nghị Hô hấp,....
- Phối hợp với các đơn vị trong Bệnh viện như khoa HSTC, Trung tâm Hô hấp, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thực hiện nhiều nghiên cứu về sử dụng thuốc trong bệnh viện đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc có nguy cơ cao.
- Liên kết với Trung tâm Thông tin thuốc và ADR quốc gia theo mô hình Viện – Trường trong việc triển khai công tác cảnh giác dược và Dược lâm sàng trong bệnh viện. Sự phối hợp đã đem lại những kết quả đáng kể.
- Tổ chức các lớp tập huấn trong Bệnh viện cho đối tượng là các bác sĩ, điều dưỡng về các chủ đề có ý nghĩa thực tiễn và có tính ứng dụng cao trong bệnh viện.
4.8. Hệ thống nhà thuốc bệnh viện:
- Hệ thống nhà thuốc liên tục phát triển về cả quy mô, doanh số, lãi suất cũng như khả năng phục vụ công tác khám chữa bệnh của bệnh viện. Đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời các loại thuốc với chất lượng và giá cả hợp lý, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh ngoại trú của bệnh viện, góp phần làm bình ổn giá thuốc trên địa bàn Thủ đô; Hệ thống nhà thuốc tạo ra phần kinh phí đáng kể góp phần bổ sung cho nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện và phúc lợi của cán bộ công chức toàn bệnh viện.
- Quản lý hoạt động của Nhà thuốc bệnh viện đúng các quy định hiện hành.
- Nhà thuốc thực hiện tốt quy chế chuyên môn, niêm yết giá bán lẻ theo đúng Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.
- Các nhà thuốc đã triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn theo GPP; đã ban hành và thực hiện 16 SOP trong Thực hành tốt nhà thuốc, có diện tích, đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự và hệ thống hồ sơ, sổ sách theo quy định, phù hợp với yêu cầu của nhà thuốc.
- Bệnh viện đã tổ chức nhà thuốc 24h phục vụ bệnh nhân 24/24 giờ. Các nhà thuốc bệnh viện đều được bố trí dược sĩ phụ trách chuyên môn làm công tác tư vấn sử dụng thuốc, theo dõi và phát hiện các bất thường trong kê đơn thuốc để trao đổi lại với bác sĩ.
- Nhà thuốc đã triển khai kết nối với phần mềm kê đơn của Bệnh viện để các bác sỹ kê đơn biết được số lượng thuốc còn tồn ở nhà thuốc.
- Thực hiên liên thông thông tin mua và bán thuốc của các nhà thuốc Bệnh viện với cấu trúc và thông tin dữ liệu đầy đủ đúng theo qui định vào hệ thống dữ liệu Dược Quốc gia đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (GPP).
- Thực hiện triển khai hóa đơn điện tử theo đúng quy định.
5. Một số ảnh hoạt động của đơn vị
Công tác Dược lâm sàng – Thông tin thuốc | Công tác Pha chế thuốc |
Công tác Dược chính, đấu thầu, cung ứng thuốc |
Công tác kiểm nhập, quản lý, sắp xếp, bảo quản và cấp phát thuốc |
Thống kê Dược |
Phòng cấp phát thuốc BHYT ngoại trú |
Phòng Hồ sơ nhà thuốc | Kho chính nhà thuốc |
Hệ thống Nhà thuốc Bệnh viện |