Chiến lược điều trị xuất huyết tiêu hóa trên và quản lý các yếu tố nguy cơ

Ngày đăng: 18/12/2020 13:59

Chiến lược điều trị xuất huyết tiêu hóa trên và quản lý các yếu tố nguy cơ

Ngọc Lan và cộng sự

Xuất huyết tiêu hóa trên cấp tính là một trong những cấp cứu thường gặp nhất của đường tiêu hóa và khoảng hơn 50% là do loét dạ dày tá tràng. Tỉ lệ xuất huyết tiêu hóa trên ở các  nước phương Tây khoảng 50 ca/100 000 dân mỗi năm, trong đó ước tính 20% là XHTH nặng đòi hỏi phải nhập viện và tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân này dao động từ 3-14%. Hầu hết  những trường hợp tử vong xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, thường có bệnh nặng  kèm theo hoặc xuất huyết tái phát. Những bệnh nhân xuất huyết tái phát có nguy cơ tử vong cao hơn một cách rõ rệt đồng thời chi phí điều trị do phải truyền máu, nội soi can thiệp, phẫu thuật tăng lên và thời gian nằm viện kéo dài.

       Tại buổi đào tạo chủ đề “Chiến lược điều trị xuất huyết tiêu hóa trên và quản lý các yếu tố nguy cơ” đã đi sâu và nhấn mạnh về chủ đề này nhằm hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới với làm quen với mặt bệnh và có những chẩn đoán và hướng điều trị chính xác và cập nhật hơn.

Chủ trì buổi đào tạo: PGS. TS. Vũ Văn Giáp

Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học.

        Bên cạnh đó PGS. TS. BS. Đặng Quốc Tuấn Phụ trách khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ với các bác sĩ chủ đề “Các yếu tố nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân nặng”. Bài chia sẻ bao gồm Đại cương và Sinh lý bệnh, nhận diện yếu tố nguy cơ và cuối cùng là Quản lý các yếu tố nguy cơ. Tiến sĩ đã nhấn mạnh 03 vấn đề chính bao gồm:

  • Điều trị dự phòng xuất huyết tiêu hóa ở các bệnh nhân nặng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ chảy máu, đặc biệt là nguy cơ chảy máu nặng.
  • Điều trị dự phòng có hiệu quả ở các BN có nguy cơ cao. Với các nhóm nguy cơ thấp, hiệu quả dự phòng có thể không rõ, ngược lại có thể xuất hiện những tác dụng không có lợi.
  • Việc đánh giá các yếu tố nguy cơ, phân tầng nguy cơ để quyết định việc chỉ định điều trị dự phòng là cần thiết.

 

 

 

 

 

Xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân nặng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị chung cuộc của bệnh nhân và tăng tỉ lệ tử vong

 

PGS. TS. BS. Đặng Quốc Tuấn

Phụ trách khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai

       Cuối cùng là bài chia sẻ của TS. BS. Vũ Trường Khanh, Giám đốc Trung tâm tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai với chủ đề “Tiếp cận bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên theo từng phân độ và chiến lược điều trị”. Tiến sĩ mong muốn qua buổi đào tạo này các bác sĩ có thể nắm rõ được các nội dung cần thiết trong điều trị xuất huyết tiêu hóa cao do loét dạ dày tá tràng bao gồm Hồi sức – truyền máu, Nội soi cầm máu, điều trị ổ loét và cuối cùng là dự phòng: chống kết tập tiểu cầu và chống đông. Đặc biết với trường hợp điều trị xuất huyết tiêu hóa cấp tính các bác sĩ phải tiến hành các bước sau:

  • Đảm bảo đường thở
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch: 2 đường ngoại vi
  • Đánh giá tình trạng mất máu
  • Đảm bảo khối lượng tuần hoàn

       Tại buổi đào tạo vấn đề về loét tiêu hóa do stress cũng đã được các chuyên gia đề cập đến và nhấn mạnh rằng đây là bệnh lý xuất hiện phổ biến đối với các bệnh nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân điều trị trong các đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) cũng như các đơn vị lâm sàng khác có điều trị các bệnh nhân nặng. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một số bệnh nhân ngay trong thời gian đầu nhập viện đã xuất hiện nguy cơ cao loét do stress. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân (76%-100%) được nội soi tiêu hóa trên đã có biểu hiện loét do stress sau khi nhập khoa ICU từ 1-2 ngày. Loét do stress là một trong những nguyên nhân gây gia tăng tình trạng nặng của người bệnh và cũng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ICU. Nhóm bệnh nhân xuất hiện loét liên quan đến stress với biến chứng chảy máu, tỷ lệ tử vong lên tới 50% và kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 4-8 ngày.

       Tại thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phần hướng dẫn chỉ định dự phòng loét, xuất huyết dạ dày tá tràng do stress ở bệnh nhân hồi sức tích cực và các bệnh nhân nặng. Tuy nhiên trong thực hành lâm sàng thường quy, các thầy thuốc gặp phải những khó khăn như lựa chọn thuốc và phân tầng nguy cơ để điều trị dự phòng đối với những bệnh nhân nặng ở tất cả các chuyên khoa. Vì vậy việc phối hợp chặt chẽ trong điều trị giữa các chuyên khoa Nội, Ngoại, HSCC và Chẩn đoán hình ảnh là vô cùng quan trọng 

 

Các tin khác