Danh sách này đã được soạn thảo kĩ lưỡng để hướng dẫn và thúc đẩy Nghiên cứu và Phát triển (R&D), và đó là một nỗ lực của WHO nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Danh sách này đặc biệt nhấn mạnh tới mối đe dọa của các vi khuẩn gram âm đa kháng kháng sinh. Những vi khuẩn này tìm các cách thức mới để kháng lại điều trị và có thể truyền vật liệu di truyền cho các vi khuẩn khác giúp chúng cũng có khả năng kháng thuốc.
Bác sĩ Marie-Paule Kieny, trợ lý Tổng giám đốc của Hệ thống và Đổi mới Y tế của WHO nói rằng: “Danh sách này là công cụ mới để đảm bảo việc Nghiên cứu và Phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của y tế công cộng”. “Vấn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, chúng ta càng gặp khó khăn trong lựa chọn điều trị. Nếu chúng ta để cho các tác động thị trường đơn thuần thì các loại thuốc kháng sinh mới mà chúng ta cần nhất sẽ không được phát triển đúng thời gian”.
Danh sách này được WHO chia làm 3 loại theo tính cấp thiết của nhu cầu sử dụng kháng sinh mới: mức độ ưu tiên nguy kịch, cao và trung bình. Nhóm quan trọng nhất bao gồm những vi khuẩn đa kháng trong các bệnh viện, các nhà hộ sinh, và những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt như thở máy hay đặt catheter mạch máu. Chúng bao gồmAcinetobacter, Pseudomonas, và các loại Enterobacteriaceae khác nhau (Klebsiella, E.coli, Serratia, và Proteus). Chúng có thể gây nên các tình trạng nhiễm trùng nặng và thường dẫn tới tử vong như nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi. Những vi khuẩn này trở nên kháng với đa số kháng sinh như carbapenems và cephalosporins thế hệ III, là những loại kháng sinh tốt nhất hiện nay để điều trị vi khuẩn đa kháng thuốc.
Tầng thứ hai và thứ ba trong danh sách – loại ưu tiên cao và trung bình – chứa những vi khuẩn gia tăng kháng thuốc khác mà gây ra các bệnh thông thường như lậu và ngộ độc thực phẩm do Salmonella.
Những chuyên gia sức khỏe của G20 sẽ có buổi họp mặt tại Berlin vào tuần này. Ông Hermann Gröhe, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức cho biết: “Chúng ta cần những kháng sinh hiệu quả cho hệ thống sức khỏe. Chúng ta phải chung tay góp sức ngày hôm nay để có một ngày mai khỏe mạnh hơn. Vì vậy, chúng tôi sẽ thảo luận và nhấn mạnh với G20 về cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh. Danh sách các mầm bệnh ưu tiên toàn cầu đầu tiên của WHO được coi là công cụ mới quan trọng để đảm bảo, hướng dẫn nghiên cứu và phát triển các kháng sinh mới.”
Danh sách này được đưa ra nhằm thúc đẩy chính phủ có các chính sách khuyến khích Nghiên cứu và Phát triển khoa học cơ bản và nâng cao được tài trợ bởi các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan tư nhân trong việc tìm kiếm, phát hiện kháng sinh mới. Nó sẽ cung cấp hướng dẫn cho những sáng kiến Nghiên cứu và Phát triển mới như sáng kiến WHO/Thuốc điều trị những bệnh lãng quên (DNDi), Hợp tác Toàn cầu Nghiên cứu và Phát triển kháng sinh, hứa hẹn phát triển không lợi nhuận những kháng sinh mới.
Sự kháng với điều trị truyền thống của bệnh lao đang phát triển trong những năm gần đây, nhưng vi khuẩn lao không nằm trong danh sách này vì đã có những chương trình riêng dành cho lao. Các vi khuẩn khác cũng không được liệt vào danh sách này, nhưstreptococcus A và B, chlamydia vì có mức độ đề kháng thấp với điều trị hiện nay và không có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng cho tới thời điểm này.
Danh sách này được phát triển trong sự hợp tác với Khoa Truyền nhiễm, Đại học Tübingen, Đức, sử dụng kỹ thuật phân tích quyết định đa tiêu chí được hiệu đính bởi một nhóm các chuyên gia quốc tế. Tiêu chí để lựa chọn mầm bệnh trong danh sách này là: Chúng gây tử vong thế nào; Việc điều trị trong bệnh viện có dài ngày không; Mức độ đề kháng với các kháng sinh hiện có thế nào nếu cộng đồng tiếp xúc với chúng; Khả năng truyền bệnh giữa động vật với nhau, từ động vật sang người, và từ người sang người có dễ dàng không; Có thể phòng ngừa chúng không (ví dụ: vệ sinh ăn uống và tiêm phòng vắc xin); Có bao nhiêu lựa chọn điều trị; Liệu kháng sinh mới trong chiến lược Nghiên cứu và Phát triển có điều trị được không.
“Kháng sinh mới với mục tiêu điều trị các mầm bệnh trong danh sách ưu tiên này sẽ giúp làm giảm tử vong do các nhiễm trùng kháng thuốc trên toàn thế giới” – giáo sư Evelina Tacconelli, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Đại học Tübingen, đồng thời cũng là người đóng góp chính trong phát triển danh sách này cho biết, “Chờ đợi lâu hơn sẽ tạo nên các vấn đề xa hơn trong sức khỏe cộng đồng và dần dần sẽ ảnh hưởng tới chăm sóc người bệnh.”
Có nhiều Nghiên cứu và Phát triển là quan trọng, song một mình nó không thể giải quyết vấn đề đề kháng kháng sinh. Vì vậy, cần phải phòng ngừa tốt hơn các nhiễm trùng, sử dụng hợp lý các thuốc kháng sinh hiện có ở người và động vật, cũng như các thuốc kháng sinh mới phát triển trong tương lai.
Danh sách mầm bệnh ưu tiên của WHO trong nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới
Ưu tiên 1: Nguy kịch
1. Acinetobacter baumannii, kháng carbapenem
2. Pseudomonas aeruginosa, kháng carbapenem
3. Enterobacteriaceae, kháng carbapenem, sinh ESBL
Ưu tiên: Cao
1. Enterococcus faecium, kháng vancomycin
2. Staphylococcus aureus, kháng methicillin, nhạy cảm trung bình với vancomycin (vancomycin-intermediate) và kháng vancomycin
3. Helicobacter pylori, kháng clarithromycin
4. Campylobacter spp., kháng fluoroquinolone
5. Salmonellae, kháng fluoroquinolone
6. Neisseria gonorrhoeae, kháng cephalosporin, kháng fluoroquinolone
Ưu tiên 3: Trung bình
1. Streptococcus pneumoniae, không nhạy với penicillin
2. Haemophilus influenzae, kháng ampicillin
3. Shigella spp., kháng fluoroquinolone
Theo bacsinoitru.vn