PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Ngày đăng: 12/5/2017 16:33

1. Đại cương

Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virus dengue gây nên với biểu hiện lâm sàng từ nhẹ có sốt đơn thuần đến sốt xuất huyết không sốc hay có sốc có thể tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh.

Bệnh có tính chất toàn cầu. Việt Nam là một trong các nước bệnh lưu hành nặng.

Virus dengue có 4 týp huyết thanh D1, D2, D3, D4.

2. Dịch tễ học

2.1. Tình hình dịch

-       Bệnh lưu hành ở vùng nhiệt đới, chủ yếu ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Bệnh thường gây dịch ở các vùng đô thị hoặc khu dân cư đông đúc, ngày nay dịch xuất hiện cả ở các vùng nông thôn.

-       Dịch SXH.D bùng nổ theo chu kỳ với khoảng cách trung bình từ 3 - 5 năm. Tại các tỉnh miền Bắc bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11, đỉnh cao vào tháng 7, 8, 9 và 10. Miền Nam và miền Trung, bệnh SXH.D xuất hiện quanh năm với tần số mắc nhiều hơn từ tháng 4 đến tháng 11.

-       Về tuổi mắc bệnh cũng có sự khác biệt giữa các miền. Miền Bắc tất cả lứa tuổi đều mắc bệnh, miền Nam lứa tuổi mắc bệnh phần lớn là trẻ em.

2.2. Trung gian truyền bệnh

Vật chủ trung gian truyền bệnh chính là muỗi Aedes aegypti, ngoài ra A. albopictus cũng có khả năng truyền bệnh. Muỗi cái hút máu truyền bệnh vào sáng sớm và chiều tối.

Con đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

3. Lâm sàng

3.1. Giai đoạn sốt

Sốt cao liên tục kéo dài từ 2 – 7 ngày.

Da xung huyết hay phát ban, đau đầu, đau mỏi khắp mình, nhức hố mắt,

Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ có thể có hành kinh sớm.

Cận lâm sàng: Hematocrit bình thường, tiểu cầu bình thường hay hơi giảm, Bạch cầu bình thường hay giảm nhẹ.

3.2. Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, gặp nhiều xung quanh ngày thứ 5 của bệnh.

Nhiệt độ có thể giảm nhanh, đôi khi vẫn còn sốt cao.

Các dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng vùng gan, nôn liên tục, có dấu hiệu ứ nước trên lâm sàng: bụng chướng, nề mí mắt, xuất huyết niêm mạc ( củng mạc mắt, chảy máu cam nhiều, hành kinh số lượng nhiều). Mệt mỏi nhiều hay li bì, đôi khi kích thích.

 Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến sốt xuất huyết dengue nặng với các biểu hiện sau:

-       Thoát huyết tương: Nề mi mắt và căng da, tràn dịch màng bụng, phổi. Hematocrit tăng cao, albumin máu giảm. Xuất hiện Sốc

-       Biểu hiện Sốc: Mạch nhanh nhỏ khó bắt, chi lạnh, nổi vân tím, thiểu niệu lượng nước tiểu <20ml/giờ. Huyết áp hạ hay kẹt

-       Biểu hiện xuất huyết: Người bệnh có xuất huyết trên da như chấm xuất huyết, mảng bầm tím, xuất huyết nơi tiêm truyền; xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chân răng, kinh nguyệt kéo dài số lượng nhiều;. Nặng xuất huyết nội tạng chảy máu tiêu hoá, chảy máu phổi hay xuất huyết não.

Các rối loạn khác: chức năng gan, suy hô hấp, rối loạn ý thức, rối loạn nhịp tim.

3.3. Giai đoạn hồi phục

Hết sốt, sau giai đoạn nguy hiểm từ 24 đến 48 giờ, Toàn trạng người bệnh tốt lên, thèm ăn, các triệu chứng tiêu hoá giảm, tiểu nhiều.

Hình ảnh chấm xuất huyết

4. Xét nghiệm

Xét nghiệm máu:

-            Tiểu cầu giảm từ ngày thứ 2 trở đi.

-            Hematocrit tăng , bạch cầu bình thường hay giảm nhẹ.

MAC- ELISA: Phát hiện tăng kháng thể kháng dengue đặc hiệu IgM. Hoặc tìm kháng nguyên NS1 từ ngày đầu đến ngày thứ 4 của bệnh.

5. Chẩn đoán

5.1. Sốt xuất huyết Dengue

Sốt cao đột ngột liên tục từ 2 – 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

-       Biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc.

-       Nhức đầu, buồn nôn, chán ăn.

-       Da xung huyết, phát ban.

-       Đau cơ khớp.

-       Cận lâm sàng: Hematocrit bình thường hay tăng. Số lượng tiểu cầu bình thường hay giảm. Bạch cầu bình thường.

5.2. Sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo: bao gồm các triệu chứng lâm sàng SXHD kèm theo các dấu hiệu sau:

-         Vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng, đau bụng vùng gan.

-         Gan to.

-         Nôn nhiều.

-         Xuất huyết niêm mạc, tiểu ít.

-         Hematocrit tăng cao hay tăng nhanh, số lượng tiểu cầu giảm nhanh.

5.3. Sốt xuất huyết dengue nặng

Là SXHD và có một hay nhiều biểu hiện sau:

-                   Sốc giảm thể tích do thoát huyết tương, hay có thoát dịch các màng gây khó thở.

-                   Xuất huyết nặng, có suy đa tạng.

6. Điều trị

6.1. Điều trị sốt xuất huyết Dengue

Hạ sốt: Chỉ can thiệp hạ sốt khi sốt quá cao và có nguy cơ gây co giật.

Các biện pháp hạ nhiệt vật lý: Để bệnh nhân ở buồng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, rộng, chườm mát.

Thuốc hạ nhiệt được dùng là: Paracetamol

                   Trẻ em dưới 1 tuổi          dùng 60 mg/lần

                   1 - 3 tuổi                        60 - 120 mg/lần

                   3 - 6 tuổi                        120 mg/lần

                   6 - 12 tuổi                       240 mg lần

Không sử dụng ASPIRIN hoặc SALYCILATE, analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

-       Uống vitamin C đơn thuần hoặc kết hợp với rutin (viên Rutin C).

-       Uống nhiều nước:

+  Thường dùng là oresol (NaCl 3,5g, bicarbonate Na 2,5g; KCL 1,5g và glucoza 20g đóng thành gói pha với 1 lít nước).

+  Nếu không có sẵn ORESOL có thể dùng nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh đường v.v.

Nếu bệnh nhân không uống được vì nôn nhiều, phải đưa đến các cơ sở y tế để bù dịch sớm bằng đường truyền tĩnh mạch..

6.2 Điều trị sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốc dengue

Nếu người bệnh có các biểu hiện sốt cao mệt lả, vã mồ hôi, lạnh chi, nôn nhiều, đau bụng vùng gan (Dưới sườn phải), chảy máu cam, hành kinh nhiều, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh. Người bệnh phải được nhập viện điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế

7. Phòng bệnh

Hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào phòng chống vectơ truyền bệnh. Các biện pháp bao gồm:

7.1. Vệ sinh môi trường

-       Nhằm giảm tới mức thấp nhất sự sinh sản và phát triển của muỗi.

-       Diệt muỗi-bọ gậy bằng các biện pháp sinh học hoặc hoá chất.

-       Phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, như dây treo quần áo, chỗ tối.

Thực hiện vệ sinh môi trường phòng chống muỗi

7.2. Bảo vệ cá nhân: tránh muỗi đốt

-       Dùng hương muỗi, bình xịt muỗi.

-       Sử dụng màn và rèm tẩm hoá chất diệt côn trùng.

-       Sử dụng quần áo chống muỗi.

BS. Giang - TDC

Các tin khác