Tham dự Hội thảo, về phía Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam có Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Về phía Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá có ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Về phía Bệnh viện Bạch Mai có PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện; PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp; Về phía báo cáo viên có BSCKII. Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - Là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở và ThS. Nguyễn Hữu Hoàng, Trung tâm Giáo dục Y học, Đại học Y dược, TP. HCM tham dự qua nền tảng Zoom cùng đông đảo tham dự viên là cán bộ y tế đang công tác trong chuyên ngành Hô hấp.
Phó giáo sư Vũ Văn Giáp phát biểu khai mạc chương trình, nhấn mạnh tác hại của việc hút thuốc lá
Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt nhấn mạnh tác hại của việc hút thuốc lá. Theo đó, Phó giáo sư Giáp cho biết: Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm. Tác hại lớn như vậy nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được bằng việc không hút thuốc lá.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá. Trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Với những con số đáng cảnh báo, những con số cho thấy hệ lụy của khói thuốc lá đang đánh vào giới trẻ, năm 2024, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã quyết định chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Đứng trên vai trò nhà lâm sàng hàng đầu của chuyên ngành hô hấp, bác sĩ Vũ Văn Giáp cho biết: Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe. Các nghiên cứu và trong y văn đã ghi rõ và mô tả các trường hợp tổn thương não do tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Có thể khẳng định rằng, thuốc lá và các chế phẩm mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đều gây nghiện như cocain, nicotine. Vì vậy, dù muộn còn hơn không, chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tổng đài 1800.6606 - tư vấn miễn phí các câu hỏi liên quan đến thuốc lá
Chung tay góp sức cùng các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện nay đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả như: thực hiện môi trường không khói thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet; tăng thuế thuốc lá; tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.
Bệnh viện Bạch Mai được Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối thực hiện hoạt động, hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế các tuyến về lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ năm 2015 đến nay, Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực thực hiện các hoạt động tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1800.6606, tư vấn chuyên sâu và tư vấn ngắn cho người bệnh, đào tạo, tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế tại 63 tỉnh/ thành phố, cùng nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện thuốc lá.
Nhân dịp này, Ban giám đốc Bệnh viện đã có buổi làm việc với Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Bệnh viện Bạch Mai trong việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo: Thay mặt Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tôi xin được chúc mừng Bệnh viện Bạch Mai vì những hoạt động và kết quả tuyệt vời của các bạn trong việc giúp người hút thuốc bỏ thuốc. Đường dây tư vấn cai thuốc lá miễn phí, các phòng khám cai thuốc lá và các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực về cai thuốc lá đều là những can thiệp rất hữu ích để đảm bảo rằng những người hút thuốc có thể nhận được sự giúp đỡ để bỏ hút thuốc khi họ cần.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội thảo, Tiến sỹ Angela Pratt khẳng định: Các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cực kỳ có hại cho sức khỏe. Những sản phẩm này có chứa các hóa chất độc hại gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và phổi. Trong ngắn hạn, chúng cũng có thể gây ra tổn thương phổi cấp nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những người là mục tiêu của ngành công nghiệp, các sản phẩm này có thể làm giảm nghiêm trọng sự phát triển não bộ. Không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại là đúng: các sản phẩm này đưa nicotin tới mọi người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - khiến họ bị lôi cuốn, bị nghiện nicotin. Vì vậy, cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả giới trẻ Việt Nam khỏi tác hại sức khỏe của các sản phẩm này là cấm hoàn toàn. “Chúng tôi hiểu rằng Quốc hội Việt Nam hiện đang xem xét một lệnh cấm đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chúng tôi kêu gọi các bác sĩ và điều dưỡng hãy góp thêm tiếng nói của mình để hỗ trợ thúc đẩy cho quá trình hành động này. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp hành động khẩn cấp để cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở Việt Nam - và qua đó, giúp mọi trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam có cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc", bà Angela Pratt kêu gọi./.
Diệu Hiền - Thành Dương