50 ngày chiến đấu ngoan cường với tử thần để giành giật sự sống cho em - Câu chuyện được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai trong Lễ tiễn người bệnh - nạn nhân cơn bão Yagi ra viện.
Tới dự về phía Bộ Y tế có Bộ trưởng Đào Hồng Lan và đoàn công tác. Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hương - Giám đốc Sở Y tế Lào Cai. Về phía Bệnh viện Bạch Mai có PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện, các đồng chí trong Ban Giám đốc, Ban chấp hành Đảng ủy, Lãnh đạo Bệnh viện và tập thể thầy thuốc, Y bác sĩ, nhân viên Y tế của Bệnh viện.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Giám đốc Đào Xuân Cơ và các Lãnh đạo chúc mừng cháu Thảo Ngọc và gia đình trong ngày được xuất viện
TẬP TRUNG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC NGAY NHỮNG GIỜ ĐẦU TIÊN
Rạng sáng ngày 10/9/2024, Cô bé Mông Hoàng Thảo Ngọc, 11 tuổi, người làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Tỉnh Lào Cai đang bình yên trong giấc ngủ như nhiều người dân cùng làng khác thì bất ngờ cơn lũ dữ - hoàn lưu cơn bão Yagi bất ngờ ập tới khiến gần 40 hộ dân bị vùi lấp. 1,6 triệu m2 bùn đất sạt lở với tốc độ kinh hoàng đã vùi lấp toàn bộ cung đường gần 4 km. Sau 1h đồng hồ, cô bé Thảo Ngọc được đội cứu hộ tìm thấy ở vị trí cách làng 1km, sinh mệnh bé thơ vật lộn trong lũ quét, bùn đất lúc ấy mong manh hơn bao giờ hết.
Qua 2 lần chuyển viện từ Bệnh viện huyện Bảo Yên đến Bệnh viện tỉnh Lào Cai (đã mở khí quản, thở máy), rạng sáng ngày 11/9/2024, bệnh nhi được chuyển tới Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hết sức nguy kịch: Hôn mê sâu, tụt huyết áp. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy có chấn thương sọ não, phù não lan tỏa. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển tới Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tích cực.
Ngày 12/9/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội chẩn toàn viện và PGS.TS Đào Xuân Cơ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt để tập trung cứu chữa nạn nhân với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn,suy đa phủ tạng, suy hô hấp nặng,tổn thương viêm phổi nặng (ARDS) do đuối nước và hít phải bùn đất chấn thương gan độ 3, gãy 1/3 xương đòn phải, theo dõi tụ máu dưới màng bán cầu não trái, phù não, theo dõi nhiễm khuẩn suy đa tạng. Các biện pháp chuyên sâu như lọc máu, thở máy, nội soi phế quản, kháng sinh đã được áp dụng ngay những giờ đầu tiên.
NHỮNG NGÀY DÀI KIÊN CƯỜNG, BỀN BỈ GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG BẰNG CÁC PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU NHẤT
Ngày 15/9/2024, TS.BS Đào Xuân Cơ đã kết nối, mời chuyên gia người Nhật - GS.TS Hashimoto, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Natinal Center For Global Health and Medicine, Tokyo, Nhật Bản trực tiếp tới bệnh viện hội chẩn cùng các y bác sĩ, chuyên gia. Vấn đề cam go lúc ấy là tình trạng viêm phổi của bệnh nhân rất trầm trọng do ứ nước và bùn đất. Suốt 04 ngày rửa lọc phổi, dịch từ phổi vẫn đục ngầu bùn cát. Các chuyên gia nhận định phải làm thêm các xét nghiệm về nấm, các vi khuẩn có trong cát, bùn đất mà bệnh nhân đã hít phải trong quá trình bị lũ cuốn và vùi lấp. Tất cả cùng bàn bạc đưa ra phác đồ tối ưu, đưa ra các giải pháp cứu chữa hai lá phổi và sự thương tổn nghiêm trọng của các cơ quan khác trong cơ thể yếu ớt của bệnh nhân nhi với nhận định là vô cùng khó khăn, tiên lượng rất mong manh, không mấy khả quan. Ngay trong ngày hôm đó, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan hai lần đến thăm cháu Thảo Ngọc trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Những ngày bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai là khoảng thời gian đầy căng thẳng, áp lực, kịch tính, nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng, cơ hội sống còn của bệnh nhân hết sức mong manh. Bệnh nhân liên tục được lọc máu, thở máy, thông khí nhân tạo, nội soi phế quản, dạ dày, đại tràng để lấy sạch đất đá, lấy dịch tìm vi khuẩn, xét nghiệm nấm, truyền kháng sinh, dinh dưỡng tĩnh mạch. Ngày 18/9 bệnh nhân dừng lọc máu, ngày 20/9 được rút ống nội khí quản, nhưng đến ngày 21/9/2024 lại tiếp tục phải đặt lại ống nội khí quản do sốt cao, tình trạng viêm phổi vẫn tiến triển rất nặng.
Ngày 24/9/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc và thăm bệnh nhân, bộ trưởng chỉ đạo bằng mọi giá tập trung mọi nguồn lực cứu chữa bệnh nhân. Tiếp đó, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội chẩn liên viện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhiệt Đới TƯ, Bệnh viện Nhi TƯ cùng các chuyên gia giàu kinh nghiệm đa chuyên khoa của Bệnh viện Bạch Mai.
Trong 2 tuần điều trị tối ưu bằng các các phương pháp tiên tiến nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân được theo dõi sát sao từng thông số cận lâm sàng, từng biểu hiện lâm sàng để có những phác đồ, chiến lược và xử trí phù hợp với diễn biến bệnh, trong đó có những phác đồ lần đầu thực hiện với bệnh nhân nhi. Từ ngày 25/9 đến ngày 29/9, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt.
Ngày 29/9, bệnh nhân nhi đã được cai thở máy và ngày 30/9 bệnh nhân đã cử động được tại giường trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ của tập thể Lãnh đạo, Y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Chị Hoàng Thị Dịp, mẹ của bệnh nhân đã chia sẻ cảm xúc trong khoảnh khắc đứng ở bên ngoài bệnh phòng nhìn qua ô cửa thấy con mình cử động: Các bác sĩ ơi, con em đã cử động được rồi, con chắc sống rồi. Và sau đó là nước mắt, là nhịp tim dồn dập như đập trở lại trong lồng ngực của người mẹ thắt lòng, thắt ruột ngóng tin con ngoài bệnh phòng ròng rã phấp phỏng...
Niềm vui của cháu Thảo Ngọc và mẹ cháu trong ngày được xuất viện, trở về với gia đình
SỨC SỐNG KỲ DIỆU VÀ KỲ TÍCH CỦA NGÀNH Y
Những ngày thu tháng 10 là chuỗi ngày các thầy thuốc, y bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực tập trung tiếp tục điều trị và phục hồi sức khỏe, phục hồi các chức năng cho bệnh nhân. Bệnh viện đã mời cả chuyên gia người Pháp hướng dẫn các bài tập luyện khoa học và hiệu quả cho bệnh nhân. Đến ngày 9 tháng 10, cô bé Mông Hoàng Thảo Ngọc đã đi lại được, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và biểu hiện lâm sàng cho thấy bệnh nhân đã phục hồi tốt. PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai xúc động chia sẻ: Chúng tôi có cảm giác như là người thân của gia đình mình thoát chết sau ngàn cân treo sợi tóc. Cháu bình phục rất tốt, vận động tốt, trí nhớ và giao tiếp tốt. Thật sự đây là một kỳ tích ngoạn mục chưa từng có, là cái kết vô cùng có hậu, là kết quả của trái tim, khối óc và ý chí của cả tập thể.
Như vậy sau 50 ngày với mọi nỗ lực về chuyên môn và tinh thần hết lòng vì người bệnh của các thầy thuốc y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, với sự quan tâm chỉ đạo hết sức sát sao của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế đến Lãnh đạo bệnh viện, sự phối hợp tham góp ý kiến hết sức quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, cô bé Làng Nủ đã có sự hồi sinh kỳ diệu từ những mong manh, tuyệt vọng nhất.
Để có được nguồn lực điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ngay từ đầu, cung cấp thông tin về thẻ bảo hiểm y tế vì người bệnh không có bất kỳ giấy tờ để có thể tra cứu được do đã bị bão lũ cuốn trôi hết. Tổng số tiền mà quỹ Bảo hiểm y tế chi trả gần 600 triệu đồng. Số tiền còn lại do Bệnh viện Bạch Mai và các nhà hảo tâm thông qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội giúp đỡ người bệnh và gia đình, trong đó có chi phí về sinh hoạt của gia đình trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Sức sống của em không chỉ mang niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, quê hương, các thầy thuốc mà còn khơi dậy niềm hy vọng cho một ngôi làng nơi biên cương đang dần chữa lành những nỗi đau thương xé lòng, để dần phục hồi sau bão lũ, thiên tai khủng khiếp. Cùng với những người sống sót, cô bé Mông Hoàng Thảo Ngọc sẽ lớn lên, tiếp tục học hành và là nhân chứng của một thời khốc liệt nhưng ấm áp tình người và quật cường ý chí, can trường vượt lên cái chết, nỗi đau để hồi sinh mãnh liệt.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh: Vấn đề điều trị cho một bệnh nhân tưởng chừng đơn giản, nhưng việc điều trị cho em bé Thảo Ngọc là một kỳ tích của Bệnh viện Bạch Mai và toàn ngành Y tế. Một tia hy vọng không từ bỏ, từ việc túc trực từng giờ từng phút đến mời cả các chuyên gia quốc tế - Điều này thể hiện tấm lòng, tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc Bạch Mai nói riêng và toàn ngành nói chung với sinh mạng người bệnh.
Thay mặt tập thể thầy thuốc, nhân viên y tế Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ đã chia sẻ trong niềm vui, nụ cười và nước mắt hạnh phúc ngày cô bé được ra viện: Đây là một kỳ tích trong chuyên môn và một kết thúc tốt đẹp của y đức và tinh thần thép người thầy thuốc Bạch Mai. Câu chuyện sẽ được ghi lại trong những trang khoa học như là một hiện tượng, một thành tựu đặc biệt mang ý nghĩa sâu sắc về chuyên môn và thái độ dấn thân dám nghĩ dám làm của một tập thể vững vàng. Những người thầy thuốc Bạch Mai được tôi luyện từ những năm bão lửa chiến tranh, những ngày chống dịch, luôn có mặt tại nơi bệnh nhân cần để lặng lẽ cống hiến, ươm mầm sự sống và nuôi dưỡng hy vọng mỗi ngày.
Trước khi chia tay tiễn hai mẹ con lên xe của Sở Y tế Lào Cai đưa về nhà, chúng tôi hỏi chuyện, bé Thảo Ngọc ngây thơ nói: “Sau này, cháu sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho cháu và cho mọi người”. Mẹ cháu, chị Hoàng Thị Dịp cho biết đưa con gái về làng Nủ tiếp tục học lớp 6 và việc đầu tiên sẽ thắp hương cho bà nội, cho cậu ruột và các bà con họ hàng đã mất trong bão lũ.
Sau bão tố và tuyệt vọng là câu chuyện thần kỳ đẹp như cổ tích của cháu bé làng Nủ và các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Chúc cho cô bé Thảo Ngọc và Làng Nủ sẽ vươn dậy đón những ngày tươi sáng nơi dải đất biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Bài: Thùy Dương/ Ảnh: Thành Dương