Trong 3 mục tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS; Việt Nam đã đạt được mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế và ổn định trước thời hạn, không có nguy cơ lây qua đường tình dục.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 20 năm công tác điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội.
Kể từ khi xuất hiện bệnh nhân HIV đầu tiên tại Việt Nam (tháng 2/1990), đến nay cả nước đã có trên 100.000 người tử vong do HIV/AIDS, trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống.
Đánh giá cao thành tựu đưa thuốc ARV vào điều trị HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Với những nỗ lực của Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, tính đến hết tháng 9/2019, Việt Nam đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 bệnh nhân, tăng hơn 270 lần so với năm 2005. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị bằng thuốc ARV. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút HIV trên các bệnh nhân trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả điều trị được duy trì cao. Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và gần 95% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện”.
Thành quả có ý nghĩa quan trọng khi các nghiên cứu đã chứng minh một người bệnh HIV uống thuốc kháng vi rút ARV hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính. Như vậy có thể thấy gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không truyền HIV qua quan hệ tình dục.
Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Kết quả trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương triển khai thực hiện mục tiêu 90-90-90 từ tháng 10/2014, nhằm hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế và ổn định. Đặc biệt, đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu thứ 3 là 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế và ổn định trước thời hạn.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu thứ nhất và mục tiêu thứ hai trong thời gian tới, vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua như: Vấn đề nhận thức của một bộ phận người dân về lợi ích, hiệu quả điều trị ARV còn hạn chế, tình trạng kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản chính trọng việc tiếp cận điều trị sớm; việc tiếp cận nhóm người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao còn gặp nhiều khó khăn; thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước còn nhỏ lẻ, khó khăn cho viêc cung ứng thuốc liên tục, nhất là đối với thuốc điều trị cho trẻ em. Đặc biệt hiện nay, nguồn ngân sách tài trợ quốc tế đang giảm nhanh trong khi việc chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế mới được triển khai, cần thêm thời gian để vận hành hoàn thiện. Do vậy việc đánh giá, nhìn nhận lại để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo tính bền vững của chương trình là rất cần thiết hướng tới đạt mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.