Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào điều trị cho bệnh nhân

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đều tiếp nhận hầu hết những bệnh nhân rất nặng. Tuy nhiên nhờ việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, cán bộ y tế trong khoa đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Y học lâm sàng đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Gia Bình- Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai.

PV: Xin TS cho biết thực trạng bệnh nhân đang điều trị tại  khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong 6 tháng đầu năm 2008?

TS. Nguyễn Gia Bình: Trong 6 tháng đầu năm 2008, tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 500 bệnh nhân được điều trị. Cũng giống như các khoa khác số lượng bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực  luôn ở tình trạng quá tải. Số giường bệnh luôn kín chỗ, vì vậy để tránh những  khó khăn cho việc chẩn đoán, khi điều trị chúng tôi  phải  hết sức khẩn trương hi vọng cứu sống được nhiều bệnh nhân. Khi sức khoẻ của người bệnh được cải thiện chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển bệnh nhân đến các khoa khác.

PV: Tại khoa hiện đang điều trị bệnh nhân mắc bệnh nào là chủ yếu? Tỉ lệ bệnh nhân điều trị khỏi hoàn toàn như thế nào thưa TS?

TS. Nguyễn Gia Bình: Tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh nhân thường được chuyển đến đều ở trong tình trạng bệnh rất nặng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của họ. Nếu như trước đây bệnh nhân được chuyển đến chủ yếu từ các khoa thuộc hệ nội khoa và truyền nhiễm thì hiện nay chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau chẳng hạn: nội  khoa  như: hô hấp, tim mạch, thận-tiết niệu, nội tiết, tiêu hóa, thần kinh, truyền nhiễm ... , ngoại  khoa như: chấn thương sọ não, đa chấn thương, sau phẫu thuật lớn ổ bụng, lồng ngực.... và sản khoa sốc do chảy máu, rối loạn đông cầm máu cấp, nhiễm trùng .... Tất cả bệnh nhân được chuyển đến đều rất nặng vì vậy tỉ lệ tử vong khoảng 15 %.

PV: Thưa TS, được biết bệnh nhân vào điều tại khoa Hồi sức tích cực thường rất nặng nên việc điều trị gặp khó khăn. Vậy, xin TS cho biết hiện nay Khoa đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nào để điều trị đạt hiệu quả?

TS. Nguyễn Gia Bình: Hiện nay trong khi điều trị cho bệnh nhân, việc áp dụng các kỹ thuật cao mới đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Chẳng hạn nhờ có các phương thức hô hấp nhân tạo xâm nhập và không xâm nhập,  các kỹ thuật lọc máu liên tục, gan nhân tạo, thay huyết tương... đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng. Kết quả là bệnh nhân viêm tụy cấp nặng tỉ lệ tử vong chỉ còn 50%. Những năm 2000-2003, đã giảm còn 27%, năm 2004-2006 và hiện nay khoảng 12% tương đương với các nước phát triển.  Đối với chúng tôi, khó khăn nhất là hồi sức cho các bệnh nhân bị suy đa tạng. Nếu như trước kia những bệnh nhân suy đa tạng có tỉ lệ tử vong gần như 100% thì hiện nay tỉ lệ đó đã giảm đáng kể... Cùng với sự phát triển của  khoa học kỹ thuật, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (Extra coporeal  membrane oxygenation-ECMO) để điều trị cho các trường hợp suy hô hấp nặng do cúm gia cầm, sốc tim nặng...

PV: Vậy, những khó khăn nào khoa Hồi sức tích cực đang gặp phải trong quá trình điều trị bệnh nhân nặng, thưa TS?

TS. Nguyễn Gia Bình:  Khi chúng tôi áp dụng những công nghệ , thành tựu mới của các nước tiên tiến vào nước ta đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng. Từ đó trình độ của cán bộ y tế cũng được nâng lên.  Tuy nhiên các công nghệ , kỹ thuật mới cũng đòi hỏi chi phí tăng lên, cho đến nay chính sách viện phí (giá viện phí, đối tượng chi trả ...) vẫn ít được sửa đổi. Hi vọng giá chính sách viện phí sẽ được sửa đổi và sớm được áp dụng thì các bệnh viện mới có thể triển khai các kỹ thuật khoa học trong điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất.

PV:  Xin TS chia sẻ một vài kinh nghiệm với cán bộ y tế cơ sở tại các khoa Điều trị tích cực?

TS. Nguyễn Gia Bình:  Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất tại các đơn vị Hồi sức tích cực,  ngoài phương tiện máy móc ra thì vấn đề con người cũng góp một phần không nhỏ trong quá trình điều trị.

Dưới đây là một số kinh nghiệm chúng tôi muốn chia sẻ với những cán bộ y tế cơ sở tại các khoa Hồi sức tích cực. Trước hết,  cần xây dựng mô hình làm việc theo nhóm (bác sỹ , điều dưỡng, hộ lý, sinh viên, kỹ thuật viên, dược lâm sàng ..) sau đó cán bộ y tế phải đoàn kết, thống nhất xây dựng các phác đồ điều trị có thể áp dụng tại đơn vị mình một cách có hiệu quả nhất. Quá trình này đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Thứ hai là áp dụng đầy đủ qui chế cấp cứu đã được Bộ y tế thông qua đầu năm 2008

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và cố gắng của mỗi cá nhân và tập thể, nhất định mỗi cán bộ y tế  sẽ đạt được thành tích tốt hơn và họ sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn TS. Nguyễn Gia Bình

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image