Bệnh viện Nội tiết T.Ư mới tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.M, (22 tuổi) bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Đây là bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên nhưng hiện nay đang dần trẻ hóa.
Một ca cấp cứu bệnh nhân tiểu đường
Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mỗi bữa chỉ ăn 1 bát cơm nhưng vẫn bị béo phì từ nhỏ đến giờ. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết người lớn cho biết đây là một trường hợp ít gặp tại bệnh viện khi bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 lúc tuổi còn rất trẻ. Bệnh nhân mắc bệnh là do thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài với những biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều.
Tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản, chất độc sẽ dẫn tới ĐTĐ type 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận.
ĐTĐ type 2 vốn thường gặp ở người lớn do liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, tăng huyết áp, lười vận động không tiêu hao năng lượng… Tuy nhiên hiện nay, ĐTĐ type 2 đang có xu hướng trẻ hóa. Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng tăng và biểu hiện tăng thấy rất rõ ở tuổi trưởng thành. Trẻ em chủ yếu mắc ĐTĐ type 1, còn một tỷ lệ nhỏ là type 2. Từ năm 2013 tới nay, con số ĐTĐ type 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở type 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì tỷ lệ mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh ĐTĐ sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi). Thậm chí, người bệnh dưới 13 tuổi mắc ĐTĐ là chuyện bình thường và khá phổ biến. Ngoài ra, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính.
Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ ĐTĐ type 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc ĐTĐ type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức. Hơn thế nữa, với trẻ, việc tạo lập một ý thức về bệnh không dễ.
Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do não trẻ em cần được cung cấp đường hằng định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả làm giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.
Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa nhưng đặc biệt là các bệnh ĐTĐ type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi mật, ung thư đường tiêu hóa… Ngoài ra béo phì đóng vai trò nhất định trong một số bệnh lý khác như đau lưng, viêm, thoái khớp, suy giảm khả năng tình dục, bệnh lý tâm thần.
Bệnh có thể phòng
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh béo phì và ĐTĐ, việc đầu tiên là cân đối nhu cầu năng lượng của cơ thể, nắm được mức năng lượng của các loại thức ăn cũng như vai trò của một số vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày và giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có tác dụng tốt hơn trong việc sử dụng thuốc điều trị bệnh ĐTĐ type 2. Chuyên gia nội tiết cho rằng, tuy bệnh ĐTĐ hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh bằng cách tuân thủ điều trị bằng thuốc, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ cùng tập luyện thể dục hợp lý, kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên.
Với trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hằng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.Trẻ em rất dễ bị tác động trước những quảng cáo về thức ăn vặt trên truyền hình, do đó cha mẹ phải quan tâm hướng dẫn con mình nên ăn những thức ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe.
Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa nhưng đặc biệt là các bệnh ĐTĐ type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi mật, ung thư đường tiêu hóa… Ngoài ra béo phì đóng vai trò nhất định trong một số bệnh lý khác như đau lưng, viêm, thoái khớp, suy giảm khả năng tình dục, bệnh lý tâm thần.
Nguồn: https://www.tienphong.vn