Gần 80% nam giới mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Tuyến tiền liệt (TTL) là cơ quan sinh dục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nam, testosterone. Kích thước TTL tăng dần từ lúc nam giới bước vào độ tuổi dậy thì. Bình thường TTL ở nam giới trưởng thành nặng khoảng 20g và ổn định đến năm 40 tuổi. Tuy nhiên tỉ lệ nam giới mắc bệnh phì đại lành tính TTL luôn rất cao khi họ bước qua tuổi trung niên. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số nam giới mắc bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt (TTL) ở tuổi 60 chiếm 59%, ở tuổi 70 chiếm 76,9%, trên 80 tuổi chiếm 90%.
Triệu chứng của phì đại lành tính TTL: đi tiểu khó, tiểu không hết, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu phải gắng sức, đi tiểu nhiều lần... Bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống , nhất là việc tiểu đêm khiến bệnh nhân không có giấc ngủ ngon.
Hiện nay, có một số kỹ thuật can thiệp để điều trị bệnh phì đại TTL như mổ nội soi để cắt bỏ một phần hay hoàn toàn khối u lành tính. Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân thường phải truyền máu, gây mê…. Sau phẫu thuật tùy theo từng tác giả nghiên cứu thấy có khoảng 10 – 20% bệnh nhân sau khi can thiệp xuất hiện hiện tượng tiểu không tự chủ; đặc biệt có tới 20-30% bệnh nhân mắc chứng xuất tinh ngược hoặc số ít làm mất khả năng cương dương. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống tình dụccủa người bệnh, đặc biệt ở những người vẫn có nhu cầu sinh con. Ngoài ra còn có một số phương pháp điều trị khác như đốt laser, sóng cao tần… đây là những phương pháp điều trị ít xâm lấn, cũng cho kết quả cao trong điều trị nhưng giá thành còn cao và vẫn có thể có các tai biến như đái không tự chủ, xuất tinh ngược…
95% bệnh nhân nút mạch điều trị phì đại tiền liệt tuyến thành công
Kế thừa những thành quả của y học hiện đại, tại Việt Nam, ngày 27/2/2014, TS. Nguyễn Xuân Hiền, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai và cộng sự đã triển khai thực hiện kỹ thuật này tại BVBM. Từ đóđến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục tiến hành cho 200 trường hợp, với tỷ lệ thành công về kỹ thuật đạt trên 95%, chưa gặp tai biến. Qua thực tiễn trên 200 ca lâm sàng cho thấy: kỹ thuật nút mạch điều trị phì đại lành tính TTL có khá nhiều ưu điểm: ít chảy máu, rút ngắn thời gian điều trị và nằm viện, không cần lưu ống thông bàng quang lâu, không ảnh hưởng đếnchức năng phóng tinh, không gây xuất tinh ngược và hẹp niệu đạo, không giới hạn về trọng lượng tiền liệt tuyến và đặc biệt có thể áp dụng được với một số bệnh nhân có chống chỉ định với ngoại khoa...
Chia sẻ về nguyên lý kỹ thuật, TS. Nguyễn Xuân Hiền cho biết: Tuyến tiền liệt được cấp máu từ động mạch tuyến tiền liệt hai bên. Gây tắc các nhánh của động mạch TTL sẽ làm cho mô tuyến hoại tử, co nhỏ lại, làm giảm hay mất các triệu chứng do tăng sản TTL gây ra. Những bệnh nhân phù hợp để thực hiện kỹ thuật này là: bệnh nhân tăng sản LTTTL (>25g) có triệu chứng mà không đáp ứng với điều trị nội khoa 3- 6 tháng; Chỉ số IPSS từ 19 điểm và có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống (QoL trên 3 điểm;3) và bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
Tuy vậy những bệnh nhân đang có bệnh lý nhiễm trùng nặng; suy gan, suy thận nặng; mắc các bệnh ưa chảy máu, đái tháo đường, có tiền sử dị ứng với các chế phẩm có Iốt, có tiền sử hen phế quản thì không thể áp dụng kỹ thuật nút mạch để điều trị bệnh phì đại TTL.
Đỗ Hằng/ Ảnh: Anh Minh