Ngày 22/01/2018, khoa Tiêu hóa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hữu A (sinh năm 1987, quê ở TP Nam Định, Nam Định) vào viện trong tình trạng thiếu máu nặng. Bệnh nhân được phát hiện khối u gan tình cờ trước đó 2 tháng tại 1 bệnh viện ở Đồng Nai nhưng vì chưa có chẩn đoán rõ ràng nên BN chưa được điều trị. Tại đây, kết quả siêu âm, chụp MSCT, chụp MRI ổ bụng cho thấy: gan phải có khối u lớn dạng dịch kích thước 23 x 17cm, tăng sinh mạch nhiều; Xét nghiệm máu: tỷ lệ tế bào hồng cầu 1,3T/l (giá trị bình thường 3,76 – 5,9 T/l); Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng có ổ loét hành tá tràng kích thước 0,8cm nhưng không có tình trạng chảy máu từ ổ loét. Vậy: nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu nặng trên bệnh nhân này do đâu, có phải từ khối u gan lớn đó?
Sau 8 giờ đồng hồ kíp mổ đã cắt bỏ thành công khối u gan nặng 5 kg với kích thước 25x20x15cm
Nhận định đây là một trường hợp bệnh phức tạp, khó và nặng. Một cuộc hội chẩn liên khoa Tiêu hóa – Chẩn đoán hình ảnh – Ngoại – Giải phẫu bệnh – Huyết học được tổ chức kịp thời. Ngày 09/02/2018, kết quả giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch trên mảnh sinh thiết gan cho chẩn đoán: u cơ mỡ mạch gan (Angiomyolipoma). Hội chẩn liên khoa lần 2 được diễn ra ngay sau đó đề thống nhất phương án điều trị. Vì khối u chiếm toàn bộ gan phải nên trước khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, ngày 06/3/2018, BN được chỉ định can thiệp nút gây tắc mạch làm phì đại gan trái bằng lipiodol và cồn tuyệt đối tại khoa Chẩn đoán hình ảnh.
1 tháng sau đó, các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Ngoại đã tính toán kỹ lưỡng thể tích gan cùng với sự phối hợp của Bác sỹ khoa huyết học dự trù các chế phẩm máu cho cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u gan khổng lồ. Ngày 05/4/2018, sau 8 giờ đồng hồ kíp mổ đã cắt bỏ thành công khối u gan nặng 5 kg với kích thước 25x20x15cm. Bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng và xuất viện sau đó 8 ngày.
U cơ mỡ mạch gan là khối u hiếm gặp ở gan bao gồm thành phần mạch máu, cơ trơn và mỡ. Đến nay chỉ khoảng 300 trường hợp được báo cáo trên thế giới. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng có thể nhầm lẫn tới 25-52% trường hợp. Nhuộm hóa mô miễn dịch tế bào u dương tính với HMB 45 (100% các trường hợp). Phẫu thuật là phương pháp điều trị được lựa chọn. Bệnh thường diễn biến lành tính nhưng cũng có một số trường hợp báo cáo tiến triển ác tính. Vì vậy, theo dõi sát quá trình tiến triển của bệnh sau phẫu thuật là rất cần thiết.
BVBM