Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn người nhà chăm sóc và tập luyện cho người bệnh sau đột quỵ tái hòa nhập cộng đồng

Trong khuôn khổ của chương trình AVANT  - chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo  - Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ với sự tài trợ và triển khai của EVER Neuro Pharma, ngày 26/05/2017 tại Trung tâm Phục hồi chức năng – Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra Chương trình tư vấn và hướng dẫn cho người nhà giúp phục hồi chức năng thần kinh cho người bệnh sau đột quỵ.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Những con số trên khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

PHCN 1

Qua khảo sát thực tế và đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ và trung niên hiện nay đang gia tăng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Số liệu tổng hợp từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc cho thấy: Trong ba năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7% - 2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi. Do đó, việc chăm sóc và tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh tái hòa nhập cộng đồng là một mắt xích quan trọng  trong liệu trình điều trị đối với người bệnh đột quỵ.

Tiếp nối chương trình “Điều trị đột quỵ cơ bản” do Tổ chức Đột quỵ Thế giới kết hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam từ năm 2008, chương trình AVANT Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ cũng được EVER Pharma tài trợ và tổ chức triển khai trong ba năm từ nay đến năm 2019. Mở đầu chương trình, một ekip các bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm PHCN – Bệnh viện Bạch Mai đã lên đường sang Áo tập huấn. Sau đó, một khoá đào tạo giảng viên đã được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối tháng 4 cho hơn 30 bác sĩ, kỹ thuật viên đến từ các bệnh viện, trung tâm PHCN tuyến đầu trên cả nước.

Tiếp theo đó, lúc 8h30 ngày 26/5/2017 vừa qua, lớp học đầu tiên dành cho người nhà bệnh nhân đã được tổ chức tại Trung tâm PHCN – Bệnh viện Bạch Mai. Chương trình đã thu hút được trên 30 người nhà người bệnh bị đột quỵ, PGS.TS. Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng – Bệnh viện Bạch Mai cùng các kỹ thuật viên của Trung tâm đã nói chuyện, tư vấn và hướng dẫn một số kỹ năng thực hành cụ thể. Các bài tập được minh họa sống động bởi các kỹ thuật viên vật lý trị liệu giàu kinh nghiệm theo tiến trình hồi phục của bệnh nhân đột quỵ, bắt đầu từ cách di chuyển bệnh nhân trên giường (di chuyển bị động) đến cách tập đi và tập leo cầu thang. Chương trình đã phát miễn phí cho mỗi thành viên tham gia: 01 cuốn tài liệu và 01 đĩa CD với những nội dung cơ bản giúp người nhà có thể hỗ trợ cho người bệnh vận động tại nhà, tập luyện hiệu quả để sớm trở về cuộc sống bình thường. 

 

PHCN 2

 

Dự kiến các lớp học cho người nhà bệnh nhân sẽ được EVER Pharma tổ chức hoàn toàn miễn phí mỗi tháng một lần luân phiên tại các bệnh viện lớn trên nước. Bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đăng ký tham dự bằng cách liên hệ với Trung tâm PHCN – Bệnh viện Bạch Mai: PGS. TS Lương Tuấn Khanh 0989 189 123 hoặc công ty EVER Pharma.

Với những kiến thức cơ bản và cụ thể sẽ giúp những cán bộ y tế hoặc những người thân trong gia đình có thể thực hiện các kỹ thuật này với đầy đủ các kỹ năng của kỹ thuật viên vận động trị liệu, hoạt động trị liệu hay chuyên viên âm ngữ giúp người bệnh được chăm sóc một cách toàn diện tại nhà. Từ đó nhằm giảm thiêu các biến chứng sau đột quỵ đồngt hời tăng cường khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, tiết kiệm chi phí phát sinh, giúp giảm gáng nặng cho gia đình và xã hội.

Bài: Lệ Thủy/Ảnh: Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image