Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Bác sĩ bật khóc cùng thân nhân bệnh nhi mắc sởi

“Trước mỗi cái chết đều đớn đau nhưng chứng kiến cái chết của một bệnh nhi chết vì suy hô hấp, đó là nỗi ám ảnh kinh khủng nhất... Nhiều lúc, chúng tôi đã bật khóc cùng với thân nhân các bé”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ
Bác sĩ “sốc” vì bệnh nhi tử vong do sởi
 
Năm nay, dịch sởi diễn biến bất thường với rất nhiều ca biến chứng sởi nặng phải nhập viện. Ở những ca đầu tiên, các bác sĩ “sốc”, đau đớn bởi trẻ tử vong quá nhanh chóng và đến sau này là nỗi đau nhân lên cùng với  sự khốc liệt của dịch bệnh.
 
“Trước mỗi cái chết đều đớn đau nhưng chứng kiến cái chết của một bệnh nhi chết vì suy hô hấp, đó là nỗi ám ảnh kinh khủng nhất. Bé như cố rít lên những hơi thở yếu ớt, những lồng ngực phập phồng, lõm sâu rồi dần lịm xuống… Nhìn thấy những khoảng khắc ấy, chỉ muốn làm điều gì đó để giúp bệnh nhi, nhưng hoàn toàn bất lực. Đó là một nỗi đau quặn thắt thật khó diễn tả thành lời. Nhiều lúc, chúng tôi đã bật khóc cùng với thân nhân các bé”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ.

Trung bình, cứ 5 ngày mỗi bác sĩ, điều dưỡng lại bước vào tua trực 24h. Ngày đó đồng nghĩa với việc nhận giao ca từ 4h30 chiều đến tận hết trưa hôm sau. Những ngày còn lại, 7h sáng các y bác sĩ đã phải có mặt tại bệnh viện và làm việc đến 5 - 6h chiều mới được về nhà. Vất vả, áp lực là vậy nhưng ai cũng hiểu chẳng thấm vào đâu với những đôi mắt trũng sâu, những gương mặt hằn trĩu nỗi hoang mang, lo lắng, đớn đau của người nhà bệnh nhi bị biến chứng do sởi.

Với điều dưỡng Cao Thị Hợp (khoa Nhi, BV Bạch Mai), gần 3 tuần qua cũng là khoảng thời gian nhiều áp lực nhất. Là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc các bệnh nhi viêm phổi nặng phải thở máy, hình ảnh những bệnh nhi thoi thóp, rút lõm vùng ngực qua từng hơi thở, những tiếng nức nở, xót xa khi con mình không qua khỏi... cứ ám ảnh, chập chờn cả trong giấc ngủ của cô điều dưỡng trẻ.

TS Dũng cho biết, mấy ngày hôm nay, các thầy thuốc của khoa đều cảm thấy nặng nề bởi chứng kiến quá nhiều những hoàn cảnh thương tâm. Không thương sao được, khi trong cùng một ngày, ở 2 đầu tâm sởi, em 4 tháng tuổi thở máy tại khoa Nhi Bạch Mai còn người chị song sinh tử vong tại BV Nhi vì biến chứng sởi. Không nghẹn lòng sao được khi chứng kiến tiếng khóc nức nở của gia đình bé V.G.B (7 tháng tuổi) khi bé đang nguy kịch còn anh ruột của bé vừa tử vong trước đó it ngày.

“Sáng nay vào khám cho các bé, mẹ bệnh nhi cứ nức nở. Chúng tôi cũng chỉ biết nỗ lực…”, TS Dũng không giấu nổi giọng nói trầm buồn như nghẹn lại.

ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai chia sẻ: “Với một người thầy thuốc, không gì buồn hơn, bất lực hơn là nhìn bệnh nhi mỗi ngày diễn biến nặng lên, nhìn thấy chết mà không cứu được. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết sức, còn nước còn tát, chỉ biết hi vọng và hi vọng… Buồn lắm vì đã nỗ lực, sự chăm sóc tốt nhất đã dành cho các bé, nhưng bệnh thì vẫn cứ diễn biến nặng lên để rồi có bé đã đã phải đầu hàng trong cuộc chiến sinh - tử đó. Cả người nhà nhà bệnh nhân, bác sĩ đều nghẹn đắng bởi những nỗi đau”.
  “Rạc cẳng” chạy theo bác sĩ

Quyết tâm lắm, chúng tôi mới tham gia cùng một buổi trực với các bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai). Chỉ ở lại viện được hơn 2 tiếng ngắn ngủi, chứng kiến cường độ làm việc của các bác sĩ cũng đủ khiến chúng tôi “tối mắt tối mũi”, chạy theo như muốn “rạc cẳng”.

Vừa tham gia buổi trực, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người mẹ trẻ ôm con sốt cao, phát ban đầy mình, khó thở vào cấp cứu với nguyên đôi chân trần. “Thấy con cứ ngớp lên khó thở, hai vợ chồng vơ vội cái ví, lao cuống ra đường gọi taxi, nhà cũng chẳng kịp khóa cửa. Vợ khóc từ khi trên đường, vì lo lắng con dính sởi”, bố bệnh nhi cho biết. Dù bác sĩ trực lập tức khám, động viên nhưng người mẹ trẻ quá lo lắng, không kìm được cảm xúc, bật khóc nức nở vì lo cho con. “Mẹ nào có con ốm phát ban khi vào viện đều như vậy, không giữ nổi bình tĩnh, bật khóc vì lo lắng. Khi thêm cái “trát” nhập viện thì họ còn lo lắng bội phần. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên, phần lớn trẻ diễn biến nhẹ, nhưng vì con có viêm phổi nên cần nhập viện điều trị, theo dõi”, bác sĩ điều trị cho biết.

“Chạy” theo một bác sĩ trực trong vòng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả của các bác sĩ. Đôi chân bác sĩ luôn trong tình trạng “đi nhanh hơn chạy”. Đang khám cho bệnh nhân thì có người nhà từ bệnh phòng lao ra hoảng hốt vì con sốt cao; rồi lại vào phòng kiểm tra chỉ số bệnh nhân thở máy, kiểm tra tình trạng bệnh nhân đang thở ôxy, kịp thời phát hiện nguy cơ suy hô hấp để vào thở máy đúng thời điểm. Đến 10h đêm, vừa ngồi xuống để ăn vội miếng cơm thì bác sĩ báo có bệnh nhi suy hô hấp, lại bỏ dở xuất cơm đã lạnh ngắt, lao ra xử lý, đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy…

“Một ca trực đến 3h sáng mới đổi ca. Dù mệt mỏi nhưng mình cố gắng được chút nào, chăm lo cho các cháu chu đáo hơn thì sẽ yên tâm hơn, cái tâm mình thanh thản hơn vì đã cố gắng đến mức tốt nhất cho các cháu. Vì thế, bác sĩ chúng tôi, chỉ khi vào phòng mới đổ người xuống giường đầy mệt mỏi, nhưng khi đã bước ra phòng làm việc, trước những bệnh nhân nặng, trước những ánh mắt trũng sâu vì lo lắng của người nhà bệnh nhân, chúng tôi không cho phép mình mệt mỏi, mà phải cố gắng để chăm sóc bệnh nhân tốt nhất”, BS Nam bày tỏ.

Dù khoa Nhi BV Bạch Mai đã tăng cường 2 bác sĩ nội trú, 7 điều dưỡng trực đêm, nhưng khối lượng công việc mà các bác sĩ, điều dưỡng phải gánh trong thời điểm này gấp 3 - 4 ngày thường. Kíp trực nhận ca từ 4h30 chiều, làm việc đến 3h sáng mới thay ca rồi ngày hôm sau lại bắt đầu làm việc như bình thường. Ngay trong đợt nghỉ Lễ này, khoa cũng không được nghỉ như thường kỳ mà chia ca đi làm đều đặn.
“Các bác sĩ của chúng tôi, ai cũng bị sụt cân vì đợt sởi này bởi cường độ làm việc quá căng thẳng. 5 bác sĩ trực một đêm, như hôm nay, chăm sóc trên 100 bệnh nhân nội trú, trong đó có tới 68 ca nhiễm sởi, 11 trường hợp trong tình trạng nặng, 6 ca thở máy. Chỉ với những bệnh nhân nặng này đã đủ quay cuồng, chưa kể lượng bệnh nhân đến khám trong đêm cũng lên đến con số vài chục, thậm chí cả trăm trong những ngày cao điểm. Có những hôm 10h tối anh em mới được ăn vội vài miếng cơm, đang ăn có bệnh nhân cấp cứu lại nhào ra khám chữa cho người bệnh. Thực sự, các bác sĩ đang cống hiến đến 300 - 400% sức lực so với ngày thường. Tôi cũng chỉ biết động viên các trò, các bác sĩ hãy cố gắng”, TS Dũng cho biết.

PGS.TS Phạm Nhật Anh, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cũng chia sẻ, nhìn thấy cường độ làm việc của bác sĩ mà thương. Không vì lòng yêu nghề, không vì thương người bệnh thì lấy đâu động lực, sức khỏe, tinh thần để vượt qua những áp lực ấy.

“Bình thường đi làm về mệt mỏi là lăn ra giường ngủ. Nhưng đợt này, với bao mệt mỏi, áp lực và những nỗi buồn, hình ảnh bệnh nhân cứ ám ảnh trong đầu khiến mình không sao ngủ được. Buổi sáng đến viện, thấy bệnh nhân ổn hơn như có một động lực giúp mình khỏe khoắn hơn để làm việc. Thấy bệnh nhân xấu đi, nhói đau trong tim nhưng cũng không cho phép mình gục ngã để chăm sóc bệnh nhân, động viên cha mẹ các bé”, điều dưỡng Cao Thị Hợp cho biết.

“Nhiều cháu bị nặng, diễn biến khó lường và ra đi rất nhanh... khiến người thầy thuốc luôn có tâm lý căng thẳng, cảm thấy bất lực, xót xa. Nhưng tôi nói với các em, mình đã làm hết sức, cái tâm mình thanh thản để tiếp tục nỗ lực cứu chữa những bệnh nhân khác. Người nhà bệnh nhân cũng cảm nhận được sự tận tụy, cố gắng hết mình của các bác sĩ. Bên cạnh nỗi đau quặn thắt thương xót bệnh nhi không thể qua khỏi, chúng tôi cũng có thêm động lực khi nhiều bệnh nhi tưởng như thập tử nhất sinh đã được cứu chữa. Đó là niềm tin, là động lực, là hi vọng không chỉ với những người thầy thuốc, mà với chính những thân nhân người bệnh đang chăm sóc các bé ở bệnh viện”, TS Dũng chia sẻ.

Theo Dân trí 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image