PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng người nghiện rượu hoàn toàn có thể bỏ được rượu, nhưng cần có quyết tâm cao.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 xử phạt rất nghiêm với người vi phạm nồng độ cồn. Có thể nói, quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã và vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Một tín hiệu đáng mừng theo như báo chí phản ánh, số ca tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia phải nhập viện cấp cứu giảm hẳn, hình ảnh các quán nhậu vắng khách cũng cho thấy luật Phòng, chống tác hại rượu bia đang triển khai từng bước có hiệu quả.
Tuy nhiên, trước nghị định 100, không ít người thường xuyên sử dụng rượu bia, nhất là ở vùng cao lo ngại về việc cai nghiện rượu bia. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra là cai rượu bia có gây nguy hiểm, có khó khăn và phải làm thế nào để từ bỏ rượu?
Từ những câu hỏi đó, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
“Với những người nghiện rượu, không được bỏ rượu đột ngột, nhất là với người nghiện nặng hàng ngày uống từ 300 – 500ml trở lên. Đối với những người này, khi bỏ rượu đột ngột sẽ có hội chứng ngừng rượu cấp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây cơn sảng, cơn giật và có thể hại người khác”, PGS. TS Phạm Duệ cho hay.
Theo PGS. TS Phạm Duệ người nghiện rượu muốn bỏ rượu thì phải cai, phải giảm dần số lượng rượu uống, khi cai mất vài ba tuần hoặc cả tháng. Những người muốn cai rượu phải tự mình quyết tâm mới bỏ được, còn nếu bỏ rượu nhanh trong vòng 1 tuần hay 2 tuần thì người nghiện nặng phải vào viện điều trị.
PGS. TS Phạm Duệ cho hay: “Những người uống dưới 300ml có thể tự bỏ rượu được, nhưng từ 300ml trở lên phải có sự hỗ của bác sĩ, y tế. Còn bỏ đột ngột lên cơn sảng rượu không những nguy hiểm cho mình mà còn cho những người xung quanh, bởi nó gây ra ảo giác tâm thần, không đến mức như ma tuý đá nhưng cũng là chất gây kích thích”.