Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bánh kẹo chứa cần sa: Bộ Công an vào cuộc

Các loại bánh kẹo được quảng cáo chứa cần sa cũng gây nghiện và không loại trừ khả năng chúng chứa một loại ma túy khác nguy hiểm hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-12, Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an, cho biết các thông tin phản ánh tình trạng quảng cáo bán chocolate, kẹo mút, bánh bích quy chứa cần sa trên mạng xã hội ở TP Hà Nội là có căn cứ.

Thêm nhiều chất gây nghiện mới

Theo ông Các, chất ma túy được phát triển hằng ngày, hằng giờ, đòi hỏi cơ quan chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Y tế phối hợp giám định và có giải pháp xử lý.

Chỉ trong năm 2019, Cục C04 đã phát hiện 5 loại chất gây nghiện mới, đề xuất đưa vào danh mục cấm của Chính phủ. "Bộ Công an đang phối hợp Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ thông tin bánh kẹo có chứa cần sa rao bán trên mạng xã hội. Khi có kết quả, đơn vị sẽ thông tin đến báo chí" - Trung tướng Phạm Văn Các cho hay.

Còn theo Viện Nghiên cứu người sử dụng ma túy, trong số bánh chứa cần sa trên thị trường, có loại tên "bánh lười". Bánh này theo chân du học sinh vào Việt Nam. Theo quảng cáo, bánh có vị chocolate và nho khô, tẩm cần sa, có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ... cười. Công an TP Hà Nội từng bắt giữ một nhóm chuyên sản xuất loại bánh này.

Bánh kẹo chứa cần sa: Bộ Công an vào cuộc - Ảnh 1.
Bánh kẹo chứa cần sa: Bộ Công an vào cuộc - Ảnh 2.

Nhiều loại bánh kẹo được giới thiệu có chứa chất cần sa được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh lấy từ Facebook)

Nguy hại cho sức khỏe

Nhận định về các sản phẩm cần sa biến tướng trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cần sa là ma túy, dù được chế biến dưới dạng nào thì vẫn là chất cấm và gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Đặc điểm chung của các loại ma túy là gây nghiện, buộc người dùng phải tăng dần liều lượng sử dụng. Do đó, dù các sản phẩm này chỉ chứa một lượng rất nhỏ cần sa thì cũng gây hiệu ứng "lũy tiến" như bất kỳ sản phẩm ma túy nào khác.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia đã từng tiếp nhận rất nhiều ca bệnh liên quan đến ma túy, bác sĩ Nguyên lo ngại: "Không loại trừ trường hợp các loại bánh kẹo được quảng cáo chứa cần sa nhưng lại không có cần sa mà thay bằng một loại ma túy khác nguy hiểm hơn, cùng với đó là hàng loạt chất độc hại được thêm vào. Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như vậy, thậm chí có trường hợp mới thử lần đầu tiên. Hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch như: vật vã, kích động, co giật, rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim".

Cũng theo bác sĩ Nguyên, một số ít nước hiện nay cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế dưới dạng chế phẩm. Tuy nhiên, được sử dụng trong y tế không đồng nghĩa là sử dụng cần sa một cách tự do, phục vụ cho mục đích giải trí là hợp pháp. Ở các nước cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến chỉ định sử dụng, chứ không có chuyện cần sa được phép mua bán, sử dụng tràn lan bên ngoài. 

Chưa thấy xuất hiện ở TP HCM

Sau thông tin bánh kẹo có chứa cần sa xuất hiện ở TP Hà Nội, ngày 21-12, phóng viên đã tìm đến các chợ lẻ cũng như chợ đầu mối phân phối bánh kẹo ở TP HCM để tìm hiểu nhưng chưa phát hiện mặt hàng này. Bà Mười, chủ một tiệm bánh kẹo ở chợ Bình Tây (quận 6), cho rằng nghe đồn bánh kẹo chứa cần sa nhưng chưa thấy tại chợ.

Cục QLTT TP HCM cho biết sẽ lưu ý thông tin xuất hiện bánh kẹo có chứa cần sa và đưa vào kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo cơ quan này, các loại bánh kẹo độc hại bày bán trên các trang mạng hiện nay rất khó kiểm tra, xử lý; cần sự kết hợp từ nhiều cơ quan chức năng.

 

Nguồn: https://nld.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image