Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bất ngờ với kỹ thuật “tuyến T.Ư” lại thực hiện ở BV tuyến huyện

Hiện nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện tự tin can thiệp thành công. Đó là kết quả của đề án bệnh viện vệ tinh.
Keyword đầu tiên có dấu
Các bác sĩ BV ĐK Mộc Châu làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong phẫu thuật

Bệnh viện tuyến huyện thực hiện nhiều kỹ thuật khó

Cách đây không lâu, BV ĐK huyện Mộc Châu tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 76 tuổi có dấu hiệu đau đầu, nói ngọng, yếu tứ chi trên nền tiền sử điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy có hình ảnh tụ máu dưới màng cứng chèn ép các tổ chức xung quanh. Rất nhanh chóng, bệnh nhân được thăm khám, hội chẩn toàn viện mổ cấp cứu, để giải phóng chèn ép não, lấy máu tụ và cầm máu. “Đây là cuộc phẫu thuật lớn có rất nhiều nguy cơ, nếu không kịp thời phẫu thuật thì nguy cơ cao người bệnh tử vong”, Ths.Bs Vũ Giang An, chuyên khoa sâu về Thần kinh - Sọ não của BVĐK Mộc Châu nhận định. Ở thời điểm này, việc chuyển bệnh nhân lên BVĐK tỉnh Sơn La (cách đó 120km), hay đưa về bệnh viện tại Hà Nội (cách 190km) là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ca mổ sau đó đã thành công tốt đẹp.

Sau đó ít ngày, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình BVĐK Mộc Châu cũng tiếp nhận bệnh nhân L.H.H, 28 tuổi chấn thương trượt đốt sống cổ chèn ép thần kinh. Sau khi tiếp nhận thăm khám, xét nghiệm, bệnh viện mời hội chẩn liên viện với BV Đại học Y Hà Nội, dưới sự hỗ trợ chuyên môn trực tiếp của TS. Bs Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội. Sau giờ hội chẩn chuyên môn, Ts.Bs Nguyễn Vũ nhanh chóng có mặt tại BVĐK Mộc Châu, phối hợp cùng ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức tiến hành ca phẫu thuật. Sau 10 tiếng phẫu thuật khẩn trương, bệnh nhân được mổ giải phóng chèn ép thần kinh, làm vững cột sống, cố định bằng dụng cụ thật vững chắc.

Còn tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao như nội soi Tai mũi họng; nội soi dạ dày - tá tràng; phẫu thuật kết hợp xương; phẫu thuật tổn thương bàn tay phức tạp; mổ cắt u bao gân, nối gân gấp, gân duỗi; mổ lấy thai; tiêm khớp ngoại vi, vận động phục hồi chức năng...

Trong đó, bước tiến rõ rệt nhất là từng bước thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện E, Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân viêm ruột thừa, viêm phúc mạc ruột thừa, u nang buồng trứng, viêm túi mật mạn tính... Việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới đã giảm chi phí đi lại cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi ngày TTYT Tam Đường tiếp đón khoảng trên 100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, điều trị nội trú trung bình 200 bệnh nhân.

Có thể nói để làm được những kỹ thuật này đó là nhờ các cơ sở y tế tuyến huyện tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều kíp cán bộ được cử đi đào tạo các kỹ thuật chuyên khoa tại các BV hạt nhân như BV ĐH Y Hà Nội, BV E, BV Việt Đức, Bạch Mai…

Lan tỏa kỹ thuật mới xuống tuyến xã

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, BVĐK Mộc Châu cử 2 bác sỹ luân phiên hỗ trợ chuyên môn tại 2 Trạm Y tế xã Quy Hướng và Mường Sang. Đây là 2 xã chưa có bác sỹ, đặc biệt xã Quy Hướng cách trung tâm huyện 50km, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ dân trí thấp. Việc đưa bác sĩ trẻ có tay nghề cao về hỗ trợ chuyên môn tại các vùng khó khăn nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở, nâng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương, đồng thời góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

BS Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV Mộc Châu, chia sẻ xuất phát từ thực tế là trước đây ở các trạm y tế, bác sĩ chỉ lo công tác phòng, chống dịch mà thiếu bác sĩ khám chữa bệnh cho dân, cộng thêm đặc thù địa hình chia cắt, việc di chuyển bệnh nhân lên BV huyện rất mất thời gian, đôi khi vô tình làm mất đi cơ hội của bệnh nhân được tiếp xúc sớm với các dịch vụ y tế cần thiết. Bởi vậy, việc cải thiện chất lượng trạm y tế, đẩy mạnh nhân lực y bác sĩ về tuyến dưới để tạo niềm tin cho người dân cũng là giúp giảm tải tuyến trên một cách hiệu quả.

Còn theo lãnh đạo TTYT huyện Tam Đường, ngoài việc tiếp nhận những kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao đảm bảo hiệu quả, đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và luân phiên cử các y bác sĩ xuống các trạm y tế để hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế xã theo Đề án 1816, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay ở cơ sở, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image