Sau bỏng nước sôi, thay vì đưa cháu đến viện, ông bà của bé trai 4 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) đã tự lấy các loại lá được cho là chữa bỏng trong dân gian đắp lên vết thương. Tuy nhiên, sau 9 ngày đắp lá, bé bị sốt cao, tái nhợt. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm loét, hoại tử trầm trọng vùng bỏng được đắp lá.
Ngày 23/11, BSCKI Đỗ Hữu Nghị, Khoa Cấp cứu (BV Đa khoa Hà Đông) cho biết một bé trai 4 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao, hoại tử vùng da bị bỏng nghiêm trọng.
Bệnh nhi tổn thương da nặng nề do đắp lá chữa bỏng.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó 9 ngày, bé bị bỏng nước sôi, trợt da. Do bố mẹ bé đi làm ăn xa, ông bà đã không đưa cháu tới viện mà lấy đủ các loại lá giã, đắp lên vết thương.
Sau 9 ngày đắp lá, đêm 22/11, thấy cháu đi ngoài phân đen, da tái nhợt, sốt cao, gia đình vội đưa vào BV Đa khoa Hà Đông cấp cứu.
BS Nghị cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương từ lưng xuống cẳng chân phải bị viêm loét, có dấu hiệu hoại tử. Sau khi hạ sốt, truyền dịch, trẻ đã chuyển tiếp lên cơ sở chuyên khoa bỏng.
Theo Đại tá PGS. TS. Nguyễn Viết Lượng - Phó Chính ủy Học viện Quân Y, khi còn làm chuyên môn, bác sĩ gặp nhiều trường hợp di chứng bỏng nặng nề do dùng mẹo, bôi đủ thứ “tả phí lù” lên vết bỏng, từ hoa lá (hoa mười giờ, cây lá bỏng) đến kem đánh răng, mỡ trăn, nhựa chuối, bùn ao, vôi bột, có trường hợp xát cả muối hột vào vết bỏng….
Ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh còn có “mẹo” chữa bỏng khủng khiếp là bôi, ngâm vùng bỏng vào nước mắm, nước muối cà pháo. Đã từng có bệnh nhi 4 tuổi bị ngâm vào nước muối cà ngay sau khi bỏng nước sôi để rồi tử vong do sốc khi đưa đến Viện Bỏng Quốc gia.
“Thực tế, Viện Bỏng Quốc gia cũng đã làm nhiều nghiên cứu về các loại lá chữa bỏng dân gian, các bài thuốc của thầy lang và kết quả đều cho thấy không có tác dụng chữa bỏng. Những trường hợp đắp lá bỏng, hay bôi các loại mỡ trăn, kem đánh răng... khỏi thì đơn giản là do vết bỏng nông, bỏng nhẹ. Tức là dù không được chữa trị, không đắp hay bôi bất cứ thứ gì cũng tự khỏi sau vài ngày. Còn nếu bỏng sâu thì bắt buộc phải dùng thuốc, phẫu thuật…”, TS Lượng khẳng định.
Bởi khi bị bỏng sâu, bỏng rộng, nguy cơ biến chứng sốc bỏng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy thận cấp, chảy máu tiêu hóa, suy nhiều tạng do bỏng...rất cao.
Vì thế, khi không may bị bỏng, việc quan trọng nhất là nhanh chóng hạ nhiệt vùng da bị bỏng bằng cách ngâm trong nước sạch, để dưới vòi nước chảy.
Nguồn Dantri.com.vn