Khi ăn chả cá viên không may bị nghẹn, cậu bé 7 tuổi vội uống sữa cho miếng chả cá trôi xuống. Không ngờ cậu bé ho sặc sụa vì sặc, dị vật lọt vào đường thở khiến bệnh nhân nhanh chóng bị ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
Tai nạn hóc chả cá viên xảy ra với cậu bé 7 tuổi (Hưng Yên) khi đang ở trường học. Trong giờ ra chơi, cậu bé ra ngoài lớp ăn chả cá. Tai nạn xảy ra rất nhanh gây ngừng thở, ngừng tuần hoàn khiến cậu bé ngã vật ra. Ngay khi phát hiện trẻ bị ngã, các cô giáo đã nhanh chóng thực hiện thủ thuật Heimlich đẩy dị vật ra, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu. Bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.
Theo bác sĩ, có thể trẻ ăn trong lúc vội vàng, nhai nhồm nhoàm nên bị nghẹn. Sau khi nghẹn, bé lại vội uống sữa nên bị sặc, dị vật vô tình lọt vào đường thở. Các cô giáo đã thực hiện thủ thuật Heimlich khá tốt, dù vậy hiện trẻ vẫn hôn mê, phải thở máy.
Trước đó, năm 2008, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM từng cấp cứu một bé trai 8 tuổi bị hóc miếng bò viên chiên dạng xâu. Trẻ ăn nhanh nên bị sặc sau đó gia đình thấy con ngã, người tím tái. Bác sĩ phát hiện trong khí quản của trẻ có một mảnh bò viên to bằng ngón tay. Do nằm chắn đường thở, khối dị vật này đã khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng tím tái toàn thân, mạch và huyết áp không đo được.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trẻ hóc dị vật rất đa dạng từ các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dưỡng, hạt nhãn, hạt vải… cho đến thực phẩm như thạch, trân châu, bột… Một số trường hợp trẻ hóc vật dụng, đồ chơi…
"Hóc dị vật là một tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi dị vật lọt vào đường thở, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức vì khi trẻ bị ngừng tuần hoàn, oxy không còn lên não có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng", PGS Dũng cho biết.
Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa các dị vật đường thở, cha mẹ cần tránh để tiếp xúc với đồ chơi như kim băng, cúc áo, viên bi, đinh ghim… Không chơi đùa hay quát mắng trẻ, trẻ khóc, doạ trẻ khi ăn.
Đồng thời luôn căn dặn trẻ nhai kỹ, nhai chậm, không vừa ăn vừa nô đùa. Khi ăn các loại quả như nhãn, vải, chôm chôm, nho… cần hết sức chú ý để không bị hóc hạt. Ngoài ra cần đặc biệt lưu ý khi ăn các loại thạch rất dễ bị hóc.
Thủ thuật Heimlich cấp cứu trẻ bị hóc dị vật
PGS Dũng cho biết, từng có trẻ chết ngay trước mặt người thân vì không biết cách sơ cứu kịp thời. Vì thế, người lớn cũng cần biết thủ thuật Heimlich để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở trẻ.
Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành để đẩy dị vật ra ngoài. Cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo...
PGS Dũng nhấn mạnh, nếu trẻ không may bị sặc, hóc người lớn cần ngay lập tức làm thủ thuật Heimlich tại chỗ xảy ra tai nạn. Với những trẻ nhỏ đang ăn bột hay hoa quả bị hóc, nghẹn thì cần để trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Thao tác này giúp tác động mạnh vào lưng gây ho để bật dị vật ra. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên.
Chuyên gia cũng lưu ý cha mẹ tuyệt đối không vuốt xuôi vì làm thế có thể khiến dị vật chui sâu vào phổi, càng nguy hiểm hơn. Đồng thời cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Bên cạnh đó, nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé vì cách làm này có thể khiến dị vật càng mắc sâu hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn