Chương trình gồm 3 nội dung:
- Tư vấn chuyên môn: TS. BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo đã dành 30 phút để tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, chính sách Bảo hiểm y tế đối với các bệnh nhân lọc máu chu kỳ thông qua các câu hỏi của bệnh nhân;
- Trao tặng quà: Đại diện nhóm Sen Xanh trao 46 phần quà cho bệnh nhân đang lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo, tổng trị giá 13.800.000đ, và 3 phần quà trị giá 1.500.000đ cho 03 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi;
- Hoạt động Yoga cười: Tình nguyên viên Phạm Quốc Vinh nhân viên Khoa Dược đã dành 15 phút để hướng dẫn cho bệnh nhân thực hành và luyện tập các động tác cơ bản của Yoga cười.
Trong chương trình câu lạc bộ kỳ này, người bệnh được TS.BS Nguyễn Hữu Dũng giải đáp một số vấn đề thường thức nhưng rất hữu ích cho người bệnh đang lọc máu, bao gồm:
- Chuột rút hay vọp bẻ là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ do 2 nguyên nhân chính là thiếu oxy đến cơ và thiếu nước, muối ăn (Na+). Ngoài ra còn có thể do rối loạn điện giải như Ca++, K+, Mg+. Người khỏe mạnh bị chuột rút do hoạt động với cường độ cao, mất nước do ra nhiều mồ hôi hoặc do lạnh, do nằm hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu… Chuột rút rất hay gặp ở bệnh nhân thận nhân tạo, đặc biệt là trong buổi lọc máu, ngoài buổi lọc cũng gặp song ít hơn.
- Trong buổi lọc máu, nhiều nguyên nhân hàng đầu là do hạ huyết áp, hạ thấp trọng lượng khô, sử dụng dịch lọc có nồng độ Na+ thấp, do bệnh nhân uống nhiều nước, khi đặt siêu lọc (số lượng nước rút trong buổi lọc) thường để siêu lọc cao, lượng nước lấy đi quá nhanh trong lòng mạch máu, không kịp bù từ khoảng kẽ và mô tế bào vào mạch máu gây thiếu máu cơ, giảm Na+, hạ huyết áp -> bệnh nhân có dấu hiệu chuột rút. Để khắc phục/hạn chế tình trạng trên bệnh nhân nên hạn chế uống nước, để đảm bảo mỗi lần đi lọc máu không rút quá 5% trọng lượng cơ thể (Theo dõi qua cân nặng).
- Ngoài buổi lọc máu, bệnh nhân cũng có thể bị chuột rút. Do thận suy, mất chức năng điều chỉnh muối – nước, thăng bằng kiềm toan nên khi có sự thay đổi nồng độ các chất điện giải Na+, Ca++, K+, Mg+, K+ sẽ dẫn đến hiện tượng trên. Vì vậy chế độ ăn – uống của bệnh nhân rất quan trọng, ngoài việc hạn chế uống nước, bệnh nhân phải lưu ý lưu kiểm soát lượng muối, Canxi, Phospho, Magne trong chế độ ăn.
- Đặt nồng độ dịch lọc máu cũng rất quan trọng. Khi đặt nồng độ dịch lọc cao sẽ nâng được huyết áp trong lọc máu song sau lọc bệnh nhân rất khát nước và uống nhiều nước sẽ dẫn tới tăng cân. Nếu đặt nồng độ dịch lọc thấp, làm giảm được chỉ số huyết áp song lại có thể gây chuột rút.
- Táo bón: là triệu chứng gặp hay gặp ở bệnh nhân thận nhân tạo. Khi đó, bệnh nhân phải đi khám bác sỹ để loại trừ các nguyên nhân tổn thương ở đường tiêu hóa để điều trị theo nguyên nhân. Nếu do chế độ ăn ở bệnh nhân thận nhân tạo thì tìm cách khắc phục. VD: một sai lầm dễ mắc phải do tâm lý bệnh nhân nghĩ ăn nhiều rau, hoa quả cho “mát”, nhiều chất xơ sẽ nhuận tràng và chống táo bón nhưng đây lại là vấn đề đặc biệt lưu ý với bệnh nhân thận nhân tạo. Song nếu ăn nhiều rau,quả, K+ máu tăng. Bệnh nhân có thể tử vong khi nồng độ K+ trong máu > 7 mmol/l. Tuy nhiên bệnh nhân có thể ăn thêm rau bằng cách luộc bỏ nước (luộc rau gần chín, bỏ nước luộc lại 2 – 3 lần). K+ sẽ giảm đáng kể. Trong khi chờ lọc máu, bệnh nhân có thể ăn 1 chút hoa quả mà mình thích nhưng không nên ăn loại nhiều K+: chuối, dưa hấu…
- Đau xương khớp: do nhiều nguyên nhân: tăng acid uric máu gây hội chứng giả gút, loãng xương, nhuyễn xương… là hậu quả của lọc máu lâu năm. Nhất là khi có nhiều chất (có trọng lượng phân tử trung bình hoặc cao) không đào thải được bằng con đường lọc máu thường quy. VD: β2Microglobulin ở bệnh nhân lọc máu có thể tăng gấp 30 – 60 lần so với người bình thường. β2Microglobulin sẽ lắng đọng ở tất cả các cơ quan trong cơ thể như tim, gan … đặc biệt ở cơ và khớp gây nên đau nhức, là dấu hiệu của hội chứng Amyloide. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà cần tư vấn bs.
- Điều chỉnh giá viện phí: đây là một trong những vấn đề được bệnh nhân quan tâm nhất trong thời điểm điều chỉnh giá viện phí sắp tới. TS. Dũng giải thích cho bệnh nhân biết về chủ trương của Chính phủ để từng bước tiến tới thu đúng thu đủ chi phí dịch vụ y tế. Việc thu bù chi, đúng - đủ sẽ giúp cho tăng cường nguồn lực, phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về tuyến tỉnh, tuyến huyện. Khi đó, bệnh nhân sẽ không phải chuyển tuyến, đỡ tốn kém cho chi phí đi lại, giảm tải cho y tế tuyến trên. VD: khi kỹ thuật thận nhân tạo đượcphát triển mạnh ở tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện, ệnbh nhân sẽ được lọc máu ngay tại địa phương, giảm chi phí đi lại, thuê nhà, người thân phục vụ, lại vẫn tham gia lao động sinh hoạt được tại gia đình… phù hợp với nguyện vọng của người bệnh, giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân và gia đình.
- TS. Dũng đã giải thích rõ rằng sự ảnh hưởng đến 3 nhóm đối tượng được chi trả Bảo hiểm y tế hiện nay:
- Nhóm được hưởng BHYT 100%, sẽ không bị ảnh hưởng gì;
- Nhóm đồng chi trả 20%, đang được băn khoăn nhất vì phải chịu nhiều tác động thay đổi nhưng nhóm đối tượng này có thể được vận dụng thể chế chính sách nếu số tiền đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ bản (khoảng 7.000.000 VNĐ) thì từ tháng sau đó bệnh nhân sẽ được BHYT chi trả 100% cho chi phí điều trị mà không phải “đồng chi trả” nữa;
- Nhóm bệnh nhân đồng chi trả 5% sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, vì mỗi tháng chỉ phải chi tăng thêm khoảng 50.000 VNĐ, (khoảng 500.000 – 600.000 VNĐ/ năm). Tuy nhiên, nếu chi trả nhiều, số tiền đồng chi trả cũng không vượt quá 6 tháng lương cơ sở như trường hợp 20% trên.
Chương trình Yoga cười là một điểm mới trong buổi sinh hoạt kỳ này, đã đem lại cho các bệnh nhân một tâm trạng thật sự sảng khoái. Với phương châm: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, tuy nhiên làm sao để cười và cười như thế nào như “thuốc bổ” thì không phải ai cũng biết. Nhờ sự hướng dẫn của Tình nguyện viên Yoga Cười, bệnh nhân đã có những giây phút thư giãn thật sự thoải mái, cùng nhau cười để cảm nhận một không gian thật gần gũi. Những cái bắt tay thật chặt, những tiếng cười vang ròn đã giúp các bệnh nhân gần nhau hơn, tinh thần sảng khoái, phấn chấn hơn.
Bác Chu Văn Thính 72 tuổi bày tỏ: “Tôi đã chạy thận 5 năm tại Khoa Thận nhân tạo, cũng được tham dự nhiều chương trình nhưng tôi rất phấn khởi với nội dung này, nó là nguồn động viên rất lớn đối với những bệnh nhân như tôi”; Bác Dương Thị Nhàn 53 tuổi, người đã có 20 năm chạy thận nhân tạo thì cho rằng: “Chương trình thật ý nghĩa, được tư vấn những thông tin hữu ích cho sức khỏe, được quà tặng và được cười sảng khoái. Tôi mong những chương trình như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên”
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức Chương trình này, BS.CKII. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng Phòng Công tác Xã hội cho biết: “Bệnh nhân không chỉ thiếu thốn về tiền bạc mà còn thiếu những kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, để cùng với thầy thuốc hướng tới một kết quả điều trị cao và an toàn. Hy vọng chương trình sẽ trở thành món quà thiết thực cho người bệnh. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn có thêm nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội đồng hành cùng Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai trong hoạt động ý nghĩa này”.
Hải Chiều, Bệnh viện Bạch Mai