Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn toàn viện nhằm tìm ra phương pháp điều trị cho bé gái 11 tuổi, nạn nhân trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ

Sáng 15/9, dưới sự chủ trì của Giám đốc, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện nhằm tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cứu bé gái 11 tuổi, nạn nhân trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ, Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai. Cùng tham gia hội chẩn, về phía Nhật Bản có GS.TS Hashimoto, Chuyên gia Hô hấp đến từ Khoa hô hấp, Bệnh viện National Center for Global Health and Medicine Tokyo- Nhật Bản.

Bệnh nhi Mông Hoàng Thảo Ng. (nữ, 11 tuổi), dân tộc Tày là nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại bản Làng Nủ - Phúc Khánh - Bảo Yên - Lào Cai. Bố mẹ bệnh nhi làm thợ xây ở Hà Nội, anh trai của bệnh nhi đi học nên thoát nạn.

Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm phổi do đuối nước và hít bùn đất, biến chứng ARDS - Đa chấn thương - Gãy xương đòn phải - Đụng gập gan phải - Tổn thương phần mềm nhiều nơi - Theo dõi sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng - Rối loạn đông máu - DIC - Hội chứng tiêu cơ vân cấp. Hiện bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai.

Giám đốc chỉ đạo Bệnh viện tập trung tối đa nhân lực, vật lực để điều trị, cứu chữa cho cháu bé

Báo cáo ca bệnh tại buổi hội chẩn, Bác sĩ Phạm Công Khắc, Trung tâm Nhi khoa cho biết, sau 4 ngày được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện tình trạng phù nề  và rối loạn đông máu của bệnh nhi giảm. Bệnh nhi vẫn được an thần, thở máy, đồng tử phản xạ ánh sáng yếu, nhưng vấn đề viêm phổi của bệnh nhi rất trầm trọng do ứ nước, hít phải nhiều bùn đất trong vụ lũ quét. “Suốt 4 ngày rửa phổi, dịch bệnh nhi vẫn ra đục ngầu bùn cát. Đến ngày hôm nay, nội soi phế quản có chảy máu, rất khó khăn trong việc làm sạch bùn đất vẫn ở phổi", bác sĩ Khắc chia sẻ.

PGS. TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc bệnh viện nhận định: Bệnh ngày thứ 5, nguy cơ dị vật, bùn cát đã bám chặt, viêm phù nề, tổ chức hóa sẽ gây ra nhiều khó khăn khi rửa phế quản. Đề nghị tiếp tục rửa phế quản phế nang qua nội soi thường quy hàng ngày. Đồng thời, bổ sung corticoid toàn thân để điều trị phù nề. Khi rửa phế quản nếu chảy máu thì cần pha thêm Adrenalin liều nhỏ để cầm máu. Giai đoạn này chưa nên rửa phổi toàn bộ (whole lung lavage) với lượng dịch lớn. Về Surfactan trong điều trị ARDS ở trẻ em, Trung tâm Nhi nên cân nhắc sử dụng, dùng thời điểm nào sẽ do Trung tâm quyết định. Trong môi trường đất, nước bẩn, có nguy cơ nhiễm trùng máu qua các tổn thương hô hấp là rất cao. Phó giáo sư Giáp khuyến nghị bổ sung kháng sinh…

Phó giáo sư Giáp khuyến nghị bổ sung kháng sinh trong phác đồ điều trị cho bệnh nhi

Ở góc nhìn của huyết học, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Tùng, Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết: Thời điểm nội soi phế quản có chảy máu, có giảm tiểu cầu. Sau khi truyền khối tiểu cầu thì tiểu cầu đã lên. Đề nghị tiếp tục rửa phế quản. Trung tâm Huyết học truyền máu sẽ phối hợp bù chế phẩm máu, đảm bảo đông máu khi thực hiện thủ thuật; Xét nghiệm theo dõi công thức máu, đông máu toàn bộ thường xuyên, nhất là trước khi làm thủ thuật để bù chế phẩm máu thích hợp.

GS. TS. Hashimoto theo khuyến cáo của CDC Nhật Bản và Mỹ thì nạn nhân có thể hít phải các dị vật và các căn nguyên như nấm và các vi khuẩn NTM có trong đất và nước. Do vậy cần chú ý đối với các căn nguyên này có thể tấn công vào phổi bệnh nhân. Đề xuất tìm thêm nấm, nhất là ở những ngày điều trị sau rất quan trọng.

PGS Đào Xuân Cơ trực tiếp thăm khám và chỉ đạo hội chẩn để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhi

Tại buổi hội chẩn, có sự tham gia, đánh giá và đưa ra các hướng điều trị của đủ các chuyên gia đầu ngành: Hồi sức tích cực, hệ Nội, hệ Ngoại, cận lâm sàng, khối xét nghiệm và dinh dưỡng…

Sau khi nghe ý kiến hội chẩn của các chuyên ngành, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo: trong hôm nay (15/9) sẽ nội soi tiêu hóa tại giường cho bệnh nhi. Bệnh nhi cũng cần thực hiện nội soi hô hấp, lấy dịch tìm vi khuẩn, tìm nấm... Bên cạnh đó, chiến lược điều trị thuốc, dinh dưỡng... cũng cần được tính toán, làm sao để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bệnh nhi cần tiếp tục thở máy với Vt thấp để bảo vệ phổi. Đặc biệt, các phương án được tính đến để buộc phải rửa phổi tiếp tục cho bệnh nhi, đẩy dị vật bùn, cát ra khỏi phổi, vì nếu càng để lâu, dị vật càng "ăn" vào phổi sẽ không xử lý được, gây ra loạt phản ứng trầm trọng gây hoại tử, viêm nghiêm trọng.

GS. TS. Hashimoto đề xuất tìm thêm nấm, nhất là ở những ngày điều trị sau rất quan trọng.

Phương án phục hồi chức năng hỗ trợ vỗ rung phổi... cũng được tính toán.

Phó giáo sư Cơ cũng chỉ đạo: “Gia đình bệnh nhân trong cơn hoảng loạn, mất mát hết. Bệnh viện ngoài chăm sóc bệnh nhi, sẽ hỗ trợ cả bố mẹ cháu bé ăn ở. Bệnh viện tập trung mọi nguồn lực và vật lực tốt nhất để cứu chữa, điều trị cho cháu bé, là sự đóng góp thiết thực giảm đi một phần đau thương mất mát cho người dân vùng lũ"./.

Diệu Hiền - Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image