Với mục đích nâng cao hơn nữa hiểu biết về HIV/AIDS cho nhân viên y tế để có thể nhanh chóng phát hiện sớm, tích cực phòng ngừa HIV và nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc đẩy lùi đại dịch này, chiều 1/12/2020 tại Hội trường lớn nhà P, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và đại biểu trong nước và quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. BS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Tuy nhiên nhóm nguy cơ cao hiện nay tập trung chủ yếu trong nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.
TS.BS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ nội dung "Cập nhật dự phòng HIV sau phơi nhiễm"
Chia sẻ bên lề Hội thảo, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai cũng tham gia hết sức tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia của bệnh viện đã sát cánh cùng các cơ quan quản lý chuyên môn của Bộ Y tế, Cục phòng chống HIV/AIDS tham gia xây dựng biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn và giảng dạy về HIV/AIDS. Đội ngũ chuyên gia của bệnh viện mà nòng cốt là từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã trực tiếp giảng dạy, hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ chuyên nghiệp và tin cậy cho người bệnh HIV/AIDS cùng gia đình đến để nhận được các dịch vụ khám chữa bệnh cũng như là nơi các đồng nghiệp tại các tuyến điều trị trao gửi niềm tin. Hiện Trung tâm bệnh nhiệt đới đang trực tiếp quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, duy trì cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) cho hơn 2.000 người nhiễm HIV. Trung tâm cũng tiếp nhận và điều trị chuyên sâu các bệnh nhân nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người bệnh nguy kịch đã được tập thể các thầy thuốc cứu sống, điển hình như bệnh nhân Khương Thị T. 44 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở rất nặng, được chẩn đoán viêm phổi PCP đã được cứu chữa khỏi bệnh, tiếp tục điều trị ngoại trú tại phòng khám HIV; một trường hợp khác là ca bệnh suy đa tạng của bệnh nhân nhiễm nấm Talaromyces marneffei, viêm màng não do nấm cryptococcus neoformans đã được chữa khỏi, ra viện trở về với cuộc sống thường nhật, nhiều trường hợp lấy vợ/chồng và sinh con khỏe mạnh không bị nhiễm. Dự án điều trị viêm võng mạc do CMV cho người có HIV tại Khoa Mắt của bệnh viện đã mang ánh sáng trở về cho nhiều người bệnh.
TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước với nhiều báo cáo chất lượng: “Tình hình HIV hiện nay trên thế giới và Việt Nam: Cơ hội và thách thức” của TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; “Hướng tới mục tiêu 90-90-95 để thanh toán đại dịch AIDS vào năm 2030” của TS. Paula Morgan - Giám đốc văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; “Cập nhật về luật phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020” của PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS; “Chống kỳ thị phân biệt đối xử HIV trong môi trường y tế” của TS. Todd Pollack - Giám đốc tổ chức HAIVN và “Cập nhật xử trí sau phơi nhiễm nghề nghiệp” của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Bài: Mai Thanh/Ảnh: Thành Dương