Tham gia Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, về phía khách mời có ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Vụ Châu Mỹ, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam; Ông Mazedul Haque, Trưởng đại diện Tổ chức Humanity and Inclusion… Về phía Bệnh viện Bạch Mai có: PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện; Ths. Nguyễn Thị Hương - Chánh văn phòng Bệnh viện; PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ; PGS.TS. Đỗ Đào Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng…
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt hơn 4.000 cán bộ nhân viên, PGS. TS. Đào Xuân Cơ gửi lời cảm ơn tới Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Việt Nam. PGS. TS. Đào Xuân Cơ cũng cho biết Hoa Kỳ là một trong những cường quốc về y tế, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị được hưởng lợi từ đó khi mở rộng hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ. Nhiều cán bộ của Bệnh viện được học tập tại Hoa Kỳ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với nền y tế tiên tiến của thế giới. Các cán bộ sau khi được đào tạo tại Hoa Kỳ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn trở thành cán bộ nòng cốt tại các đơn vị, góp phần xây dựng Bệnh viện ngày một vững mạnh, và tích cực gián tiếp đóng góp vào mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột qụy cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập năm 2020 và đã được Tổ chức Đột quỵ Thế giới - WSO trao tặng chứng chỉ Kim cương, chứng chỉ cao nhất dành cho các Trung tâm Đột quỵ. PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp so với thế giới. Trên thế giới, tỷ lệ người mắc đột quỵ đến viện sớm đạt 50 - 70% . Vì vậy, khả năng phục hồi gần như hoàn toàn sau đột quỵ cũng rất cao. Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh của miền Bắc, mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 50 - 55 người bệnh nhập viện, trong số đó khoảng 8% là người trẻ. Với thực trạng như vậy, việc nâng cao nhận thức để người dân đến viện sớm trong “giờ vàng” là vô cùng quan trọng… Việc triển khai Dự án sẽ tích cực hỗ trợ phát triển chuyên ngành, tăng cường năng lực và chất lượng chẩn đoán, chăm sóc và điều trị người bệnh đột quỵ trong thời gian tới.
“Chúng tôi vui mừng tiếp tục hợp tác với Bệnh viện Bạch Mai thông qua Trung tâm Đột quỵ và Trung tâm Phục hồi chức năng,” Giám đốc USAID Việt Nam - Aler Grubbs phát biểu. “Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam tăng cường áp dụng các thực hành tốt nhất trên thế giới về cứu chữa bệnh nhân và giảm thiểu khuyết tật ở những người bệnh đột quỵ.”
Với kinh nghiệm thực hiện dự án của HI và hợp tác với USAID, ông Mazedul Haque - Trưởng Đại diện tổ chức HI tại Việt Nam tin tưởng Dự án “Tăng cường Chăm sóc Y tế và Đào tạo Phục hồi Chức năng (ADMIRE)” sẽ thành công và ông hy vọng Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai sẽ là nơi điều trị và đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực.
Theo bản ghi nhớ, trong thời gian 2 năm tới, đối tác thực hiện dự án của USAID là Tổ chức HI sẽ phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để nâng cao năng lực chuyên sâu thông qua việc hỗ trợ chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành đột quỵ và bệnh lý mạch máu não cho bác sĩ; tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ đa ngành để đảm bảo người bệnh được chăm sóc liên tục trong suốt quá trình điều trị; tăng cường phối hợp, chia sẻ các kỹ năng thực hành tốt và hỗ trợ kỹ thuật thông qua các mạng lưới quốc gia và quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu của Trung tâm Đột quỵ và Trung tâm Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai.
Bài: Hợp tác quốc tế - Văn phòng Bệnh viện
Ảnh: Thế Anh - Phòng Công tác xã hội