Tham dự buổi lễ, về phía khách quốc tế có GS. Scott D. Phillips - Giám đốc Trung tâm Chống độc Washington, Hoa Kỳ; GS. Winai Wananukul - Giám đốc Trung tâm Chống độc Ramathibodi, Bangkok, Thái Lan...; Về phía Bộ Y tế có GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Về phía Bệnh viện Bạch Mai có PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện; Các Phó Giám đốc: PGS.TS. Vũ Văn Giáp; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng; CVCC. Vũ Văn Hồng; TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cùng các cựu lãnh đạo của Trung tâm và đông đảo bác sĩ, đồng nghiệp, khách mời đến từ các Bệnh viện trên cả nước.
Đơn vị tiền thân của Trung tâm Chống độc là Tổ Hồi sức chống độc được thành lập tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 vào năm 1998. Đây là ý tưởng tiến bộ và nhân văn được khởi động bởi Giáo sư Vũ Văn Đính, người thầy của chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam. Tổ Hồi sức Chống độc với quy mô hoạt động ngày càng lớn: Từ một cơ sở hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đã vươn ra cộng đồng, các tỉnh thành và trở thành hệ thống với chức năng phát hiện, giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra các trường hợp ngộ độc nặng. Sau khi tách thành 3 đơn vị: Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Chống độc, các đơn vị đều đã hoàn thành xuất sắc chức, năng nhiệm vụ của mình và được Bộ Y tế phê duyệt nâng cấp lên thành các Trung tâm.
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trở thành một đơn vị đặc biệt, vừa mang tính chất của đơn vị lâm sàng chuyên sâu, vừa mang tính chất của một đơn vị y tế dự phòng. Với sự đa dạng, phức tạp luôn thay đổi của số lượng khổng lồ các hóa chất, chất độc, cùng với sự phát triển nhanh của đất nước đặt ra nhiều yêu cầu với công tác phòng chống độc, đảm bảo an toàn cho người dân.
Ngay từ khi thành lập, Trung tâm trải qua giai đoạn đầu khó khăn chung, với nguồn lực rất hạn chế, tới nay đã có cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực chuyên sâu từ cấp cứu hồi sức đến xét nghiệm độc chất, với đủ 3 đơn vị hoạt động: Đơn vị lâm sàng chuyên điều trị ngộ độc; Đơn vị xét nghiệm độc chất; Đơn vị thông tin chống độc. Vượt lên mọi khó khăn, Trung tâm Chống độc luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình trong điều kiện hiện có, cố gắng tập trung chẩn đoán, cứu chữa người bệnh nặng, nghèo, đặc biệt những người yếu thế. Các bệnh ngộ độc tại Trung tâm cũng đa dạng, đặc biệt, nhiều loại ngộ độc chỉ gặp ở Việt Nam. Trung tâm đã thành công trong chẩn đoán điều trị, xây dựng phác đồ phổ biến cho các tuyến như: ngộ độc phospho hữu cơ, rắn độc cắn, ong đốt… Trung tâm cũng đi đầu trong công tác phát hiện, chẩn đoán các vấn đề, các ngộ độc mới nổi như: ngộ độc thiếc, ngộ độc botulinum, các ma túy mới,…Có thể nói, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai với số lượng lớn các mặt bệnh ngộ độc là cơ sở lý tưởng cho công tác nghiên cứu, đào tạo mà ít nơi nào trên thế giới có được.
Bên cạnh công tác lâm sàng, Trung tâm cũng luôn chủ động phát hiện các nguyên nhân, các nguy cơ ngộ độc, chủ động tham mưu Bệnh viện đề xuất với Bộ Y tế can thiệp và xử lý giúp ngăn chặn ngộ độc. Trung tâm cũng đi đầu trong việc tham gia xử lý các vụ việc ngộ độc phức tạp, tư vấn cho cơ quan quản lý giải quyết, ví dụ vụ ngộ độc methanol qua đường hô hấp tại Bắc Ninh, vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool ở Nha Trang, vụ cháy có phát tán thủy ngân tại nhà máy Rạng Đông, và gần đây nhất là các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân - Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn biểu dương những đóng và thay đổi rất đáng tự hào của Trung tâm Chống độc trong thời gian qua. Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Thuấn ghi nhận vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. “Trong giai đoạn hiện nay, sự thay đổi mô hình bệnh tật nói chung và trong lĩnh vực chống độc nói riêng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chuyên ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, hội nhập quốc tế. Bộ Y tế mong muốn và tin tưởng rằng những kết quả đã đạt được của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong 25 năm qua sẽ được nhân rộng khắp các địa phương, đem lại nhiều cơ hội hơn cho người bệnh. Bộ Y tế và cá nhân tôi phụ trách lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các chuyên ngành nói chung cũng như chuyên ngành chống độc nói riêng để chuyên ngành này ngày càng lớn mạnh, sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới”, GS.TS. Trần Văn Thuấn chỉ đạo.
Trên cương vị người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện cũng ghi nhận những thành tựu mà Trung tâm Chống đốc đã đạt được. Phó giáo sư Cơ nhấn mạnh: “Trong điều kiện đất nước đang phát triển, với rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, Ban Giám đốc Bệnh viện hoàn toàn ủng hộ và sẽ tạo điều kiện tối đa để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.Để thực hiện được tốt các chức năng nhiệm vụ và trưởng thành như ngày hôm nay, Trung tâm Chống độc nói riêng cũng như Bệnh viện Bạch Mai nói chung, đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế, các đơn vị phối hợp từ các cơ quan đơn vị chuyên ngành như Viện Hóa học, Bảo tàng Thiên nhiên, Viện Pháp Y Quốc gia;…sự hỗ trợ của các chuyên gia, các đơn vị trong và ngoài nước. Đặc biệt các chuyên gia, đơn vị từ các nước bạn như Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan,…Thay mặt Bệnh viện, Giám đốc Xuân Cơ ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp đó. Đồng thời, Giám đốc Cơ đã trao Bằng khen để ghi nhận những đóng góp đó cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Bên lề Lễ Kỷ niệm 25 thành lập Trung tâm Chống độc là Hội nghị Quốc tế chuyên ngành Chống độc với sự tham gia tham luận, báo cáo của các chuyên gia chống độc đầu ngành thế giới như GS. Scott D. Phillips, Giám đốc Trung tâm Chống độc Washington, Hoa Kỳ với bài tham luận “Hệ thống dự trữ và điều phối sử dụng thuốc giải độc ở Mỹ” và “Hít phải khói trong các vụ cháy”; GS. Winai Wananukul, Giám đốc Trung tâm Chống độc Ramathibodi, Bangkok, Thái Lan chia sẻ về “Hệ thống dự trữ và điều phối sử dụng thuốc giải độc ở Thái Lan” và các bài báo cáo với thông tin cập nhật, hết sức thiết thực trong quá trình chẩn đoán, điều trị như: “Ngộ độc cấp thuốc lá điện tử; Các nguy cơ, độc tính và các bệnh lý do thuốc lá điện tử” do TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bạch Mai báo cáo cùng nhiều bài cáo có giá trị khác như: Ngộ độc Botulium; Ngộ độc paracetamol; Vai trò lọc máu hấp phụ trong ngộ độc cấp do hóa chất chưa rõ loại; Tim phổi nhân tạo trong điều trị bệnh nhân ngộ độc; Chẩn đoán và điều trị các ngộ độc thường gặp tại Bệnh viện Chợ Rẫy...
Tiểu Vũ – Thế Anh