Báo cáo viên ThS Vũ Anh Quân - Trung tâm Sáng kiến về Sức khỏe Tâm thần, Trường Đại học Y tế Công cộng Thành phố New York - Hoa Kỳ đã trình bày báo cáo với nội dung xoay quanh việc phối hợp với nhân viên Công tác xã hội hỗ trợ người bệnh có nguy cơ về sức khỏe tâm thần tại bệnh viện. Báo cáo chia làm bốn phần chính: Vai trò và trách nhiệm của Công tác xã hội tại bệnh viện; Tổng quan về trầm cảm và lo âu; Mô hình phối hợp đa chuyên ngành để hỗ trợ tâm lý cho người bệnh; Các công cụ phối hợp với Công tác xã hội trong chăm sóc Sức khỏe tâm thần.
Trước hết, các nhân viên Công tác xã hội tại bệnh viện cần tiếp cận và thu thập thông tin về tâm lý xã hội của khách hàng đặc biệt là các nguồn lực và các rào cản. Sau đó lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ người bệnh, tham vấn và hỗ trợ cảm xúc cho người bệnh, hỗ trợ cho quyền lợi chính đáng của người bệnh, lên kế hoạch xuất viện và theo dõi ngoại trú, khuyến nghị các lưu ý cần thiết về lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện, uống thuốc theo đơn bác sĩ, lịch khám định kỳ với mục đích nâng cao chất lượng sống và giảm nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, các nhân viên công tác xã hội sẽ kết nối các nguồn lực bên trong và ngoài bệnh viện nhằm hỗ trợ các nhu cầu xã hội của người bênh và từ đó góp phần cải thiện chất lượng điều trị.
Người bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đều được các bác sỹ, nhân viên y tế cứu chữa kịp thời, chăm sóc tận tình, tuy nhiên để điều trị bệnh được hiệu quả và duy trì sức khoẻ ngay cả khi ra viện thì người bệnh, nhất là những người bệnh “yếu thế” cần được can thiệp một cách toàn diện ngay trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Nhân viên công tác xã hội có thể hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh trong việc nhận biết các vấn đề tâm lý xã hội, kết nối họ với các nguồn lực và đảm bảo môi trường an toàn khi xuất viện. Tuy nhiên những hoạt động này chỉ được thực hiện một cách hiệu quả trong mối quan hệ hợp tác của các chuyên gia trong nhóm đa ngành.
Theo thống kê về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tinh thần phổ biến chiếm 14,9%, trong đó trầm cảm và lo âu là những rối loạn thường gặp chiếm tỷ lệ cao. Trầm cảm, lo âu, căng thẳng, sợ hãi về mặt tâm sinh lý, xã hội sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị và cả quá trình phục hồi sau khi lui bệnh. Nhóm nguy cơ cao dễ bị tổn thương về mặt tâm lý là phụ nữ, bà mẹ mang thai, người cao tuổi, trẻ vị thành niên, người sống cô đơn, cô lập, người có tiền sử mắc các bệnh rối loạn tâm thần và kể cả người nhà người bệnh chịu áp lực về kinh tế, về gánh nặng gia đình, bệnh tật của người thân..
Mạng lưới công tác xã hội có vai trò hết sức quan trọng, là những cán bộ đầu mối kết nối thông tin thường xuyên với phòng công tác xã hội để kịp thời triển khai hiệu quả các hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện. Cán bộ màng lưới công tác xã hội cần phối hợp chặt chẽ với phòng Công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tâm thần thường gặp nhằm cải thiện kết quả điều trị tổng thể. Ứng dụng mô hình Tâm sinh lý - Xã hội trong việc đánh giá và can thiệp người bệnh có nguy cơ về sức khỏe tinh thần. Tham vấn hỗ trợ cảm xúc thực hiện bởi Công tác xã hội là liệu pháp đầu tay, tiện lợi cho người bệnh, ứng dụng công cụ trong sàng lọc và chuyển gửi.
Mục đích của việc tập huấn lần này là nhằm nâng cao kiến thức về sự phối hợp của nhóm làm việc đa ngành gồm bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên công tác xã hội tại Bệnh viện. Thông qua lớp tập huấn, các học viên trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động công tác xã hội tại đơn vị.
Bài: Thùy Dương/Ảnh: Thành Dương