Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Béo phì ảnh hưởng thế nào đến bệnh tim mạch?

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh liên quan đến tim mạch như bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim...

Béo phì là tình trạng bệnh nhân có cân nặng quá lớn so với chiều cao, được xác định bởi chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Nếu BMI (xác định bằng cân nặng chia cho hai lần chiều cao) từ 30 trở lên thì bị coi là béo phì.

Theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi (Bệnh viện Bạch Mai), béo phì không những gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn gây nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh liên quan đến tim mạch.


Trước tiên, béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. “Huyết áp ở những người béo phì rất dễ tăng và chính huyết áp lại là nguy cơ lớn nhất gây ra các bệnh tim mạch”, GS.TS Đỗ Doãn Lợi nói.

Bên cạnh đó, béo phì khiến nguy cơ tăng các bệnh mạch vành. Mỡ, cholesterol làm hẹp mạch vành, cản trở lượng máu vận chuyển đến nuôi tim, gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Suy tim là hậu quả hầu như tất yếu của các bệnh tim mạch và có tỉ lệ tử vong rất cao.

Béo phì còn làm rối loạn lipid máu, khiến tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, làm giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Đó là nguy cơ rất lớn gây hẹp các mạch máu, là nguyên nhân của nhồi máu cơ tim, tắc mạch não, mạch tạng, mạch chi …

Đặc biệt, khả năng dẫn đến đột qụy ở người béo phì cao hơn nhiều lần người bình thường. Người có BMI lớn hơn 30 dễ bị tử vong do bệnh tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch. Những người béo phì mức độ thấp cũng phải cẩn trọng nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thì nguy cơ đột quỵ vẫn có thể xảy ra.

Chuyên gia này cũng cho biết, các bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh. Cứ 100 người chết thì có tới khoảng 1/3 số họ là chết do bệnh tim mạch. 

Người béo phì có nguy cơ bị những bệnh về tim mạch và nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần so với người không béo phì. Hơn nữa, nếu người béo phì còn kèm theo các yếu tố khác như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít hoạt động thể lực, tiểu đường, tuổi cao… thì nguy cơ bị các bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần. Béo phì có thể gây ra các bệnh lý tim mạch nên có thể gây ra những cơn đau tim. 

Các thống kê đã cho thấy, nguy cơ tử vong rất cao đối với người mắc các bệnh tim mạch. Nhưng GS.TS Đỗ Doãn Lợi cho biết, khoa học cũng đã chứng minh rằng, đa số bệnh tim mạch (tới 70-80%) có thể phòng tránh được nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ, trong đó béo phì là một yếu tố nguy cơ đáng kể, song song với các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể loại bỏ được, như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động thể lực, stress trong công việc, cuộc sống… Hiệu quả là bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... không đến hoặc đến chậm hơn, nhẹ hơn, thậm chí coi như không có nếu được điều trị tốt. 

Tất cả các biện pháp kể trên sẽ làm giảm rõ rệt nguy cơ bị các bệnh tim mạch.

Theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi, để phòng và chữa béo phì, cần loại trừ các nguyên nhân gây ra béo phì. Trước tiên là cần có chế độ ăn hợp lý: Tránh ăn mỡ, các phủ tạng động vật, da gà vịt; cần hạn chế lượng ăn các chất bột (cơm, mỳ phở, bún …), hạn chế đồ ngọt, bánh, hạn chế rượu bia; cần tăng các loại rau, củ (su hào, su su, củ cải, cà rốt …), hoa quả, cá, các loại hạt (lạc, hướng dương, bí, hạnh nhân …).

Song song với chế độ ăn, cần tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng và giúp các cơ quan, các tuyến nội tiết, tiêu hóa… hoạt động tốt hơn. 

“Mọi hoạt động thể lực đều tốt, tất nhiên tùy sở thích và khả năng, thể lực của từng người. Đi bộ, đạp xe, bơi, tập dưỡng sinh, aerobic, kể cả vẩy tay, đều là các hoạt động tốt cho một cơ thể khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, đặc biệt là cho một trái tim khỏe”, chuyên gia này nhấn mạnh.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image