Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bí ẩn thế giới tâm thần (1): Khi tất cả không muốn thừa nhận

Có lẽ trong các loại bệnh được con người biết tới trên thế giới này, tâm thần nằm trong nhóm bệnh rất đặc biệt. Sự đặc biệt xuất hiện từ những hoàn cảnh “không giống ai” của người bệnh, từ những hiểu lầm lệch lạc của cộng đồng về căn bệnh không lây nhiễm này. Nếu không hiểu cơ bản về chứng bệnh đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có thể phải hối tiếc khi để bệnh nhân – có thể là chính bản thân mỗi người, hoặc người thân bên cạnh – phải sống trong một thế giới “bí ẩn”, trong đó, chỉ có một mình họ chống chọi.

Ở hành lang bệnh viện tâm thần, một nam thanh niên có dáng vẻ khỏe mạnh mặc bộ đồ bệnh nhân đi qua lại, miệng nở nụ cười vui vẻ. Nụ cười đó trở nên tươi hơn bao giờ hết, mỗi khi cậu bước chân qua phòng có một nữ bệnh nhân trẻ trạc tuổi, rất xinh xắn, ngồi ngóng qua cửa sổ hướng ra hành lang.

Mỗi khi hai ánh mắt chạm nhau, cô gái lại giơ tay vẫy chào, cười sung sướng. Cô ấy đang tưởng như mình ngồi trên toa tàu, và vẫy tay với một người bạn đưa tiễn trên sân ga, dù thực tế họ chỉ cách nhau… hai mét. Và cảnh chào nhau đầy tình cảm đó cứ lặp đi lặp lại cả giờ đồng hồ, vì một người cứ đi qua, đi lại, người kia cứ ngồi và giơ tay vẫy.

ảnh 1

Còn rất nhiều sự hiểu lầm và kỳ thị về căn bệnh tâm thần trong xã hội.

Chừng như mỏi, nam thanh niên đứng lại trước cửa phòng bệnh, rồi đi vào gặp người nhà của cô gái, nói rằng muốn thưa chuyện cưới hỏi. Người nhà cô gái trố mắt, nhưng vẫn cười tươi, và nói những câu động viên để cả hai người bệnh trẻ đều cảm thấy hài lòng. “Ở đây là thế, phải luôn chiều chuộng, khích lệ chứ đừng nói nặng”, một người nhà bệnh nhân giải thích.

Cũng ở hành lang ấy, một cô gái trẻ khác cắt tóc tém chừng 20 tuổi cứ đi qua, đi lại, bước đi chậm rãi, chân như không nhấc khỏi sàn. Ánh mắt cô thất thần, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc, tới nỗi gần như không cử động, và miệng cứ mở đúng một tư thế. Dãi ở miệng chảy ra, lập tức có người mẹ đi phía sau chạy lên chấm, quệt, rồi bà lại lầm lũi lùi về vị trí cũ, cặm cụi bước theo con gái trên hành trình vô định, cứ bước qua bước lại hành lang đến cả trăm lần…

Ở một góc khuất chờ khám tại hành lang, có những người bệnh ngồi đợi trong tâm trạng lo lắng, song họ vẫn hoàn toàn tỉnh táo để nhận thức cuộc sống. Họ lo lắng bởi kết quả chẩn đoán ban đầu chỉ ra rằng, họ đang bị stress, bị trầm cảm nhẹ…, và đây đều là những mã bệnh được ghi nhận dưới cái tên “bệnh tâm thần”.

ảnh 2

Nữ cán bộ tâm lý đang hỗ trợ một người bệnh

Lâu nay, nhiều người vẫn ngỡ tâm thần là chứng bệnh của những người “điên”, “hâm”, hành xử kỳ cục, có thể gây hại cho người khác mà không phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình; Hay tâm thần thì “có chữa cũng chẳng khỏi”, người nhà mắc chứng bệnh này bị coi như một nỗi xấu hổ khó nói với xóm giềng…

Nhưng, những biểu hiện tâm lý bất thường chỉ là phần nổi rất nhỏ, trong cả kho thông tin cơ bản về bệnh tâm thần. Đáng nói hơn, trong tâm thần có khoảng 300 mã bệnh khác nhau. Chỉ rất ít trong số những mã bệnh đó có biểu hiện bằng triệu chứng loạn thần (“hâm”), còn đa số là bệnh nhân vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, trí lực còn nhưng bị rối loạn các chức năng khác (cảm xúc, trí nhớ, ….).

Vì hiểu sai nên không ít người mắc bệnh tâm thần mà không biết, hoặc cố tình không thừa nhận, mà tự tìm tới những chuyên khoa khác để điều trị, dẫn tới tình trạng tăng nặng bệnh vô cùng đáng tiếc.

Clip khoảnh khắc mà các y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần thường phải đối mặt:

Với mong muốn mở ra cánh cửa “bí ẩn” của thế giới tâm thần, PV Báo ANTĐ đã dành thời gian tìm hiểu chi tiết, và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Dưới sự tư vấn chi tiết của TS. BS Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, và TS. BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Stress, cùng nhiều y bác sĩ khác của Viện, chuyên đề “Bí ẩn thế giới tâm thần” đã được hoàn thành, với hy vọng có thể mang tới cái nhìn cơ bản và chính xác về một căn bệnh có xu hướng lan nhanh trong xã hội hiện đại này.

BÀI 1: KHI TẤT CẢ KHÔNG MUỐN THỪA NHẬN

Trong tâm trí của mình, bác sĩ Dương Minh Tâm không thể nào quên buổi chiều cuối đông năm ấy. Bên ngoài sân viện, các bệnh nhân và người nhà đang đi lấy nước nóng, trò chuyện rôm rả. Một cặp vợ chồng trung niên với khuôn mặt khắc khổ, dáng người gầy gò, dẫn theo cô con gái trẻ đang la hét, bước vào phòng trực.

Bằng giọng trầm buồn, bố cô cho biết, con gái mình năm đó 20 tuổi, là con thứ 2 trong 3 người con. Sống trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, cô là người vui vẻ, hòa đồng, nhanh nhẹn, học lực trung bình khá. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô làm công nhân ở một công ty gần nhà, công việc ổn định, và sống cùng bố mẹ và em trai, chưa lập gia đình riêng. Cả gia đình hòa thuận, môi trường công việc cũng không có nhiều áp lực.

ảnh 3

Phương pháp điện não đồ hỗ trợ chẩn đoán vấn đề sức khỏe tâm thần

Nhưng đột nhiên, cô gái trẻ đang ở độ tuổi sung sức nhất lại có biểu hiện nghi ngờ, sợ người trong công ty làm hại mình. Khi về nhà, cô thường xuyên ở trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi.

“Bệnh nhân nói với bố mẹ là xung quanh nhà có ma quỷ rình rập. Đêm, bệnh nhân ngủ kém, hay đi lại nhìn ngó xung quanh nhà, nói chuyện một mình, thậm chí chửi bới”, bác sĩ Tâm nhớ lại.

Mẹ cô gái thấy vậy liền đến ngay… nhà thầy bói trong làng, nhờ thầy xem giúp mồ mả, đất đai nhà mình có bị “động” hay không. Thầy xem và phán rằng nhà cô “phạm long mạch”, cô có “vong” theo. Muốn khỏi, gia đình phải đưa cô lên chùa, gửi vong ở chùa và làm lễ.

Nhà cô gái răm rắp làm theo, làm lễ nhà thầy để giải hạn, rồi đưa cô lên chùa. Nhưng chỉ hai ngày ở chùa, gia đình lại phải đưa cô về, vì rối loạn tâm thần ngày càng nặng hơn, không thể tiếp tục ở lại.

ảnh 4

Một người bệnh đang được điều trị tại phòng thư giãn luyện tập của Viện SKTTQG

Sau đó, mẹ cô lại tiếp tục tìm đến thầy khác để đuổi vong đi, sau khi “nghe nói thầy này ‘cao tay’ lắm”. Lần này, cô gái trẻ được đưa đến nhà thầy cách khoảng 30 km. Đến đây, vị thầy bùa làm lễ cho cô, giữ cô lại nhà thầy một ngày để… “trừ vong”.

Bị say xe, người bệnh càng suy nhược nặng, không chịu ăn uống, không ngủ được, nói năng lộn xộn, rối loạn hành vi. Sau một ngày, thầy “cao tay” này cũng bỏ cuộc, và khuyên bố mẹ cô nên đưa đến bệnh viện tâm thần.

Đến lúc đó, bố mẹ cô gái mới sững người với ý nghĩ đau đáu trong đầu: “Không lẽ con mình bị… ‘điên’ ư?”. Những tưởng như vậy là cô sẽ được đưa đến bệnh viện, nhưng không, bố mẹ lại đưa cô gái về nhà, tổ chức “họp họ” để xin ý kiến các cụ, các ông bà. Trong suy nghĩ của họ, người nhà bỗng dưng “bị điên” là một điều gì đó rất khó chấp nhận…

Cuối cùng, sau sự nhất trí của cả họ, cô gái được đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, sau một hành trình dài tốn kém cả công sức và tiền bạc (gia đình cho biết, số tiền tiết kiệm cả năm trời từ công việc đồng áng đều đã được “đổ” vào những lần làm lễ).

Tại bệnh viện tâm thần, cô gái trẻ được chẩn đoán mắc “Rối loạn loạn thần cấp”. Bố mẹ cô được các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh và cô đã nhận được liệu pháp điều trị phù hợp cho mình.

Sau khoảng 2 tuần điều trị, các triệu chứng bất ổn tâm thần giảm dần, cảm xúc hành vi của bệnh nhân cũng dần ổn định lại. Cô trở về trạng thái hòa đồng, hiền lành, thân thiện hơn với bác sĩ và những người xung quanh. Sau 3 tuần, cô được cho xuất viện về nhà.

Trường hợp người bệnh nói trên không hiếm gặp, nếu không muốn nói là rất phổ biến, khi gia đình bệnh nhân luôn tìm cách né tránh – kể cả trong tâm thức của chính mình – suy nghĩ rằng người thân của họ bị bệnh tâm thần. Và không ít trường hợp đã gặp phải những hậu quả đáng buồn từ sự cố chấp này…

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image